Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 10/9 bình luận, đây là động thái dồn ép và không để cho Tokyo có cơ hội xoay chuyển tình hình, đưa Nhật vào thế bị động. Nếu Nga thực hiện ý định này, cơ hội thỏa hiệp giữa hai nước sẽ trở nên nhỏ bé hơn rất nhiều.
Kế hoạch "Nam tiến" của Moscow
Phát triển về phía Nam là chiến lược quan trọng để Nga tạo được đột phá và nâng cao vị thế trong các quan hệ quốc tế. Trong hơn 2 thập kỷ qua, giấc mơ phục hưng của Nga liên tục gặp sức ép từ Mỹ.
Hoàn Cầu nhận định, thế kỷ 21 là thời kỳ của biển. Quốc gia kiểm soát đại dương sẽ giành được ưu thế và nắm quyền chủ động trong các "cuộc chơi" ở trường quốc tế.
Hai tiến sĩ Đường Kiện và Tạ Ngọc Khoa từ Đại học Quốc phòng Trung Quốc nhận xét, chứng kiến các cường quốc lớn nhất thế giới hiện nay đều hướng ra đại dương, Moscow đã không thể ngồi yên để cơ hội trôi qua.
Hai học giả Trung Quốc tin rằng, trong vấn đề tranh chấp ở quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc, Nga gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy việc củng cố quyền kiểm soát thực tế ở đây.
Theo hai ông, việc Nga xem xét đưa quân lên đóng ở quần đảo tranh chấp có vẻ bất ngờ nhưng không hề nóng vội, mà Moscow đã tính toán cẩn thận về sách lược để Nhật Bản không thể "lật ngược thế cờ".
Tháp pháo của chiếc xe tăng cũ trên một hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc. (Ảnh: STR/AP)
Nga mạo hiểm để giành chiến thắng
Theo Hoàn Cầu, trong thời đại mới, quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc đang trở nên có giá trị đối với Nga hơn bao giờ hết.
Củng cố sức mạnh và tăng hiện diện quân sự tại nhóm đảo này cho phép Nga vươn xa hơn từ vùng duyên hải chiến lược ở miền Đông, tạo thành mối đe dọa đối với "cửa lớn phía Bắc" của Nhật Bản và gián tiếp thách thức Mỹ.
Như vậy, thế cân bằng tam giác giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc ở Đông Bắc Á sẽ trở nên rõ ràng hơn. Đây cũng là cục diện mà Bắc Kinh mong muốn nhìn thấy bởi ở thời điểm hiện tại, cán cân sức mạnh trong khu vực vẫn nghiêng hẳn về Washington với lực lượng quân sự hùng mạnh đóng ở Nhật và Hàn Quốc.
Kiểm soát quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc chính là "một phần quan trọng" trong toàn bộ chiến lược của Nga tại đây để phá các rào cản về cấm vận và kiềm chế đến từ tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở phía Tây.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp tại Vladivostok, Nga ngày 3/9. (Ảnh: Sputnik)
Đường Kiện và Tạ Ngọc Khoa cho rằng Nhật Bản không có đủ sức mạnh đối đầu trực diện với Nga và sẽ tìm kiếm sự hợp tác ở các lĩnh vực khác nhằm "làm mềm" những tranh chấp nhạy cảm.
Tuy nhiên, Nga không đóng cánh cửa đàm phán với Tokyo. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 5/9 rằng nước này "có thể đi đến thỏa hiệp" trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, nhưng không tiết lộ đó là "thỏa hiệp" theo hướng nào.
Trước thềm G20, ông Putin đã có cuộc hội đàm kéo dài 55 phút với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe để tìm kiếm giải pháp phù hợp cho cả hai nước.
Pavel Gudev, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ, Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế, thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, nhận định một trong những phương án thích hợp là "trì hoãn chủ quyền", trong đó Nga-Nhật quy định thời gian, có thể là 50 đến 100 năm sau, sẽ chuyển giao các đảo tranh chấp cho Nhật Bản quản lý.
Đến thời điểm đó, Nga đã đủ thời gian để đạt được các mục đích chiến lược của mình.