Bị dồn vào chân tường, Iran cạn kiên nhẫn, "giận cá chém thớt", đưa tối hậu thư cho châu Âu

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rohani tuyên bố Iran sẽ ngừng thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ Thoả thuận hạt nhân (JCPOA) ký với các nước P5+1 năm 2015.

Tối hậu thư của Iran

Iran cho biết sẽ thương lượng với 5 nước tham gia ký kết còn lại gồm Nga, Pháp, Trung Quốc và Anh sau khi Mỹ rút khỏi Thoả thuận năm 2018 để tìm ra một giải pháp bảo đảm các lợi ích của Iran, trong đó có việc xuất khẩu dầu mỏ và thanh toán ngân hàng nhằm bù đắp lại những tổn thất do các biện pháp trừng phạt của Mỹ về dầu mỏ và thanh toán ngân hàng gây ra.

Phía Iran cũng đặt ra điều kiện được gọi là "tối hậu thư" trong vòng 60 ngày nếu không đạt được giải pháp nào thì Tehran sẽ ngừng thực hiện một số cam kết được ghi trong thoả thuận JCPOA, cụ thể sẽ ngừng việc bán số Uranium đã được làm giàu và nước nặng dư thừa ra nước ngoài. Ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) còn tuyên bố, Iran "sẵn sàng trở lại làm giàu Uranium với cấp độ cao hơn 3,67% và sản xuất nước nặng" và sẽ khởi động trở lại công trình xây dựng lò phản ứng hạt nhân Arak ở ngoại ô Tehran.

Cuối cùng, Tổng thống H. Rohani cảnh báo, nếu vấn đề hạt nhân của Iran lại được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thì Iran sẽ phản ứng mạnh mẽ và đưa ra các quyết định cứng rắn hơn.

Iran tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết trong thoả thuận JCPOA trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tehran và Washington.

Sau khi rút khỏi Thoả thuận hạt nhân JCPOA tháng 5/2018, tháng 11 cùng năm ấy Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Iran, nhưng cho phép tám nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Nhật Bản, Hy Lạp và Đài Loan mua dầu của Iran với số lượng hạn chế. Ngày 2/5/2019, Tổng thống D. Trump đã tuyên bố chấm dứt quy chế miễn trừ này đối với các nước trên để đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0.

Đối mặt khó khăn chưa từng có, Iran cạn kiên nhẫn

Nền kinh tế Iran bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Một năm sau khi ký và thực hiện Thoả thuận hạt nhân, nền kinh tế Iran đã phục hồi tăng trưởng nhanh chóng lên 12,3%. Phần lớn sự tăng trưởng này là do ngành dầu khí đem lại.

Tuy nhiên, việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ năm ngoái, đặc biệt nhằm vào các lĩnh vực năng lượng, vận tải và tài chính đã dẫn đến việc đầu tư nước ngoài bị ngừng trệ và xuất khẩu dầu bị thiệt hại lớn.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF),thu nhập quốc nội (GDP) của Iran đã giảm 3,9% năm 2018. Năm ngoái, IMF dự báo kinh tế Iran năm 2019 sẽ -6%, nhưng những ước tính này được đưa ra trước quyết định mới đây của Mỹ chấm dứt toàn bộ xuất khẩu dầu của Iran, nay con số này chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều.

Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đầu năm 2018 sản lượng dầu của Iran đạt 3,8 triệu thùng/ngày, trong đó xuất khẩu khoảng 2,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, xuất khẩu dầu của Iran đã giảm xuống chỉ còn 1,1 triệu thùng/ngày và sẽ còn giảm nữa sau khi Tổng thống D. Trump quyết định đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0.

Kể từ khi Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran tháng 11/2018, đổng nội tệ Rial đã mất giá khoảng 60% so với đồng USD. Sự mất giá của đồng Rial đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống của người dân Iran. Sự suy giảm tỷ giá hối đoái của đồng Rial đã dẫn đến khan hiếm hàng hóa và sản phẩm cho các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài.

Bị dồn vào chân tường, Iran cạn kiên nhẫn, giận cá chém thớt, đưa tối hậu thư cho châu Âu - Ảnh 2.

Washington đang ráo riết đưa các phương tiện chiến tranh đến vùng Vịnh, trong đó có tàu sân bay USS Abraham Lincoln, các tàu chiến hộ tống và máy bay ném bom chiến lược B-52. Ảnh: Reuters.

Chính phủ của Tổng thống H. Rohani đã cố gắng giảm lạm phát xuống 9% trong năm 2017, nhưng tỷ lệ này đã tăng lên 31% năm 2018, và dự kiến ​​sẽ tăng lên 37% hoặc hơn nữa trong năm nay nếu không xuất khẩu được dầu.

Cùng với các biện pháp cấm vận bóp nghẹt Iran, Washington đang ráo riết đưa các phương tiện chiến tranh đến vùng Vịnh, trong đó có tàu sân bay USS Abraham Lincoln, các tàu chiến hộ tống và máy bay ném bom chiến lược B-52. Những hoạt động này là nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công Iran.

Các nước châu Âu mặc dù tuyên bố quyết tâm duy trì Thoả thuận JCPOA, nhưng trên thực tế cũng chưa làm được gì nhiều trong quan hệ buôn bán với Iran, giúp Iran phá vòng vây cấm vận của Mỹ.

Có thể nói Iran chưa bao giờ phải đối mặt với những khó khăn như hiện nay. Trong tình hình như vậy, sự kiên nhẫn đã cạn, Iran buộc phải có các biện pháp đáp trả. Đây là một quyết định không nên có, nhưng có thể hiểu được khi Iran bị dồn vào chân tường. Tổng thống Nga V. Putin nói, chính những biện pháp trừng phạt phi lý của Mỹ đã buộc Iran phải tuyen bố ngừng thực hiện một số cam kết trong Thoả thuận hạt nhân năm 2015.

Các nước châu Âu bác bỏ "tối hậu thư" của Iran

Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc tuyên bố quyết tâm duy trì Thoả thuận hạt nhân JCPOA, phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran và đã có nhiều cố gắng tìm cách thực hiện nghĩa vụ của mình để tiếp tục quan hệ buôn bán với Iran, nhưng đều tỏ ra làm tiếc về quyết định của Tehran ngừng thực hiện một số cam kết trong JCPOA.

Các nước này đã đưa ra sáng kiến dùng đồng tiền địa phương và phương thức hàng đổi hàng để tránh dùng đồng đô la Mỹ trong thanh toán các hợp đồng thương mại với Iran. Anh, Pháp và Đức đã chủ động lập ra một phương pháp mới họi là INSTEX (Instrument for Supporting Trade Exchanges - Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại), theo đó số tiền nhập khầu hàng từ Iran sẽ được chuyển vào một tài khoản của châu Âu và sau đó dùng số tiền này để mua hàng lương thực, thực phẩm, thuốc men....cho Iran mà không cần qua các ngân hàng của Mỹ.

Các nước châu Âu có rất nhiều cố gắng, tìm mọi cách để lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, do các biện pháp cấm vận của Mỹ hết sức chặt chẽ và nghiêm ngặt, không dễ vượt qua nên việc buôn bán với Iran bị hạn chế, kết quả không được bao nhiêu. Hơn nữa, chính phủ các nước này rất muốn phát triển quan hệ thương mại với Iran, nhưng các công ty tư nhân rất ngần ngại quan hệ với Iran vì có nhiều rủi ro. Chính phủ không thể ép được họ.

Bị dồn vào chân tường, Iran cạn kiên nhẫn, giận cá chém thớt, đưa tối hậu thư cho châu Âu - Ảnh 3.

Các nước châu Âu ký Thoả thuận hạt nhân JCPOA với Iran gồm Đức, Pháp và Anh, cũng như Liên minh châu Âu đã bác bỏ thời hạn 60 ngày của Iran đưa ra để các nước này thực hiện trách nhiệm của mình. Ngoại trưởng Đức, Pháp, Anh và Cao uỷ Liên minh châu Âu (EU) về đối ngoại Federica Mugherini đã ra tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi bác bỏ mọi mọi tối hậu thư và sẽ đánh giá lại việc Iran tôn trọng các cam kết của mình trong lĩnh vực hạt nhân".

Phủ Tổng thống Pháp cảnh báo rằng, châu Âu sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt nếu Iran ngừng thực hiện một số điều khoản trong Thoả thuận JCPOA.

Khả năng đổ vỡ Thoả thuận hạt nhân JCPOA

Cho đến giờ phút này tất cả các nước ký JCPOA còn lại sau khi Mỹ rút gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga đều mong muốn duy trì Thoả thuận. Tuy nhiên, nếu Iran ngừng thực hiện một số cam kết như đã tuyên bố thì sẽ dẫn đến hậu quả không thể lường trước được.

Tổng thống H. Rohani đe dọa nếu Anh, Pháp và Đức không đáp ứng thời hạn 60 ngày để thực hiện trách nhiệm của mình trong JCPOA, Iran sẽ quay lại làm giàu uranium ở cấp độ cao. Việc Iran tuyên bố sẽ quay trở lại làm giàu Uranium ở cấp độ cao và sản xuất nước nặng là hai nguyên tố được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến đổ vỡ của JCPOA.

Moskva và Bắc Kinh đã kêu gọi các bên bằng mọi cách cứu vãn Thoả thuận JCPOA và khuyên Iran không nên manh động, ngừng thực hiện các cam kết của mình ghi trong thoả thuận này.

Ông Naji, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al-Ahram (ACPSS) của Ai Cập nhận định "các nước châu Âu sẽ không chấp nhận tối hậu thư của Tehran và việc Iran doạ tăng tỷ lệ làm giàu uranium lên hơn 20%, ngừng bán uranium làm giàu và nước nặng dư thừa sẽ là một đòn giáng mạnh vào thỏa thuận hạt nhân JCPOA".

Chỉ riêng việc các nước châu Âu tuyên bố quyết giữ Thoả thuận JCPOA và không tham gia cùng với Mỹ trừng phạt Iran đã là một thành công về ngoại giao của Iran. Trong tình hình hiện nay, khi Mỹ tăng cường tập trung các phương tiện chiến tranh đến vùng Vịnh, gây sức ép và đe doạ tấn công Iran, bất cứ một động thái nào gây căng thẳng với châu Âu sẽ không có lợi cho Iran, chưa nói đến khả năng đẩy châu Âu đứng về phía Mỹ.

Thoả thuận JCPOA đổ vỡ, Iran sẽ là người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả. Các nhà quan sát chính trị cho đây có thể là hành động "giận cá chém thớt" của Tehran và hy vọng Iran sẽ không thực hiện tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết của mình để cùng với châu Âu, Nga và Trung Quốc cứu vãn thoả thuận này.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại