Đưa S-300 vào cuộc, Nga vẫn khó cản Iran-Israel lao vào "huyết chiến" ở Syria?

Quốc Vinh |

Nga có vị thế rất lớn khiến cho Iran-Israel phải nể mặt, nhưng có những mục tiêu chiến lược mà hai quốc gia này sẽ bỏ ngoài tai lời khuyên của Moscow.

Sự cố Il-20 châm ngòi cuộc chiến

Không nơi nào ở Trung Đông có nhiều khả năng nhìn thấy một cuộc xung đột liên quốc gia lớn hơn ở Syria. Cho đến nay, các cường quốc chính của khu vực đều đã góp mặt vào cuộc chiến ở quốc gia này.

Trong lúc sự đối đầu giữa chính quyền Damascus và phe đối lập đã dần đi vào hồi kết để xác định người chiến thắng thì sự cố trinh sát cơ Il-20 của Nga bị bắn rơi đang là mồi lửa nguy hiểm khiến cho chiến trường một lần nữa bùng cháy, nhà phân tích Chris Doyle viết trên Arab News.

Vào thời điểm đó, Israel đã tiến hành tấn công vào mục tiêu được cho là cơ sở của Iran ở Latakia của Syria. Trong cuộc không kích, tên lửa phòng không của Syria đã bắn nhầm máy bay quân sự của Nga, khiến 15 người thiệt mạng.

Kể từ đầu năm 2017, Israel đã hành động chống lại các mục tiêu của Iran ở Syria hơn 200 lần. Cho đến tháng 9 này, các cơ chế tránh xung đột giữa Israel và Nga đã tỏ ra có hiệu quả; giống như những gì người Mỹ và Nga làm được ở miền Đông Syria.

Tuy nhiên, vụ việc mới nhất đã một lần nữa trở thành thử thách đối với mối quan hệ nồng ấm của Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Nga đã quy trách nhiệm cho Israel về sự cố như một lập trường cho thấy rằng Moscow không chấp nhận việc lỗi lầm hoàn toàn thuộc về Syria. Hai bên tranh cãi nhau về thời gian nhận được cảnh báo. Nga tuyên bố họ chỉ được thông báo trước vụ không kích 60 giây, trong khi Israel nói rằng đó là bảy phút.

Israel cũng tuyên bố máy bay của Nga bị bắn hạ 24 phút sau khi chiếc F-16 của nước này tấn công và rời đi cách đó 200km.

Điều này khiến giới quan sát tin rằng lực lượng Syria không có khả năng xác định được mục tiêu kẻ thù hay bạn và hệ thống S-200 do Nga sản xuất không hoạt động như ý muốn. Điều này phần nào đã khiến cho cả Nga và Syria bối rối.

Phản ứng của Nga là cung cấp cho Syria hệ thống S-300 tiên tiến hơn. Mặc dù sẽ mất nhiều thời gian để tích hợp ba hệ thống S-300 vào mạng lưới phòng không của Damascus và đào tạo cho sĩ quan Syria, nhưng mục đích của Nga là rất rõ ràng.

Tổng thống Putin cảm thấy mình cần phải hạn chế sự tự do của Israel trên bầu trời Syria, cùng với áp lực từ phía đồng minh Syria và Iran.

Về phần mình, quan điểm của Israel vẫn không thay đổi. Nước này đã nhiều lần nhấn mạnh, nếu Iran tiếp tục xây dựng các địa điểm quân sự lớn ở Syria, chuyển vũ khí công nghệ cao sang Hezbollah, hoặc di chuyển các lực lượng gần biên giới Israel – Tel Aviv sẽ còn tiếp tục tấn công.

Trong cuộc không kích ở Latakia, phía Israel khẳng định, đây là nơi mà Iran nâng cấp các tên lửa dành cho Hezbollah, giúp cho vũ khí này trở nên mạnh hơn và chính xác hơn.

Nga-Mỹ khó cởi bỏ căng thẳng Israel-Iran

Đưa S-300 vào cuộc, Nga vẫn khó cản Iran-Israel lao vào huyết chiến ở Syria? - Ảnh 1.

