Đức đối phó như thế nào khi không có khí đốt của Nga

Hữu Hiển |

Bằng cách giới hạn giá khí đốt, dự phòng nhiên liệu hóa thạch và giảm nhiệt độ sưởi, Đức hy vọng có thể vượt qua mùa đông mà không cần khí đốt của Nga. Nhưng các nhà sản xuất công nghiệp Đức có lẽ cũng bắt đầu chú ý đến các địa điểm có giá năng lượng rẻ hơn ở nước ngoài.

"Chúng tôi sưởi ấm bằng khí đốt. Và tất nhiên đó là một mối quan tâm lớn đối với chúng tôi" , Sonja Bade - chủ một nhà nghỉ kèm bữa sáng ở thị trấn ven biển Lubmin, Đức – cho biết.

Với chồng và năm người con, bà Bade sinh sống và kinh doanh trong một nhà nghỉ xinh đẹp có tuổi đời 115 năm, chỉ cách bờ biển Baltic vài dãy nhà. Nhưng khi mùa đông bắt đầu đến, bà cảm thấy lo lắng.

"Dù có khách hay không, tôi cũng không đủ khả năng để giữ lại căn nhà này nếu giá khí đốt tăng gấp ba hoặc bốn lần. Tôi không thể" , bà Bade nói.

Bà Bade cũng sợ rằng, chi phí năng lượng tăng cao sẽ khiến khách du lịch tránh xa. Một khách đã hủy đặt phòng và nói rằng bản thân lo lắng về hóa đơn năng lượng.

Đức đối phó như thế nào khi không có khí đốt của Nga - Ảnh 1.

Sonja Bade nói rằng bà không đủ khả năng để giữ lại căn nhà của mình ở Lubmin (Đức) nếu giá xăng tăng gấp ba lần. Ảnh: DW

Chính sách năng lượng thay đổi 180 độ

Hãng tin DW nhận định, đó là một điềm xấu cho du lịch - một ngành công nghiệp chủ chốt ở Lubmin. Nhưng bãi biển nổi tiếng này cũng có những điều kiện thuận lợi giúp nó trở thành điểm cuối lý tưởng cho các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga.

Nord Stream 1 từng là một trong những tuyến đường ống cung cấp khí đốt chính của châu Âu, cung cấp khối lượng 55 tỷ mét khối khí đốt từ Nga thông qua Lubmin vào năm 2021, tương đương 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Ở Đức, hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên được tiêu thụ là của Nga.

Sau đó, vào tháng 8, tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga đã ngừng cấp khí đốt qua Nord Stream 1, trong bối cảnh căng thẳng với EU về cuộc xung đột ở Ukraine.

Nord Stream 2 - đường ống thứ hai chạy song song với Nord Stream 1 - được hoàn thành vào năm 2021, nhưng chưa bao giờ đi vào hoạt động do hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Falco Beitz - một thành viên Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tại nghị viện bang Mecklenburg-Western Pomerania, nơi mà Lubmin trực thuộc - giải thích với phóng viên DW rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã thay đổi quan điểm về chính sách năng lượng của chính phủ liên bang như thế nào.

"Kể từ ngày 24/2, tự nhiên có một cách nhìn khác" , ông Beitz nói về ngày Nga tấn công Ukraine: "Trước và sau ngày này có sự khác biệt. Theo quan điểm hiện tại, Nord Stream 2 không phải là chiến lược đúng đắn."

Đức đối phó như thế nào khi không có khí đốt của Nga - Ảnh 2.

Falco Beitz - thành viên Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tại nghị viện bang Mecklenburg-Western Pomerania (Đức). Ảnh: DW

Chi phí sưởi ấm tăng vọt

Để lấp đầy khoảng trống năng lượng mà Nga để lại, Đức đã phải mua khí đốt và các loại năng lượng thay thế khác trên thị trường giao ngay đắt đỏ. Điều này đã khiến cho người tiêu dùng phải trả mức giá cao hơn.

Theo cổng thông tin về giá năng lượng Check24, hiện tại, hợp đồng khí đốt hàng năm cho một hộ gia đình Đức có giá cao hơn 173% so với một năm trước đó. Họ phải trả 3.726 euro cho mức tiêu thụ trung bình hàng năm là 20.000 kilowatt giờ (kWh), so với chỉ 1.365 euro của năm 2021.

Ông Beitz nói: “Nga đang tiến hành cuộc chiến khí đốt chống lại châu Âu một cách hiệu quả. Và chúng ta cần tìm kiếm những cách khác để giải quyết vấn đề hiện tại."

Theo hãng tin DW, vào tháng 10, chính phủ liên bang Đức đã cắt giảm thuế đối với khí đốt và thông qua gói cứu trợ năng lượng trị giá 200 tỷ euro.

Tuần qua, một ủy ban gồm các chuyên gia kinh tế đã công bố một báo cáo xác nhận mức trần giá khí đốt cho người tiêu dùng. Biện pháp này có thể giúp mỗi hộ gia đình tại Đức tiết kiệm trung bình khoảng 1.056 euro/năm. Berlin dự kiến ​​sẽ thông qua nhiều đề xuất của ủy ban này.

Nỗi lo phi công nghiệp hóa

Ủy ban này cũng đề xuất mức trần giá cho các nhà sản xuất công nghiệp lớn, nhưng nói rằng nó nên được gắn với điều kiện hoạt động sản xuất vẫn được triển khai ở Đức.

Với việc khí đốt giá rẻ của Nga giờ đã trở thành dĩ vãng, có những lo ngại rằng các doanh nghiệp có thể chuyển hoạt động sản xuất sử dụng nhiều năng lượng sang các nước có chi phí thấp hơn.

Khoảng 44% năng lượng đầu cuối được tiêu thụ ở Đức là dành cho các mục đích phi sinh hoạt, bao gồm công nghiệp và thương mại. Theo Bộ Môi trường Đức, khoảng 2/3 năng lượng đầu cuối này được chuyển hóa sang dạng nhiệt. Khí đốt chiếm hơn 1/4 loại năng lượng này, còn năng lượng tái tạo chỉ chiếm 3%.

Đức đối phó như thế nào khi không có khí đốt của Nga - Ảnh 3.

Các nhà sản xuất công nghiệp Đức cũng bắt đầu chú ý đến các địa điểm có giá năng lượng rẻ hơn ở nước ngoài. Ảnh: DW

Nhiên liệu hóa thạch phục hưng?

Một báo cáo mới từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thay đổi quan điểm của thế giới đối với nhiên liệu hóa thạch, trong đó có khí đốt tự nhiên. Nhưng cách tiếp cận ngắn hạn của Đức lại là một phương pháp hỗn hợp.

Các nhà máy than cũ đã được đưa trở lại lưới điện vì cuộc khủng hoảng năng lượng và thời hạn đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân tại Đức dự kiến vào cuối năm nay cũng đã được kéo dài sang năm 2023.

Năng lượng hạt nhân được dán nhãn "xanh" theo phân loại năng lượng của EU, nhưng người Đức vốn nổi tiếng là không thích hạt nhân do lo sợ tai nạn cũng như vấn đề gây tranh cãi về nơi lưu trữ chất thải hạt nhân.

Trong khi đó, việc mất nguồn cung khí đốt từ Nga đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ít nhất 5 bến nhập khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Đức, bao gồm cả ở Lubmin. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng LNG là sai lầm khi Đức cần giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải carbon.

Giảm nhiệt độ sưởi ấm

Theo Cơ quan Mạng lưới Liên bang (BNA) - cơ quan quản lý mạng lưới năng lượng ở Đức, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức hiện đã đầy, có thể hoạt động trong vòng 2-3 tháng tới. Nhưng mùa đông tại Đức có thể kéo dài hơn thế nhiều.

Fiete Wullf - Người phát ngôn của BNA - nói với phóng viên DW rằng: “Trời vẫn có thể rất lạnh vào tháng 2 và tháng 3, thậm chí sang tháng 4. Và bạn phải biết rằng, Đức phụ thuộc vào khí đốt để sưởi ấm trong gia đình hơn nhiều các nước khác. Vì vậy, việc điều chỉnh nhiệt độ đóng một vai trò rất quan trọng."

Bởi vậy, ngay cả khi nỗ lực tìm nguồn cung cấp thay thế, để tránh việc phải phân bổ năng lượng theo quy định bắt buộc của liên bang, người Đức sẽ phải chủ động giảm nhiệt độ sưởi.

Ông Wulff nói: “Nếu chúng ta có thể giảm mức tiêu thụ khí đốt trung bình ở Đức trong mùa đông này, ít nhất là 20%, thì rất có khả năng chúng ta sẽ vượt qua mùa đông.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại