Đứa trẻ 11 tuổi bị cha đem cho người bán cá, 60 năm nhìn trăng, ăn cốm nhớ nhà mới được đoàn viên

Thiên Yết |

Trong 60 năm lưu lạc, có đến 20 năm ông Danh Thon sống tại Long Xuyên (An Giang), chỉ cách nơi cha và hai chị em gái sống 2km, nhưng lại lỡ chuyến xe cuộc đời để gặp lại.

Chuyến chia ly bắt đầu những mùa trăng thương nhớ

Người đàn ông đã hơn 70 tuổi mà không biết quê hương mình ở đâu. Ông chỉ nhớ cha đi lính, đưa vợ con đi hết trại lính này đến đồn trú khác. Ông chỉ nhớ mình là người gốc Khmer, mang họ Danh.

Năm 1963, vì không nuôi nổi 4 đứa con, cha ông đã cho hai con trai Danh Thon (11 tuổi) và Danh Bon (13 tuổi) lên xe vào thành phố, cho người khác nuôi. Cha thả ở Quy Nhơn - Bình Định, ông Danh Thon từ bấy trở thành đứa trẻ bị cắt đứt với gia đình ruột thịt.

Từ độ ấy, vùng Bắc Cái Sắn (Cần Thơ) này là quê hương mới của cậu bé Danh Thon. Đây là nơi người mẹ nuôi đầu tiên của ông đành gửi ông xuống ở, vì con trai ruột hục hặc với con nuôi. Lúc đó, bà có người học hàng gốc Bắc dưới này. Rồi cậu bé hơn chục tuổi được đặt tên là Nguyễn Văn Son và có cha đỡ đầu họ Đạo.

Đứa trẻ 11 tuổi bị cha đem cho người bán cá, 60 năm nhìn trăng, ăn cốm nhớ nhà mới được đoàn viên - Ảnh 1.

Ông Danh Thon (tên sau này là Nguyễn Văn Son) bị cha cho đi năm 11 tuổi tại Quy Nhơn.

Vốn quen ở những vùng cao, ở đây ông không quen. Mẹ nuôi cho đi học, ông cũng bỏ. Rồi chưa trưởng thành, ông đã trốn xuống Long Xuyên (An Giang) đi làm thuê. Địa danh này đã trở nên thân thiết với ông suốt 18 năm sau đó. Hóa ra, cả ông và gia đình đã chụm về mảnh đất Long Xuyên từ những năm 1980 để mưu sinh, nhưng lại sượt qua nhau.

Sau một thời gian vật lộn với cuộc đời, ông Thon dạt về Cà Mau, quay lại với nghề làm lò bánh mì. Có người quen ở Cần Thơ gọi ông về, mai mối cho bà Nguyễn Thị Nữ. Hai người quen nhau từ nhỏ, vốn chẳng thích gì nhau. Nhưng như bà Nguyễn Thị Nữ bảo, tình yêu đến sau hôn nhân. Vợ ông Thon thương ông nhiều hơn là yêu, “thương cái siêng làm ăn, ông làm dữ lắm, lo lắng cho gia đình, thương vợ thương con, mỗi cái hơi nóng tánh”. Bà thương cả cái sự bơ vơ, thương đứa trẻ trong ông lúc nào cũng tủi phận mình đứt đoạn với gia đình, không cội không rễ.

Ông Thon bùi ngùi: “Tôi không biết mình sinh ra từ đâu, nguồn cội ở đâu, chỉ biết cha đi lính, một năm một tháng lại thay đổi chỗ, tới Quy Nhơn là dừng luôn không đi nữa”.

Đứa trẻ 11 tuổi bị cha đem cho người bán cá, 60 năm nhìn trăng, ăn cốm nhớ nhà mới được đoàn viên - Ảnh 2.

Dù sau này đã có gia đình, ông vẫn trăn trở về việc mình "không rễ không gốc".

