Một dự án xây dựng trạm tiếp nhận khí hóa lỏng tại cảng Wilhelmshaven, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN cho biết, vào ngày 22/12 tới, lần đầu tiên khí đốt tự nhiên sẽ được nhập vào mạng lưới khí đốt của Đức từ một trạm LNG nổi ở Wilhelmshaven. Trạm tiếp nhận và vận hành nổi có tên "Hoegh Esperanza" này là một con tàu đặc biệt, vừa chuyển khí hoá lỏng thành khí đốt và bơm vào bờ, vừa có thể vận chuyển một lượng lớn LNG trên tàu. Do vậy, tàu có tên gọi “Phương tiện nổi Lưu trữ và Tái hoá lỏng khí” (FSRU).
Theo kế hoạch, vào giữa tháng 12 này, tàu "Hoegh Esperanza" sẽ cập cảng Wilhelmshaven với khoảng 170.000 m3 LNG trên tàu. Lượng LNG này tương đương với khoảng 1.040 GWh, gần bằng 41% mức tiêu thụ khí đốt mỗi ngày ở Đức trong tháng 11 vừa qua.
Một phát ngôn viên Chính phủ Đức cho biết tàu "Hoegh Esperanza" sẽ chở đủ lượng LNG từ Nigeria để cung cấp cho nhu cầu sử dụng của 50.000 hộ gia đình ở Đức trong vòng một năm.
Hiện tàu đang ở khu vực ngoài khơi vùng Brittany của Pháp. Trong giai đoạn khởi động, tàu sẽ bơm từ 15-155 GWh/ngày vào mạng lưới đường ống khí đốt quốc gia của Đức và từ giữa tháng 1/2023 sẽ đi vào vận hành thương mại với công suất tối đa khoảng 155 GWh/ngày, khi có thêm các tàu bồn chở LNG cập cảng.
Dự kiến, lễ khai trương trạm nổi tiếp nhận LNG "Hoegh Esperanza" sẽ diễn ra vào ngày 17/12, với sự tham dự của Thủ tưởng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck.
Trước đó, cảng Wilhelmshaven đã hoàn tất mạng lưới đường ống dẫn khí đốt vào hệ thống đường ống quốc gia trên đất liền sau 200 ngày thi công, bắt đầu từ tháng 5/2022. Cụm cảng tiếp nhận khí đốt ở Wilhelmshaven có công suất 10 tỷ m3/năm, đáp ứng 1/9 tổng mức tiêu thụ khí đốt của cả nước. Ngoài Wilhelmshaven, Chính phủ Đức cũng đang lập kế hoạch và xây dựng thêm 3 cảng tiếp nhận LNG nổi ở Stade, Brunsbüttel (bang Schleswig-Holstein) và Lubmin (bang Mecklenburg-Vorpommern).
Không giống nhiều nước châu Âu khác, Đức chưa có sẵn các cảng tiếp nhận LNG vì trước nay chủ yếu nhập khí đốt từ Nga qua các đường ống dưới biển hoặc trên đất liền. Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức đã bị giảm dần và cắt bỏ hoàn toàn kể từ tháng 9 vừa qua. Để đảm bảo nguồn cung năng lượng, Berlin đã rót hàng tỷ euro xây dựng các cảng nhập LNG. Tuy nhiên, do chưa thể có ngay các hợp đồng lớn nên Đức vẫn phải đối mặt với giá thị trường LNG không ổn định, làm ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.