Vòm Sắt của Israel đang lo ngại tên lửa từ Hezbollah.

Cuộc đối đầu giữa Israel và Iran được hậu thuẫn bởi hai cường quốc ( Nga và Mỹ) đang ở mức độ mạnh nhất từ ​​trước tới nay. Chỉ một sai lầm, chiến tranh sẽ xảy ra, nhà phân tích Chris Doyle nêu quan điểm.

Iran không có dấu hiệu thu hẹp tham vọng quân sự ở Syria. Nga mặc dù đã có một số động thái cản trở điều này nhưng phía nguồn tin của Israel cho rằng vẫn có nhiều kẽ hở để Tehran qua mặt Moscow.

Chính quyền Netanyahu đang lo ngại phải đối đầu với một mặt trận kép nếu Hezbollah và lực lượng Iran được triển khai đồng thời ở Syria cũng như Lebanon.

Theo Chris Doyle, bất kỳ cuộc chiến nào cũng đều mang lại những hậu quả đáng sợ và tất cả các bên đều có thể thua. Trong một thời gian dài, người phát ngôn của Israel đã tuyên bố rằng để đánh bại Hezbollah ở Lebanon sẽ đòi hỏi một cuộc tấn công lớn, bao gồm cả các khu vực đô thị đông dân cư, đặc biệt là miền Nam Beirut.

Tên lửa của Hezbollah mạnh hơn, sức công phá lớn hơn không thể bị chặn lại bởi hệ thống Vòm Sắt của Israel, vốn được thiết kế để chống lại những tên lửa tầm ngắn và yếu hơn. Trong khi đó, David's Sling, hệ thống chống tên lửa tiên tiến nhất của Israel lại không hoạt động đầy đủ, mặc dù nó đã được sử dụng lần đầu tiên vào tháng 7.

Các khu đô thị và tài sản chiến lược của Israel sẽ nằm trong phạm vi tấn công và dễ bị tổn thương. Các mục tiêu này có thể bao gồm giàn khoan dầu ngoài khơi được sử dụng để cung cấp nguồn điện lớn cho Israel. Do đó, một số nhà chiến lược Israel tin rằng họ cần phải hành động trước khi kho vũ khí của Hezbollah được nâng cấp hơn nữa.

Về phần mình, Iran không hề khao khát một cuộc chiến tranh. Nước này muốn gặt hái những gì được coi là phần thưởng từ sự tham gia của mình ở Syria; không chỉ bằng cách phát triển sức mạnh quân sự ở đó mà còn cả về kinh doanh và bất động sản sinh lợi.

Tehran không thể thắng trong một cuộc đối đầu với Israel, ngay cả khi nước này chắc chắn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho đối thủ. Iran cũng sẽ muốn giữ sự hiện diện của Hezbollah như là đòn bẩy ngăn chặn Israel ném bom Iran trực tiếp.

Dẫu vậy, theo nhà phân tích Chris Doyle, chiến tranh là hoàn toàn có thể xảy ra, ngay cả khi hai bên không hề muốn và tính toán rằng đối thủ của họ sẽ làm mọi thứ để tránh xung đột. Hơn cả, chính Iran và Israel sẽ phải cố gắng làm dịu bầu không khí chứ không phải bất kỳ ai khác.

Thông thường Mỹ sẽ có mặt để làm điều này, nhưng ở Syria, chính quyền Trump ngày càng cho thấy sự hờ hững đối với các vấn đề không có trong kế hoạch và hầu như không muốn nhận mình là một nhà trung gian hòa giải.

Nga có nhiều tiềm năng nhất để làm dịu tình hình khi có quan hệ chặt chẽ với Israel và có tầm ảnh hưởng đến Iran. Nhưng ngay cả điều đó cũng khó có thể cải thiện được những xung đột âm ỉ trong những năm tới vì cả Tehran và Tel Aviv đều có những mục tiêu chiến lược không dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực từ quốc gia khác.

Về cơ bản, Iran sẽ luôn tìm cách mở rộng sự hiện diện quân sự của mình và Israel sẽ luôn hành động để ngăn chặn nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại