Tổng thống Mỹ Donald Trump đang để mắt đến một mục tiêu mới: tìm kiếm thỏa thuận hạt nhân lớn với Nga và Trung Quốc, mà ông xem là một thành tựu tiềm năng trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên một số chuyên gia về kiểm soát vũ khí lại lo ngại nỗ lực này có thể gây phản tác dụng.
Tổng thống Trump muốn đưa Nga và Trung Quốc vào hiệp ước hạt nhân mới. Ảnh: CNBC.
Ông Trump, người có xu hướng theo đuổi những giao dịch lớn, đã gợi mở công khai thỏa thuận này trong chương trình nghị sự của ông, đồng thời cảnh báo hậu qủa nếu nó không được thông qua.
“Chúng ta có thể đàm phán một thỏa thuận khác, thêm cả Trung Quốc và nhiều nước khác hoặc chúng ta sẽ không thể làm được điều đó”, Tổng thống Trump nói, đề cập đến quyết định theo đuổi hiệp ước hạt nhân với Nga và Trung Quốc đã được ông nhắc đến trong bài phát biểu vào tháng 1/2019.
Hãng tin CNN dẫn lời một số quan chức trong chính quyền ông Trump cho biết, Nhà Trắng đang tiến hành các cuộc đối thoại liên ngành để đưa ra các phương án cho ông Trump theo đuổi một thỏa thuận như vậy, trong số này có việc xây dựng một hiệp ước hạt nhân mới khi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới ( New START ) sắp hết hạn vào năm 2021.
“Tổng thống đã thể hiện rõ quan điểm rằng việc kiểm soát vũ khí nên có sự tham gia của cả Nga, Trung Quốc và nên bao gồm tất cả vũ khí hạt nhân, các đầu đạn, tên lửa. Chúng tôi có tham vọng trình lên Tổng thống các phương án trong thời gian sớm nhất có thể, giúp ông có nhiều thời gian hơn giải quyết vấn đề”, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nêu rõ.
Nguy cơ chạy đua vũ trang
Tuy nhiên, quy mô của những tham vọng đó, việc Tổng thống Trump chỉ trích Hiệp ước New START là “một thỏa thuận tồi” và vai trò của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton – người luôn phản đối các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, đã khiến nhiều nhà quan sát lo ngại về mục đích thực sự của chính quyền ông Trump.
Nhiều ý kiến nhận định, Nhà Trắng đang tìm cách thoát khỏi hiệp ước mà họ cho là lỗi thời và nhiều hạn chế, sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Alexandra Bell, chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và không phổ biến vũ khí (CACN), Mỹ: “Lý do chính quyền Tổng thống Trump muốn Trung Quốc tham gia hiệp định mới là bởi là họ không có ý định gia hạn hiệp ước New START”.
Giới chức Mỹ cho rằng, mục đích của họ là cải cách một hiệp ước đã lỗi thời để phù hợp với thời đại mới và tăng cường an ninh toàn cầu.
“Chúng ta có thể có một thỏa thuận đúng đắn, đảm bảo rằng nó phù hợp với năm 2021 và xa hơn nữa. Tổng thống Trump đã bày tỏ rõ quan điểm rằng chúng ta cần có một thỏa thuận kiểm soát vũ khí vững chắc. Chúng ta cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong thỏa thuận này, không chỉ Nga, Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một phiên họp Quốc hội vào tháng 4/2019.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump chưa đưa ra lịch trình cụ thể cho các cuộc đàm phán, nhưng ông Pompeo cho biết, Mỹ đang trong giai đoạn “bắt đầu cuộc đối thoại” để xúc tiến một hiệp ước mới bởi “New START chỉ hạn chế những loại vũ khí nhỏ mà không gây ảnh hưởng nhiều đến Nga”.
“Điều mà Tổng thống muốn cân nhắc là chúng ta nên đưa tất cả những vũ khí đó nằm trong tầm kiểm soát, loại bỏ càng nhiều càng tốt”, ông Pompeo nói thêm.
Ông Alexandra Bell và các chuyên gia kiểm soát vũ khí lo ngại trước khi một hiệp ước mới được đàm phán, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới có thể phá vỡ giới hạn đối với kho vũ khí hạt nhân của họ lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua.
Không dễ xây dựng lòng tin giữa Nga và Mỹ
Theo kế hoạch, chính quyền ông Trump sẽ có quãng thời gian ít ỏi, chưa đầy 2 năm cuối của nhiệm kỳ đầu tiên để thực hiện mục tiêu vô cùng khó khăn này. Một số chuyên gia nhận định, để đàm phán một hiệp ước mới sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian bởi còn nhiều hoài nghi giữa Nga và Mỹ.
Chính quyền ông Trump từng đặt câu hỏi liệu hành động của Moscow phát triển vũ khí hạt nhân mới có phải là bước đi mà “một bên liên quan có trách nhiệm” sẽ thực hiện hay không. Ngược lại phía Nga cũng có những nghi vấn về việc Mỹ tuân thủ Hiệp ước New START.
“Gia hạn hay đổi mới Hiệp ước New START không phải là kỹ thuật đơn giản mà có thể thực hiện chỉ trong vài tuần, bởi có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết”, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nêu rõ.
