Đức Thịnh lên tiếng trước "vấn nạn" diễn hài lố bịch và quái đản

Cao Thanh Hương |

"Các bạn cứ nghĩ làm cái gì lố lố, quái đản là khán giả cười. Điều đó đẻ ra một xu hướng hài không có thẩm mỹ", NSƯT Đức Thịnh bày tỏ quan điểm về hài nhảm, hài thô tục hiện nay.

Chỉ có vài kiểu gây hài nhàm chán

Từng nhiều năm tung hoành tại các sân khấu, tụ điểm tấu hài miền Nam; từng ngồi ghế nóng game show, anh có thể lý giải vì sao hài bây giờ thô tục và dễ dãi thế không?

Nhu cầu của khán giả, xu thế của thời đại ở mỗi giai đoạn sẽ có những thay đổi nhất định. Thời vàng son của hài đi đâu cũng thấy các tụ điểm, sân khấu với trên dưới 40 nhóm hài hoạt động. Nhóm nào cũng mạnh và có nét riêng biệt để khán giả yêu thích.

Thế nhưng sự nghiệp của mỗi nhóm cao nhất cũng chỉ có vài ba tiểu phẩm để đời. Nói vậy để hiểu rằng làm hài rất khó.

Diễn hài mà khán giả không cười thì không phải hài. Hài không có thông điệp thì thành tào lao. Muốn được khen là hài đàng hoàng phải vừa cười được vừa có thông điệp.

Khoảng 3, 4 năm trở lại đây, game show bùng nổ với lượng tiểu phẩm hài quá nhiều. Bạn thử đếm xem trên sóng truyền hình hiện nay có bao nhiêu game show, 1 tuần có bao nhiêu tiểu phẩm hài được phát sóng. Tôi cược là không dưới 30 tiểu phẩm/ tuần.

Với số lượng tiểu phẩm như vậy, với thời gian như vậy và nhiêu đó con người... thì chuyện thiếu sót trong các nét diễn chắc chắn phải có. Nhất là về vấn đề thẩm mỹ, các bạn ấy chưa có cảm thụ về sân khấu, cứ nghĩ làm cái gì lố lố, quái đản là khán giả cười. Điều đó đẻ ra một xu hướng hài không có thẩm mỹ.

Đức Thịnh lên tiếng trước vấn nạn diễn hài lố bịch và quái đản - Ảnh 1.

NS ƯT Đức Thịnh làm giám khảo game show Đấu trường Tiếu lâm

Chẳng phải thí sinh đi thi còn có huấn luyện viên đó sao...

Quá nhiều game show, quá nhiều tiểu phẩm, quá nhiều thí sinh nên chính huấn luyện viên cũng không thể sát sao hết được. Họ có ba đầu sáu tay cũng không thể làm nổi.

Có dạo phim truyền hình làm quá trời, chạy theo số lượng để phát sóng. Gameshow cũng vậy, đa số chọn thí sinh đều qua loa. Huấn luyện viên không thể viết kịch bản rồi tập từng ly từng tí cho thí sinh. Họ chỉ là người hướng dẫn, quan trọng là thí sinh phải có năng khiếu sẵn.

Anh nghĩ gì về hài game show hiện nay?

Tôi là người cầu toàn còn Thái Hòa kỹ tính nên ngày xưa chúng tôi tập 1 tiểu phẩm mất 2 tháng mới xong. Tập tới tập lui, khi đi diễn đo từng đêm để sửa. Các nhóm hài khác cũng vậy. Trên dưới 40 nhóm hài nhưng mỗi nhóm đều có tinh túy riêng nên nét hài cũng rất khác biệt.

Còn bây giờ, đa số họ bắt chước nhau. Cứ ra sân khấu là giả gái. Các bạn nói rằng "giả gái khán giả mới cười" dù tiểu phẩm đó không cần phải vậy.

Thấy người này làm vui vui, người kia bắt chước. Họ nói câu trước, tôi đoán được câu sau. Chỉ có vài kiểu gây hài nhàm chán chứ không phải diễn hài.

Trước khi làm một tiểu phẩm, các bạn nên đặt ra cho mình câu hỏi: tại sao là tiểu phẩm này mà không phải tiểu phẩm khác? Tiểu phẩm không có thông điệp thì miếng hài chỉ là cách thức chọc cười khán giả. Những người biết xem hài, họ sẽ thấy rất lãng và tào lao.

Tất nhiên, cũng có vài khuôn mặt sáng giá về hài nhưng danh xưng của giải thưởng quá lớn giống như họ mặc một cái áo quá rộng khi thân hình quá nhỏ. Họ bị nhiều áp lực phải làm cái gì đùng đùng cho khán giả chú ý.

Điều đó dẫn tới một chuyện ai cũng thấy là sau một thời gian đạt ngôi vị, chẳng ai còn thấy họ đâu.

Đức Thịnh lên tiếng trước vấn nạn diễn hài lố bịch và quái đản - Ảnh 2.

