Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: EPA/EFE
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang đứng trước sức ép phải tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine ở thời điểm được đánh giá là mấu chốt trong cuộc xung đột với Nga. Sức ép này không chỉ từ phe đối lập mà cả từ các thành viên trong liên minh cầm quyền của ông.
Trong phiên họp Quốc hội ngày 22/9, nhà lập pháp đối lập Florian Hahn, thuộc Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) trung hữu, cho rằng Đức chỉ đứng “thứ 18 trên thế giới” khi so sánh viện trợ quân sự cho Ukraine với sản lượng kinh tế. Ông nhấn mạnh, Estonia đã vượt xa Đức trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine thay vì giữ chúng cho quốc phòng, “mặc dù họ có biên giới trực tiếp với Liên bang Nga”.
Các đảng đối lập kêu gọi gửi xe tăng chiến đấu cho Ukraine
Khối đối lập Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo/Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) trung hữu đã yêu cầu bỏ phiếu về một đề nghị của Bundestag (Quốc hội) kêu gọi chính phủ “ngay lập tức” cho phép xuất khẩu xe tăng chiến đấu và xe chiến đấu bộ binh của Đức sang Ukraine.
Điều đó sẽ tương đương với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chiến lược Ukraine của ông Scholz, vì Thủ tướng Đức đã nhiều lần loại trừ việc chuyển các khí tài này cho Kiev chừng nào các đồng minh phương Tây khác vẫn chưa cung cấp thiết bị hạng nặng tương tự.
Đề nghị của phe đối lập được coi là động thái đặc biệt nguy hiểm đối với Thủ tướng Scholz và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông vì ngay cả các chính trị gia hàng đầu từ các đối tác liên minh như Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng đã thúc giục chuyển xe tăng chiến đấu Leopard của Đức và chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine.
Thời gian là yếu tố quan trọng trong vấn đề này. Ukraine đang kêu gọi thêm vũ khí khi thực hiện các cuộc phản công ở phía Đông và phía Nam, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ đưa thêm hàng trăm nghìn binh sĩ vào chiến dịch quân sự ở nước láng giếng. Các vùng lãnh thổ Ukraine gồm 2 nước cộng hòa tự xưng ở Donbass cùng khu vực Kherson và Zaporizhzhia hiện do Nga kiểm soát đang tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân sáp nhập vào lãnh thổ Nga.
Một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine có nguy cơ phơi bày những rạn nứt trong nội bộ chính phủ Đức, thậm chí có thể dẫn đến thất bại của Thủ tướng Scholz.
Tuy nhiên, sau cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài 50 phút, đa số các nhà lập pháp SPD, đảng Xanh và FDP (các đảng trong liên minh cầm quyền) đã bỏ phiếu để gửi kiến nghị của phe đối lập tới các Ủy ban Đối ngoại và Kinh tế để thảo luận thêm. Điều này giúp trì hoãn cuộc bỏ phiếu toàn thể tại Quốc hội thêm vài tuần.
Mặc dù vậy, chính phủ của Thủ tướng Scholz vẫn phải đối mặt với nguy cơ áp lực mới vào tuần tới khi phe đối lập có thể yêu cầu một cuộc bỏ phiếu toàn thể về việc chuyển xe tăng cho Ukraine mà CDU/CSU đề xuất vào tháng 6 nhưng đã bị trì hoãn bằng cách gửi đề xuất này cho các ủy ban quốc hội thảo luận thêm.
Ông Nils Schmid, Người phát ngôn về chính sách đối ngoại của SPD, lập luận rằng việc trì hoãn cuộc bỏ phiếu ngày 22/9 là chính đáng vì phe đối lập chỉ đang dàn dựng một cuộc tấn công chính trị, với hy vọng làm suy yếu sự thống nhất của chính phủ.
Trong khi đó, Thủ tướng Scholz, người không có mặt tại phiên họp của Bundestag, đã phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 20/9 rằng Đức sẽ hỗ trợ Ukraine “với tất cả khả năng của mình: về tài chính, kinh tế, viện trợ nhân đạo và cả vũ khí”.
Áp lực từ các đối tác liên minh
Điểm đáng chú ý nhất của cuộc tranh luận tại Quốc hội Đức ngày 22/9 là mức độ chỉ trích từ chính liên minh của Thủ tướng Scholz. Các nhà lập pháp cấp cao thuộc đảng Xanh và FDP bày tỏ không đồng tình với quan điểm của Thủ tướng và nhấn mạnh rằng họ muốn Đức gửi thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
“Với tư cách là thành viên Đảng Dân chủ Tự do (FDP), chúng tôi tin rằng trong tình hình xung đột hiện nay, trong đó Ukraine đang tìm cách giành lại lãnh thổ của họ, chúng ta phải cung cấp ít nhất xe vận tải bọc thép Fuchs và xe chiến đấu bộ binh Marder. Nếu cần thiết, có thể gửi thêm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard”, bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann thành viên của FDP, Chủ tịch Uyr ban Quốc phòng của Bundestag, nhấn mạnh.
Bà Strack-Zimmermann trích dẫn “Zeitenwende” để nói rằng ông Scholz không nên biện minh cho sự miễn cưỡng của mình trong việc gửi xe tăng bằng lập luận các đồng minh khác như Mỹ cũng không gửi xe tăng hiện đại đến Ukraine. “Zeitenwende” có nghĩa là “bước ngoặt”, được Thủ tướng Scholz công bố vào tháng 2 năm nay để nói về sự thay đổi lịch sử trong chính sách an ninh và đối ngoại của Đức sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“‘Zeitenwende’ không chỉ có nghĩa là làm nhiều việc hơn cho các lực lượng vũ trang Đức, mà còn có nghĩa là nắm vai trò dẫn dắt và không đợi các đối tác đưa ra quyết định trước”, bà Strack-Zimmermann nói.
Đồng lãnh đạo của đảng Xanh, Omid Nouripour, cũng bác bỏ lo ngại của Đảng Dân chủ Xã hội cho rằng việc giao xe tăng cho Ukraine có thể làm leo thang căng thẳng với Nga.
“Có những lập luận mà tôi không thể làm theo. Quan điểm cho rằng vũ khí của chúng ta có thể dẫn đến leo thang với Nga là điều kỳ cục”, ông Nouripour phát biểu tại Bundestag.
Cho đến nay, Đức đã gửi cho Ukraine 30 xe tăng phòng không Gepard, 10 pháo Panzerhaubitze 2000 và 3 bệ phóng tên lửa Mars, cũng như nhiều loại vũ khí hạng nhẹ khác.
Trước những áp lực ngày càng gia tăng cả trong nước và từ các đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht tuần trước thông báo, Berlin sẽ gửi 50 xe bọc thép “Dingo” và thêm 2 pháo phản lực MARS cho Ukraine. Trước đó, bà Lambrecht nói rằng Đức không thể gửi thêm vũ khí tới Ukraine nếu muốn duy trì năng lực bảo vệ quốc gia của mình./.