Chuyến đi kéo dài sáu tháng này đã mở đường cho các chuyến du lịch thế giới ngày nay với các điểm đến bao gồm Nhật Bản, Singapore, Ai Cập và Ấn Độ, đồng thời đi qua Kênh đào Suez và Panama.
Trong số những du khách, có hai chị em mới tuổi đôi mươi, Eleanor và Claudia Phelps. Eleanor và Claudia tràn đầy phấn khích khi tàu Laconia rời cảng vào ngày 21/11/1922. Họ chụp ảnh và ghi lại những quan sát trong nhật ký hành trình của mình.
Hành trình của giới quý tộc
Mặc dù có thể chứa khoảng 2.200 hành khách nhưng Laconia hạn chế số lượng hành khách trên hành trình vòng quanh thế giới chỉ ở mức 450 người.
Như vậy, sẽ không có du khách nào phải ngủ dưới boong ở khoang hạng ba, sẽ không có tình trạng quá tải. Mục đích là một trải nghiệm sang trọng, thiết lập một tiêu chuẩn di chuyển mới cho giới thượng lưu.
Theo Stephanie Wilds, cháu gái của Eleanor Phelps, chị em nhà Phelps xuất thân từ một gia đình giàu có ở Nam Carolina.
"Tất cả đều là tiền của giới quý tộc, là sự giàu có của giới quý tộc Mỹ lâu đời", Wilds nói với CNN.
Wilds cho biết, bà cố anh hy vọng các con gái của bà có thể gặp được đối tượng đủ tiêu chuẩn kết hôn thông qua hành trình này.
Nội thất tàu Laconia. Ảnh: CNN
Trên tàu Laconia, có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc với những đối tượng giàu có. Trong nhật ký của mình, Claudia mô tả "Laconia có phòng hút thuốc bằng gỗ sồi đen quyến rũ, phòng ăn với kính và bạc lấp lánh tuyệt đẹp".
Người ta còn tổ chức các bài giảng về lịch sử và ngôn ngữ của các điểm đến trên tàu. Một câu lạc bộ máy ảnh - phù hợp sở thích chụp ảnh của chị em nhà Phelps - cũng như vũ hội hóa trang và các buổi hòa nhạc cổ điển thường xuyên diễn ra trên tàu.
Những điểm đến quyến rũ
Vào tháng 11/1923, Laconia là tàu biển đầu tiên đi qua kênh đào Panama. Eleanor mô tả, bà thường thức dậy "trong sương sớm" để không bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc nào của hành trình băng qua đại dương.
"Bầu trời được bao phủ bởi những đám mây mềm mại, nhuốm màu xám nhạt, mưa rơi trên mặt biển giống như một tấm màn bạc mỏng manh", cô viết.
Ấn tượng ban đầu của Eleanor về con kênh là "vẻ đẹp của chính nó". "Công trình bê tông sạch sẽ hoàn thiện, cây xanh tươi mát, quy hoạch mang tính nghệ thuật, tư duy rõ ràng trong cách bố trí nhà cửa và đường phố".
Rồi họ lần đầu thấy núi Phú Sĩ, Nhật Bản: "Những đỉnh núi hình nón hoàn hảo, tuyết bao phủ, dải ánh sáng vàng dịu xuyên qua màn sương mù. Tôi không thể tưởng tượng được khung cảnh nào đẹp hơn khung cảnh đầu tiên mà chúng tôi chứng kiến và bây giờ tôi biết tại sao người Nhật coi nó thiêng liêng đến vậy", bà viết.
Tới Ấn Độ, chị em nhà Phelps viết: "Chúng tôi đi bộ xuyên rừng sau khi đi qua một ngôi làng, ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp của những thung lũng ngập trong ánh sáng bạc... Chúng tôi lên đến đỉnh núi vào lúc bình minh ló dạng, uống cà phê và leo lên tháp quan sát ngắm mặt trời mọc".