Không chỉ các thí sinh game show mà nhiều nghệ sĩ hài chuyên nghiệp hiện nay cũng bị chê diễn hài thô tục... (ảnh minh họa)

Chưa có nước nào diễn viên hài nhiều như Việt Nam

Anh có nghĩ rằng chính những nghệ sĩ chuyên nghiệp, những người ngồi ghế nóng quá dễ dãi và bản thân họ cũng làm những thứ ... tào lao nên vô tình "mở đường" cho thế hệ đi sau theo học?

Làm hài rất khó nhưng chưa có nước nào nhiều diễn viên hài như Việt Nam. Rất ít người có thể diễn hài. Có người làm hài ở mức trung bình, có người duyên dáng, cũng có người vô duyên.

Ngay cả nghệ sĩ chuyên nghiệp, tài năng thực sự cũng có rất ít tiểu phẩm hài khiến khán giả cười mà phần lớn là tác phẩm cù lét. Đó là chuyện bình thường của nghệ thuật. Vấn đề là kịch bản như thế nào.

Ngay chính những người được gọi là danh hài, họ không muốn diễn tào lao nhưng vì kịch bản hay ít quá nên đành chịu.

Thực tế hiện nay, ít người xem trọng kịch bản, họ chỉ xem trọng diễn viên. Người ta nghĩ rằng danh hài diễn cái gì cũng gây cười mà không nghĩ phải đầu tư một kịch bản hay, chỉn chu.

Đúng là có những tiểu phẩm chỉ cần 2 danh hài lên tung tẩy với nhau là khán giả cười nhưng chất lượng và thông điệp đọng lại không có.

Thậm chí người viết kịch bản chỉ viết khoảng 10 trang rồi quăng cho diễn viên tự làm. Họ trút gánh nặng lên vai diễn viên khiến họ càng bị áp lực.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, mức cát sê cho 1 kịch bản hài hiện nay rất ít, thậm chí không đáng kể nên người viết không muốn đầu tư. Cá nhân tôi sẵn sàng trả 100 triệu cho 1 kịch bản hay vì 1 kịch bản hay đưa cho danh hài, họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền.

Điều đó cũng có nghĩa là vì không có kịch bản đàng hoàng nên nghệ sĩ mới diễn hài một cách cẩu thả, đem đời tư, giới tính ra cù lét khán giả, thậm chí là nói dung tục trên sân khấu... hiểu vậy đúng không anh?

Không có kịch bản, họ buộc phải tung tẩy với nhau nên cũng có khi thất bại, đó là điều bình thường. Nhưng phải hiểu rằng, người diễn hài bị áp lực là lúc nào cũng phải làm khán giả cười. Kịch bản lại không có nên họ phải vận động liên tục, moi móc cái này cái kia ra cốt để khán giả cười.

Đức Thịnh lên tiếng trước vấn nạn diễn hài lố bịch và quái đản - Ảnh 3.

NSƯT Đức Thịnh và NSƯT Hoài Linh ngoài phim trường. Dù đều là những người ngồi nhiều ghế nóng và diễn hài nhưng cả hai đều có tiếng làm nghề nghiêm túc.

Quan trọng nhất là mỗi người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu phải tự ý thức được mình có sứ mệnh mang tiếng cười cho khán giả. Và đó phải là tiếng cười thẩm mỹ.

Còn một vấn đề nữa, chúng ta mắc bệnh thấy có ăn là tất cả nhảy vào làm. Thấy nhiều raiting, kiếm nhiều tiền là người người làm game show. Quá nhiều người làm thì sẽ bị bí đường. Rồi tất cả lại kéo nhau chìm xuống hết.

Hài đang và sẽ bị như thế!

Hiểu ở một góc độ nào đó thì việc nghệ sĩ diễn hài dễ dãi và tào lao là tự hủy hoại danh tiếng của mình. Anh có nghĩ vậy không?

Cái gì cũng thế, có cung mới có cầu. Khán giả còn thích thì nó sẽ còn phát triển. Có những tiểu phẩm đứng về mặt thẩm mỹ và câu chuyện, thông điệp rất tốt nhưng lượng người xem lại không bằng những tiểu phẩm tào lao.

Tất nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng cung và cầu tác động qua lại với nhau. Khi người diễn viên cứ làm hài tào lao hoài thì đến một lúc nào đó nó sẽ thay đổi gu xem hài của cả một thế hệ.

Trong trường hợp này, vai trò của nhà sản xuất rất quan trọng. Nếu người làm chương trình có ý thức không làm hài dơ, thô thiển, bầy hầy thì việc đó trong tầm tay.

Có thể chúng ta không có tiểu phẩm xuất sắc, thậm chí không vui nhưng sẽ không có những tiểu phẩm ẩu tả, bầy hầy, mất thẩm mỹ nữa.

Cám ơn anh đã chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại