Trung Quốc tung tàu ngầm hạt nhân tuần tiễu Biển Đông
Trong “Báo cáo về lực lượng quân sự Trung Quốc năm 2016” đưa ra hồi cuối tháng 5, Lầu Năm góc cũng đã dự báo rằng, Bắc Kinh có thể sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tuần tra dài ngày trên Thái Bình Dương vào “một thời điểm nào đó” trong năm 2016.
Lầu Năm Góc từ chối đưa ra phản ứng về những thông tin trên. Bắc Kinh cũng chưa có tuyên bố chính thức nào liên quan liên quan đến điều đó. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự và học giả phương Tây cho rằng, hành đông của Trung Quốc sẽ là một thách thức lớn đối với Mỹ.
Thời gian qua, Washington đã cảnh báo Bắc Kinh không được quân sự hóa Biển Đông, đe dọa đến tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này và thường xuyên điều tàu chiến, máy bay tuần tiễu trong khu vực 12 hải lý ở các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Việc Trung Quốc điều động tàu ngầm hạt nhân chiến lược tuần tra Biển Đông là nhằm vào tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay, máy bay chống ngầm… được Mỹ điều đến hoạt động. Động thái này chắc chắn sẽ làm cho tình hình đối đầu Trung - Mỹ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gia tăng căng thẳng.
Chuyên gia Malcolm Cook, thuộc viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định, nếu Trung Quốc điều đội tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân tuần tra ở Biển Đông sẽ mang lại sự nguy hiểm cho các nước Đông Nam Á quanh vùng biển này.
Với thực lực săn ngầm khá yếu ớt, các quốc gia ASEAN sẽ phải dựa vào lực lượng máy bay tác chiến chống ngầm của Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc để “bắt chết” các tàu ngầm hạt nhân đó, Biển Đông sẽ nhanh chóng trở thành đấu trường lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Do đó, việc Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân tuần tiễu trên Biển Đông là hành động vô cùng nguy hiểm cho hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực, biến vùng biển quan trọng này trở thành một “thùng thuốc súng”, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Trung Quốc đưa UAV trinh sát ra Hoàng Sa
Hồi cuối tháng 5, kênh truyền hình Mỹ Fox News vừa cho biết, Trung Quốc đã bí mật triển khai trái phép loại máy bay trinh sát không người lái thế hệ mới nhất của nước này là BKZ-005 ra đảo Phú Lâm mà nước này gọi là Vĩnh Hưng, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Máy bay trinh sát tầm xa, độ cao trung bình BKZ-005 có trọng lượng khoảng 1,2 tấn, khả năng mang tải hữu ích lớn nhất là 150 kg, tốc độ hành trình 170 - 180 km/h, trần bay cao tối đa 8.000 m, độ cao làm việc hiệu quả 5 - 7.000 m, thời gian hành trình liên tục 20 giờ.
Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh triển khai máy bay không người lái ra một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từng điều loại UAV này hoạt động trên “Vùng nhận dạng phòng không” mà nước này đã đơn phương lập trên vùng biển Hoa Đông.
Việc Trung Quốc đưa máy bay không người lái ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa được coi là hành động “dằn mặt” Mỹ và cá nhân Tổng thống Mỹ Obama trong bối cảnh ông vừa có chuyến thăm Hà Nội và tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Sau đó, Tổng thống Mỹ Obama sang Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G7. Tại dây các nguyên thủ 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới đã phản đối các hành động đào đắp đảo nhân tạo, để thay đổi hiện trạng và điều chuyển vũ khí ra đảo, nhằm quân sự hóa biển Đông của Bắc Kinh.
Đây hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên bởi hồi tháng 2 vừa qua, Trung Quốc cũng đã triển khai tên lửa phòng không HQ-9 ra đảo Phú Lâm đúng vào thời điểm Tổng thống Obama chủ trì hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á ở Palm Springs, bang California.
Sau khi triển khai các loại vũ khí ra đảo Phú Lâm-Hoàng Sa, việc Bắc Kinh tiếp tục đưa máy bay trinh sát không người lái ra hòn đảo này là động thái hết sức ngang ngược của Trung Quốc, trong chuỗi các hành động đòi hỏi chủ quyền phi lý, làm gia tăng thêm căng thẳng trên Biển Đông.
Trung Quốc có khả năng sắp lập ADIZ trên Biển Đông
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết ngay tại Nhà Trắng là sẽ "không quân sự hóa Biển Đông". Sau đó, Ngoại trưởng nước này là ông Vương Nghị đã nhắc lại cam kết, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết của một số "vũ khí phòng thủ".
Tuy nhiên từ đó đến nay, giới truyền thông và các chuyên gia quân sự phương Tây đã phát hiện Bắc Kinh đã lần lượt điều chuyển các loại vũ khí cả phòng thủ lẫn tấn công như hệ thống phòng không HQ-9, máy bay tiêm kích J-11 và JH-7, tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 ra Hoàng Sa.
Đồng thời, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ đào hút cát, bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng hạ tầng (bất hợp pháp) trên các bãi đá và đảo chìm chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Sau khi các căn cứ quân sự ở đây hoàn thành, Trung Quốc sẽ có 3 sân bay đường băng dài, cầu cảng quân sự, các hệ thống thông tin vệ tinh, các hệ thống thiết bị trinh sát-giám sát, các trạm cung cấp hậu cần - kỹ thuật, hình thành nên cơ sở hạ tầng giám sát và kiểm soát Biển Đông.
Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nói về âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông
Điều này thể hiện rõ ràng là bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thượng trực của Liên Hiệp Quốc (PCA) như thế nào, nhà cầm quyền Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ âm mưu biến Biển Đông thành "ao nhà" của mình và nỗ lực quân sự hóa vùng biển này, đặt các quốc gia Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế vào tình trạng "sự đã rồi".
Các chuyên gia bình luận rằng, những trang bị, vũ khí đã đưa ra các đảo ở Hoàng Sa và các căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa được triển khai để đối phó với hành động của Mỹ và mưu đồ chiếm đoạt Biển Đông bằng vũ lực.
Việc nước này đưa tàu ngầm hạt nhân tuần tra Biển Đông và điều UAV BKZ-005 ra Hoàng Sa, sau khi đã sử dụng chúng để xâm phạm "Vùng nhận dạng phòng không" của Nhật Bản cho thấy, Bắc Kinh đang tập dượt năng lực giám sát Biển Đông, giống như trên biển Hoa Đông.
Điều này thể hiện rõ một vấn đề rất quan trọng là Bắc Kinh đang hoàn thiện năng lực tuần tra, giám sát và kiểm soát Biển Đông. Vào thời điểm này, Trung Quốc cơ bản đã hoàn tất những mảnh ghép để chuẩn bị cho khả năng lập "Vùng nhận dạng phòng không" phi pháp trên vùng biển này.