"Nhượng bộ đau đớn"
Sau bầu cử quốc hội đúng 135 ngày, thoả thuận về thành lập chính phủ liên hiệp mới đã được hai phe phái chính trị cùng nhau cầm quyền nhiệm kỳ quốc hội trước đàm phán xong.
Hai phe này là phe của thủ tướng Angela Merkel bao gồm Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) và Đảng Xã hội Dân chủ (SPD).
Tuy nhiên, chính phủ mới vẫn chưa được thành lập bởi đảng SPD để cho gần 464.000 đảng viên quyết định cuối cùng về thoả thuận trên.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Đức, đảng viên của một đảng quyết định số phận của chính phủ liên hiệp và cũng lần đầu tiên đảng viên của đảng SPD quyết định số phận chính trị của bà Merkel.
Đấy cũng là lý do khiến chủ tịch đảng SPD, ông Martin Schulz, sau khi kết thúc đàm phán với phe CDU/CSU đã phải từ chức chủ tịch đảng và mới rồi buộc phải tuyên bố không tham gia chính phủ liên hiệp mới, dự định với cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.
Ông Schulz không hành xử thế, chắc chắn thoả thuận với CDU/CSU kia không được đa số đảng viên đảng SPD chấp nhận.
Ông Martin Schulz, sau khi kết thúc đàm phán với phe CDU/CSU đã phải từ chức chủ tịch đảng và mới rồi buộc phải tuyên bố không tham gia chính phủ liên hiệp mới. Ảnh: DPA
Bi kịch của người này là đạt được kết quả gần như tối đa cho đảng SPD trong đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp nhưng rồi phải từ bỏ hết mọi cương vị quyền lực và tham vọng quyền lực để thoả thuận kia được đảng viên chấp nhận.
Đấy cũng là lý do khiến bà Merkel phải chấp nhận nhượng bộ đau đớn cho đảng SPD trong cả nội dung chính sách lẫn phân bổ quyền hạn trong chính phủ. Ba cơ quan được coi là quan trọng nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Lao động Xã hội đều thuộc về đảng SPD.
Đảng này sẽ nắm 6 bộ, đảng CDU của bà Merkel cũng nắm 6 bộ, còn 3 bộ, trong đó có Bộ Nội vụ thuộc về đảng CSU, cho dù đảng SPD có kết quả bầu cử tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Qua đó có thể thấy bà Merkel chủ trương thoả thuận thành lập chính phủ liên hiệp với đảng SPD bằng mọi giá và đảng CDU của bà Merkel cũng chủ định chấp nhận hy sinh tất cả để bà Merkel có thể tiếp tục cầm quyền.
Những mục tiêu chung và riêng
Và cả hai phía đều chạy trốn trước nguy cơ phải đối mặt với tổng tuyển cử mới. Họ chấp nhận lại liên minh với nhau để tránh tổng tuyển cử mới.
Họ đều biện luận cho động cơ và mục đích của chủ ý ấy là vì "trách nhiệm đối với đất nước và cử tri", nhưng trong thực chất họ sợ nếu tổng tuyển cử mới thì sẽ còn bị thất thế hơn nữa trong quyết định bầu của cử tri.
Điều này cũng thể hiện rất rõ trong nội dung của 177 trang của thoả thuận mà hai bên vừa đạt được. Nó không phải là những dự án chính sách chung mà đơn giản chỉ là tập hợp các yêu sách của 3 đảng.
Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa 2 ứng cử viên Thủ tướng Martin Schulz và Angela Merkel. Nguồn: Aljazeera
Bên nào cũng cát cứ và thu vén về mình những lĩnh vực chính sách riêng. Nó không bao hàm tầm nhìn về tương lai cho nước Đức mà chỉ nhào trộn những biện pháp chính sách riêng rẽ cho những vấn đề cụ thể.
Người dân và giới kinh tế chỉ được hưởng giảm thuế không đáng kể gì. Những chủ định cầm quyền cũ được thể hiện bằng ngôn từ mới. Và đặc biệt là không thấy có bóng dáng của quyết tâm cải cách chính sách và cải tổ thể chế.
Không thể coi đấy là định hướng giúp nước Đức có được sự khởi đầu chính trị xã hội mới. Nhiều bình luận ở nước Đức và châu Âu thậm chí còn nhìn nhận là với thoả thuận này, ba đảng kia không hướng tới tương lai mà quay lại với quá khứ.
Ở nước Đức, kết quả thăm dò dư luận cho thấy có đến 63% người Đức cho rằng bà Merkel yếu thế hơn trước và đến gần hơn nhiệm kỳ cầm quyền thứ 4 nhưng đồng thời cũng gần hơn thời điểm phải khăn gói giã biệt quyền lực.
Ông Schulz đã trắng tay sau khi rất nhanh chóng rớt từ đỉnh cao xuống vực sâu còn đảng SPD tiếp tục sa sút uy tín trong cử tri.
Trong đảng CDU cũng dậy lên tiếng nói ngày càng mạnh mẽ đòi bà Merkel phải ấn định thời điểm thoái vị.
Vì thế, cuộc hôn nhân lý trí lần này có thể giúp nước Đức có chính phủ mới, nhưng thật sự không tốt lành gì cho những đảng phái chính trị lớn kia.
Chính phủ ổn định trên danh nghĩa nhưng trì trệ trong thực chất thì về lâu dài không thể tốt cho nước Đức và cho cả EU.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại