Một số ấn phẩm hàng đầu phương Tây từ The Wall Street Journal của Mỹ đến Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức đồng loạt đưa tin rằng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đích thân ngăn chặn việc chuyển tên lửa không đối đất tầm xa Taurus cho Ukraine.
Thoạt nghe, những tuyên truyền này giống như một chiến dịch thông tin nhằm đẩy nhanh việc chuyển giao tên lửa cho chính quyền Kiev, trong bối cảnh các thành viên khác trong liên minh cầm quyền của Đức đã chấp thuận gửi tên lửa Taurus tới Ukraine.
Đức không tin vào đảm bảo của Anh và Ukraine
Cuộc tranh luận xung quanh Taurus đã diễn ra trong một thời gian rất dài, trong đó phần lớn sự do dự ở Đức liên quan đến việc chính quyền Kiev có thể sử dụng tên lửa để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Chính quyền Kiev đã nhận được các tên lửa tầm xa khác từ các nước NATO, như tên lửa không đối đất Storm Shadow từ Anh và SCALP-AG do Pháp sản xuất, nhưng Taurus ở một "đẳng cấp" khác, bởi nó có tầm bắn xa hơn đáng kể và tính năng tiên tiến hơn.
The Wall Street Journal tiết lộ, Berlin đã tổ chức các cuộc đàm phán với London và nhận được sự đảm bảo rằng, tất cả các mục tiêu của Storm Shadow đã được Ukraine thống nhất trước đó với phía Anh.
Điều này có nghĩa là London chịu trách nhiệm trực tiếp về tất cả các cuộc tấn công bằng Storm Shadow của Ukraine, bao gồm các cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự ở Lugansk, Mariupol, Berdyansk và các khu vực đông dân cư ở Crimea.
Nhưng dường như "những lời thì thầm to nhỏ của Anh" là chưa đủ sự bảo đảm đối với giới lãnh đạo Đức.
Theo nguồn tin được The Wall Street Journal trích dẫn, ông Scholz cực kỳ lo ngại quân nhân Đức sẽ phải làm việc với tên lửa trên đất Ukraine và điều này sẽ cần một cuộc bỏ phiếu của quốc hội.
Hơn nữa, Scholz lo ngại sự hiện diện của lính Đức ở Ukraine có thể gây ra "đối đầu trực tiếp với Nga".
Nhà quan sát quân sự Max Biederbeck viết trong một bài báo cho Wirtschafts Woche rằng, Taurus là một loại vũ khí cực kỳ đắt tiền, mỗi tên lửa có giá khoảng 1 triệu euro.
Chi phí cao này được giải thích là do tên lửa được chế tạo bởi tập đoàn Taurus Systems GmbH, được tạo ra bởi công ty MBDA của Đức và Saab Dynamics của Thụy Điển.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào năm 1999. Sau đó, nhiều sửa đổi khác nhau của tên lửa đã được tạo ra, cuối cùng chúng được kết hợp lại. Và vào năm 2005, Bundeswehr đã đặt mua 600 tên lửa với tổng trị giá 570 triệu euro.
Không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu của Taurus KEPD-350. Tên lửa di chuyển với tốc độ 1.170 km/h, gần bằng tốc độ âm thanh và có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 500 km.
Tên lửa này được cho là không thể bị hệ thống radar phát hiện vì nó bay ở độ cao chỉ 35 mét. Nó sử dụng bốn hệ thống định vị độc lập để đi đúng hướng đến đích đã định.
Taurus có hệ thống liên lạc GPS được cho là giúp tên lửa có khả năng chống lại sự gây nhiễu của kẻ thù. Tên lửa quét khu vực để so sánh hình ảnh nhìn thấy được với dữ liệu đã tải xuống trước đó. Tên lửa còn được trang bị máy đo độ cao bằng laser và cảm biến hồng ngoại cho phép chúng uốn cong quanh địa hình.
Ba nguyên nhân khiến Đức chưa chuyển Taurus cho Ukraine
Nhà báo Johannes Leithäuser của chuyên mục Frankfurter Allgemeine Zeitung viết rằng, tên lửa Taurus cũng có thể di chuyển quãng đường dài mà không cần GPS. Nó được trang bị hệ thống lập kế hoạch bay tích hợp để chọn đường bay.
Để lập trình tên lửa, dữ liệu không gian địa lý sẽ phải được chuyển đến Ukraine, nhưng chúng là bí mật hàng đầu nên Đức chỉ có thể cung cấp quyền truy cập vào chúng cho quân nhân của mình.
Thủ tướng Scholz không thể gửi quân nhân Đức đến Ukraine là lí do đầu tiên khiến việc chuyển giao tên lửa vẫn chưa thể diễn ra.
Tên lửa đạn đạo ATACMS của Mỹ chủ yếu phù hợp để sử dụng chống lại các kho đạn dược, nhưng tên lửa này thiếu tầm bắn và khả năng xuyên phá qua các hệ thống phòng không của Taurus.
Wirtschafts Woche viết, đó chính là lý do Ukraine muốn sử dụng tên lửa Đức chủ yếu để tấn công các tuyến tiếp tế, cầu và hầm trú ẩn ở xa chiến tuyến. Việc tấn công có chủ đích vào bán đảo Crimea, nơi đặt trụ sở và quân cảng chính của Hạm đội Biển Đen - Nga là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Mong muốn công khai của Kiev muốn tấn công lãnh thổ Nga là nguyên nhân thứ hai buộc ông Olaf Scholz phải từ chối chuyển giao tên lửa vào lúc này. Thủ tướng Đức cần thời gian để thực hiện một số công việc mà ông cho là cần thiết.
Theo tin của Der Spiegel, chính phủ liên bang đang tổ chức các cuộc đàm phán bí mật với các nhà máy quốc phòng của Đức. Nguyên nhân là Thủ tướng Scholz muốn sửa đổi Taurus, giảm bớt tầm bắn của vũ khí và lược bỏ một số tính năng.
Theo Business Insider, Văn phòng Thủ tướng Liên bang không có niềm tin hoàn toàn vào chính quyền Kiev. Và ông Scholz chỉ sẵn sàng gửi tên lửa cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, sau khi tầm bắn bị giảm nghiêm trọng khiến nó không còn là một sát thủ khiến Nga lo ngại.
Điều này phải được thực hiện để đảm bảo Ukraine không đủ tầm xa để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, đồng thời không vi phạm "Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa" (MTCR), vốn quy định các quốc gia không được xuất khẩu các loại tên lửa có tầm phóng xa hơn 300km, nặng hơn 500kg.
Đây chính là nguyên nhân thứ 3 khiến Đức chưa chuyển loại tên lửa này cho Ukraine và có thể là khá lâu nữa mới có thể cung cấp nó cho Kiev.
Theo Eurasian Times, bản thân Taurus còn có những hạn chế lớn khác. Trong trường hợp của Ukraine, đây là số lượng máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 có thể mang được loại tên lửa này.
Theo ước tính lạc quan nhất, chính quyền Kiev hiện chỉ còn sở hữu khoảng 15 máy bay chiến đấu, con số này rõ ràng là không đủ để tạo ra một bước ngoặt cho cuộc chiến tranh.