Đức muốn EU đàm phán Hiệp định thương mại với Mỹ ngay sau bầu cử giữa kỳ tại Mỹ

Quang Dũng |

Chính phủ Đức ngày 7/11 cho biết ủng hộ và mong muốn Liên minh châu Âu thúc đẩy các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do mới với Mỹ ngay sau khi kết thúc cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại về việc Mỹ và châu Âu có thể rơi vào một cuộc chiến thương mại mới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: DW)

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: DW)

Thông tin được Phó phát ngôn viên của chính phủ Đức, bà Christiane Hoffmann đưa ra với báo giới chiều ngày 7/11 tại thủ đô Berlin, khi trả lời câu hỏi về việc liệu chính phủ Đức có xem xét việc đàm phán Hiệp định tự do thương mại với Mỹ sau khi kết thúc cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ trong ngày hôm nay, 8/11, hay không. Đại diện chính phủ Đức cho biết, phía Đức có mong muốn đối thoại và thúc đẩy nhanh chóng các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Cùng ngày 7/11, trả lời trên báo chí Đức, Bộ trưởng Tài chính Đức, Christian Lindner cũng cho biết chính phủ Đức từ nhiều tháng qua đã ủng hộ việc nối lại các đàm phán về Hiệp định tự do thương mại giữa EU và Mỹ. Tuy nhiên, ông Lindner nhấn mạnh, việc nối lại các đàm phán này cần phải xuất phát từ thực tế là tình hình thế giới đã thay đổi, EU và Mỹ cần một mối quan hệ đối tác mới dựa trên giá trị, đồng thời hai bên cũng cần phải tránh mắc phải các sai lầm trong thời gian đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư liên Đại Tây Dương – TTIP từ năm 2013 đến năm 2016.

Đây được xem là một thay đổi quan điểm lớn của chính phủ Đức đối với quan hệ thương mại EU-Mỹ bởi trong giai đoạn châu Âu đàm phán với Mỹ về TTIP, chính phủ Đức không thực sự ủng hộ trong khi dư luận Đức là nơi phản đối mạnh mẽ nhất hiệp định này. Các vòng đàm phán TTIP giữa EU và Mỹ cũng đã bị đóng băng từ năm 2016 sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Sau khi lên nắm quyền đầu năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không coi việc nối lại các vòng đàm phán thương mại tự do với châu Âu là ưu tiên lớn mà chủ yếu tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Việc Đức, cường quốc kinh tế số 1 châu Âu, đang mong muốn đẩy mạnh nỗ lực ký kết Hiệp định thương mại tự do mới với Mỹ cũng có thể xem là một động thái nhằm xoa dịu các căng thẳng thương mại hiện nay giữa Mỹ với các nước châu Âu xung quanh Đạo luật giảm lạm phát. Theo Đạo luật này, chính quyền Mỹ chi ra 430 tỷ USD trợ giúp cho các công ty Mỹ, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng Mỹ mua hàng Mỹ. Tuy nhiên, các nước châu Âu chỉ trích mạnh mẽ Đạo luật này vì cho rằng đạo luật này phân biệt đối xử với các công ty châu Âu.

Phát biểu khi tham dự cuộc họp của Nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu ngày 7/11, Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire tiếp tục yêu cầu Uỷ ban châu Âu phải đáp trả mạnh mẽ với Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ: “Chúng tôi muốn nhắc lại sự quan ngại rất lớn của chúng tôi về Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ. Các nguồn trợ cấp khổng lồ từ đạo luật này sẽ làm méo mó sự cạnh tranh và nước Pháp hết sức lo ngại vấn đề này. Chúng tôi chờ đợi Uỷ ban châu Âu sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả mạnh mẽ đối với chính sách này của Mỹ”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại