Các hãng truyền thông của Đức như North Deutsche Radio (NDR), West Deutsche Radio (WDR) và Süddeutsche Zeitung (SZ) đã đồng loạt đưa ra thông tin này vào ngày 12/4.
Người phát ngôn của Công ty Vận tải và Hậu cần Cảng Hamburg (HHLA) đã xác nhận với các hãng truyền thông này rằng, Văn phòng An ninh Thông tin Liên bang Đức (BSI) đã quyết định vào đầu năm nay liệt kê bến container Tollerort là "cơ sở hạ tầng quan trọng".
Ảnh chụp màn hình bài báo trên tờ Süddeutsche Zeitung (Đức).
Theo trang tin "Người quan sát" (Trung Quốc), việc doanh nghiệp Trung Quốc mua lại cổ phần bến container Tollerort tại Cảng Hamburg đã bị chặn lại vào tháng 9 năm ngoái bởi các cơ quan liên bang của Đức liên quan đến việc xem xét đầu tư, bao gồm Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu, Bộ Nội vụ, Bộ Đất đai và Tài nguyên. Các cơ quan này tuyên bố rằng, Trung Quốc có thể sử dụng sức ảnh hưởng kinh tế để hiện thực hóa lợi ích địa chiến lược.
Nhưng với sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng Olaf Scholz, Chính phủ Đức cuối cùng đã thông qua một kế hoạch thỏa hiệp vào tháng 10/2022, cho phép COSCO Shipping Ports - công ty con của China COSCO - mua lại 24,9% cổ phần của bến container Tollerort, so với kế hoạch trước đó là mua lại 35% vốn chủ sở hữu.
Bến container Tollerort - cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức
Theo bản cập nhật "Quy định Ngoại thương" của Đức, nếu một công ty nước ngoài có ý định mua hơn 10% cổ phần cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước, việc này cần phải được chính phủ liên bang chấp thuận; nếu không phải là cơ sở hạ tầng quan trọng thì việc mua lại dưới 25% cổ phần không cần sự chấp thuận của chính phủ.
Vì bến container Tollerort không được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng vào thời điểm đó, nên các cơ quan liên bang không thể phản đối việc bán lại 24,9% cổ phần.
Theo thông tin trên trang web chính thức của Văn phòng An ninh Thông tin Đức, cái gọi là "cơ sở hạ tầng quan trọng" dùng để chỉ các cơ sở đặc biệt quan trọng đối với "xã hội đất nước", và nếu chúng hỏng hóc hoặc bị tổn hại, "sẽ xảy ra tình trạng tắc nghẽn nguồn cung kéo dài, gây xáo trộn lớn hoặc các hậu quả nghiêm trọng khác đối với an ninh công cộng".
Theo công ty HHLA, việc phân loại lại bến container Tollerort của Cảng Hamburg là do các quy định mới được đưa ra yêu cầu bất kỳ "nhà khai thác cảng biển và cảng nội địa nào có lưu lượng hàng hóa đạt 3,27 triệu tấn/năm" đều được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng; mà lưu lượng hàng hóa của bến container Tollerort ước tính sẽ vượt đáng kể con số này vào năm 2023.
Tờ Daily News (Trung Quốc) lưu ý rằng, việc bến container Tollerort được phân loại là "cơ sở hạ tầng quan trọng" không có nghĩa là thỏa thuận với COSCO Shipping Ports sẽ tự động bị cấm, nhưng vấn đề là liệu Chính phủ liên bang Đức có muốn phê duyệt một thỏa thuận nhạy cảm về mặt chính trị hay không.
Người phát ngôn của Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức cho biết tại Berlin vào ngày 12/4 rằng, vì các điều kiện tiên quyết đã thay đổi nên Bộ này đang đánh giá các tác động liên quan, và bà không muốn đưa ra dự đoán về kết quả đánh giá có thể xảy ra.
Bộ Nội vụ và Đất đai Đức - nơi đặt Văn phòng An ninh Thông tin Đức - từ chối bình luận về diễn biến mới nhất, với lý do "lo ngại về an ninh".
Theo trang tin "Người quan sát", Cảng Hamburg là cảng biển lớn nhất ở Đức và lớn thứ ba ở châu Âu, có tầm quan trọng nổi bật đối với nền kinh tế Đức; và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cảng.
Vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz - người từng giữ chức Thị trưởng Hamburg trong gần 8 năm - nói rằng việc chấp thuận cho các công ty Trung Quốc nắm giữ 24,9% cổ phần là một quyết định "đúng đắn". Vào thời điểm đó, ông nhấn mạnh rằng Cảng Hamburg là tài sản của nhà nước và sẽ không bao giờ được tư nhân hóa.