Chỉ có mấy địa điểm còn lưu lại trong trí nhớ ông Thon. Đó là trại Gia Đinh (Buôn Mê Thuột) nơi mẹ mang thai đứa con thứ năm thì mất. Cha dẫn 4 đứa con ôm mẹ mang đi thiêu trong rừng. Đó là Quy Nhơn, nơi cha dẫn 4 đứa con 2 nữ 2 nam đến tá túc, không biết sống bằng gì. Quy Nhơn cũng là nơi ông Thon được cha cho đi bà Sài buôn cá trên Lạc Lâm, Đơn Dương, rồi từ đó là xa nhau luôn.

Đứa trẻ 11 tuổi bị cha đem cho người bán cá, 60 năm nhìn trăng, ăn cốm nhớ nhà mới được đoàn viên - Ảnh 3.

Ký ức duy nhất khiến ông mỉm cười là lễ hội Ok om bok - lễ hội đút cốm dẹp khi còn ở bên cha.

Nghĩ lại chuyện 60 năm về trước, ông Thon vẫn khóc, tiếng khóc bật ra khỏi môi, nức nở hệt như đứa trẻ 11 tuổi năm nào: “Tôi cứ tự hỏi suốt mấy chục năm, tại sao ông già lại cho mình đi? Rồi tôi nghĩ lại, chắc tại ông già thương mình quá nên mới thế. Ông già tôi nói, giờ hoàn cảnh vậy thì ba cho con đi cho con được sung sướng, chứ con đi theo ba thì vất vả lắm, sợ không sống được. Nhiều đêm nằm nghĩ mà tôi khóc, mấy chục năm rồi đâu có gặp anh em. Anh em tôi thương nhau lắm. Có bà chị lớn tuổi rồi không nói gì, còn anh ba với nhỏ út ôm tôi khóc."

Kỷ niệm đẹp nhất của ông Thon là hồi ở cùng ba mẹ, mỗi lần tới tháng lễ hội cốm dẹp, tất cả cứ ngửa đầu nhìn lên trăng, ba đút cốm dẹp cho bầy con ăn, cầu ước cho điều tốt lành, mạnh khỏe, bình an. Từ độ bị ba cho đi, mỗi tháng nhìn thấy trăng lên, ông lại da diết nhớ gia đình, nhớ chị nhớ em, lại nguyện cầu cho mình được đoàn tụ.

Cuộc đoàn tụ muộn mằn

Người Khmer tin rằng, miễn tro cốt của mẹ, của cha được hòa vào nước thì linh hồn của họ sẽ luôn tìm về những người con, dù các con đang ở nơi đâu. Khi cha ông Danh Thon mất, hai người con gái cũng làm nghi lễ ấy, cũng mong rằng ở thế giới bên kia, cha mẹ họ sẽ tìm cách gắn kết các con lại với nhau.

Niềm tin ấy của họ, không biết có linh ứng không, chỉ biết rằng, ông Danh Thon, khi ngoài 60, đã viết thư cho chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, đăng ký tìm anh chị em, tìm quê hương và họ hàng với thông tin ít ỏi còn nhớ được.

Đứa trẻ 11 tuổi bị cha đem cho người bán cá, 60 năm nhìn trăng, ăn cốm nhớ nhà mới được đoàn viên - Ảnh 4.

Bà Danh Thị Phon, chị gái ông Thon.

Bà Nữ, từ khi biết ông Thon cho đến lúc nên duyên, cùng ông tạo lập gia đình vẫn thấy chồng mình ngơ ngẩn buồn. “Lâu lâu, nhất là mấy ngày Tết, lễ hội ông ấy lại tủi thân, nghĩ đến gia đình thất lạc.

Tôi cũng an ủi: Thôi giờ tuy mình không còn bố còn mẹ nhưng được 5 đứa con, thì đó là gia đình của mình vậy. Ông ấy vậy chứ mềm yếu lắm. Nói chứ mình sống phải có cội có nguồn, thấy ông ấy như vậy tội nghiệp lắm!”.