Hiệp ước START được ký kết ngày 8/4/2010, bắt đầu có hiệu lực vào năm 2011 và sẽ hết hạn vào năm 2021. Theo quy định, mỗi bên tham gia không được sở hữu quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 phương tiện triển khai, như: Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng.
START mới cũng quy định các bên tham gia phải trao đổi thông tin về số lượng các phương tiện vận chuyển và đầu đạn đang sở hữu theo định kỳ 1 năm 2 lần. Hiệp ước này có thể gia hạn thêm 5 năm nữa nếu như có được sự đồng thuận từ các nước tham gia hiệp ước.
CNN cho biết, Nhà Trắng dường như không thấy sự cần thiết phải đàm phán gia hạn hiệp ước này. “Chúng tôi chưa muốn tiến hành thảo luận ngay bây giờ về gia hạn Hiệp ước New START. Thay vào đó, chúng tôi muốn có một cuộc đàm phán về những loại vũ khí mà Nga và Trung Quốc đang phát triển để giảm mối đe dọa với Mỹ và cách làm thế nào để đưa họ đến bàn đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận tốt hơn”.
Các chuyên gia hạt nhân cảnh báo, Hiệp ước START sẽ có nguy cơ bị đổ vỡ nếu các bên tham gia để quá gần đến hạn chót mới bắt đầu thảo luận bởi khi đó, Nga và Mỹ đều muốn có thêm nhiều đòn bẩy và không bên nào muốn nhượng bộ bên nào.
Ông Lynn Rusten - Giám đốc cấp cao về kiểm soát vũ khí và không phổ biến hạt nhân tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời chính phủ Obama đánh giá, giải pháp hợp lý nhất là đổi mới Hiệp ước New START trước, sau đó mới khuyến khích sự tham gia của Trung Quốc cùng những quốc gia có năng lực hạt nhân khác như Anh và Pháp. “Cách tiếp cận quá tham vọng sẽ đưa đến những rủi ro khó tránh.
Chúng ta phải tạo ra “vành đai an toàn” trước sau đó mới đặt nền tảng cho một thỏa thuận hoài bão hơn. Tôi không nghĩ loại bỏ hiệp ước đã có sẽ giúp chúng ta có cơ hội đạt được mục tiêu đề ra”, Lynn Rusten nói.
Theo nhà phân tích này, nếu New START hết hiệu lực, Mỹ sẽ mất quyền truy cập những thông tin quan trọng về hệ thống hạt nhân của Nga. “Chúng ta sẽ từ bỏ quyền được nắm bắt thông tin để hiểu rõ hơn về kho vũ khí chiến lược của Nga. Sau đó chúng ta phải tự quyết định những việc cần làm dựa trên sự phỏng đoán mơ hồ”.
Lo ngại sự tham gia của Trung Quốc
Ông Alexandra Bell và một số chuyên gia khác nhận xét rằng, ý tưởng của chính quyền Tổng thống Trump đưa Trung Quốc tham gia hiệp ước mới sẽ làm dấy lên nhiều hoài nghi, thậm chí gây mất lòng tin.
Trước hết, Bắc Kinh từ lâu tuyên bố sẽ không tham gia bất cứ thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân nào với những nước có kho dự trữ hạt nhân lớn hơn quốc gia này. Hiện tại, số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc chưa bằng 1/10 số lượng mà Nga và Mỹ đang có. “Trung Quốc không ở trên sân cùng Nga và Mỹ. Họ thậm chí không chơi cùng một trò chơi”, ông Alexandra Bell nói.
Trong trường hợp Trung Quốc đồng ý trở thành đối tác tham gia hiệp ước hạt nhân lớn hơn, thì Washington và Moscow sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn khi bàn đến vấn đề thiết lập giới hạn với Bắc Kinh.
Để đạt được sự bình đẳng, Nga và Mỹ hoặc là phải giảm triệt để kho vũ khí hạt nhân của các nước này, hoặc cho phép Trung Quốc tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân tới khi nào ngang bằng với họ.
Phát biểu trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Phòng Bầu Dục vào tháng 4, Tổng thống Trump cho biết, ông hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ “hợp tác cùng nhau” về một thỏa thuận hạt nhân, sau khi hai bên hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại.
“Tôi cho rằng sẽ rất tốt nếu chúng ta bắt tay với nhau và ngừng sản xuất những loại vũ khí này. Trung Quốc chi tiêu rất nhiều cho quân sự. Nga và Mỹ cũng vậy. Cả 3 nước có thể hợp tác với nhau, ngừng sản xuất vũ khí và chi tiêu cho những công việc khác phục vụ cho việc đảm bảo hòa bình lâu dài”.
Các quan chức quốc phòng châu Âu hoan nghênh ý tưởng đưa Trung Quốc vào những cuộc thảo luận chiến lược, nhưng họ không mấy kỳ vọng. “Đã có những cuộc thảo luận, trong đó nói về việc muốn Trung Quốc ký kết hiệp ước hạt nhân lớn hơn nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là Trung Quốc dường như không hứng thú tham gia khuôn khổ như vậy. Và do đó, không quá lạc quan về triển vọng”, một quan chức Châu Âu nói./.