Nhóm Như chưa hề có cuộc chia ly đã tìm kiếm trong 5 năm, chia 3 đội đến 3 tỉnh khác nhau để đi thực địa. Dù thông tin ít ỏi nhưng đội tìm kiếm dùng phương pháp loại suy dựa trên họ Danh và người Khmer đã tìm đến Trà Vinh. Họ tìm đến xã Song Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh tìm được bà Danh Thị Phon, là chị gái của ông Thon.

Bà Danh Thị Phon lấy chồng về ở theo chồng. Người cha Danh Nghĩa, khi cảm thấy sức mình đã cạn, tìm người chồng Khmer cho con gái đầu lòng rồi mới an tâm.

Còn bà Chừ, em gái út sống ở Sóc Trăng, cách nhà chị 90km. Bà Chừ ở với cha Danh Nghĩa cho đến khi ông qua đời rồi mới lo cho hạnh phúc riêng. Bà không giận, không trách cha, chỉ thương hai anh, thương mình vì “có hai anh mà không gặp anh nào hết, không ai che chở cho mình hồi còn thơ”..

Đứa trẻ 11 tuổi bị cha đem cho người bán cá, 60 năm nhìn trăng, ăn cốm nhớ nhà mới được đoàn viên - Ảnh 5.

Bà Danh Thị Chừ, em gái ông Thon.

Bà Phon kể lại, hai em mình là Danh Thon và Danh Lọn năm đó 11 và 13 tuổi. Hai anh em trai rất thân với nhau, bà Phon vẫn mong hai anh em được cho đi cùng một chỗ. Bà Phon vẫn nhớ: "Hồi đó tôi đi ở nên ít khi ở nhà, tới tháng lại gửi tiền về, rồi mua khoai, mua gạo nấu cơm độn cho mấy đứa em nó ăn.

Chừng có bữa kia về, nhỏ em nó nói ba cho hai anh của em đi rồi chị ơi. Mẹ mất sớm quá, ông cha sợ nuôi không được đem cho mất hai thằng con trai, nghĩ tội chúng nó.”.

Sau 1 - 2 năm ở Quy Nhơn không có nơi nương tựa, người cha dắt hai con gái đi nhiều nơi, dừng chân ở Long Xuyên vì nghe rằng ở đây trù phú. Tại Long Xuyên, người cha đi vác gạo thuê, hai chị em đi làm mướn, ba cha con nương dựa vào nhau. Rồi ông bị tai nạn, phải về Cà Mau tá túc nhà cháu, con gái út đi theo chăm nom cho đến những ngày cuối đời.

Cuộc đoàn tụ đầy nước mắt của ba chị em đã ngoài 70.

Cả gia đình tụ về Long Xuyên, cách nhau khoảng 2km, nhưng lạc nhau vài chục năm mới được đoàn tụ, khi tuổi đã gần cạn. Gặp nhau tại sân khấu Như chưa hề có cuộc chia ly, vừa chạm mặt ông Thon đã ôm chầm lấy chị, nước mắt chứa chan. Ông hỏi dồn dập: “Anh đâu? Còn anh kia đi đâu rồi chị ơi? Sao chị không kiếm em? Sao chỉ có mình em à, còn anh đâu rồi?”. Ông khóc òa như đứa trẻ, bao ấm ức, hờn tủi tuôn ra.

Trong vòng tay chị và em gái, ông Thon vẫn khóc mãi vì nhớ anh trai Danh Lọn thất lạc.

Bà Chừ thông tin, năm 1972, ông Danh Nghĩa tình cờ đã gặp con trai Danh Lọn đang trên đường hành quân. Ông Lọn khi đó đang đi lính. Người cha đã nài nỉ con trai bỏ lính về đoàn tụ, về ở với mình, nhưng con từ chối. “Bữa đó về, ông ba khóc quá trời, vì chục năm mới gặp được con mà con không chịu về ở. Từ đó, không còn nghe tin gì về anh Lọn tôi nữa”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại