Dù thượng đỉnh thành công, bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thể tự quyết định vận mệnh của mình?

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau 6 năm nói "Không" với Trung Quốc, rốt cuộc vẫn phải điều chỉnh quan hệ bằng chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 26/3 tới 28/3 vừa qua để hòa dịu.

Bối cảnh đặc biệt

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra ngày 27/4/2018 là sự kiện quốc tế được dư luận hết sức quan tâm. Mặc dù lãnh đạo hai nước Triều Tiên đều bày tỏ mong muốn thiết lập nền hòa bình lâu dài, nhưng dư luận đều cho rằng Thượng đỉnh liên Triều không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ là bước đệm, bởi lẽ quyết định vẫn là ở các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Tình hình bán đảo Triều Tiên cho tới nay vẫn rất phức tạp, bởi lẽ nó là "di chứng" của Chiến tranh thế giới thứ hai và tiếp đó là Thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các nước lớn trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nga đều có vai trò lớn, thậm chí đóng vai trò quyết định đối với diễn biến quan hệ hai miền.

Từ trước tới nay, hai miền đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại, gặp gỡ thượng đỉnh và ký kết nhiều văn bản nhưng không giải quyết được triệt để vấn đề do có sự can thiệp của các nước lớn.

Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh quốc tế đặc biệt. Về chủ quan, hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều đóng vai trò rất quan trọng, họ đều có tính dân tộc cao, có tinh thần độc lập, tự chủ, tôn trọng đồng minh nhưng cũng dám nói "Không" với Mỹ và Trung Quốc.

Còn về khách quan, tình hình thế giới hiện nay đang diễn biến phức tạp, do xu thế bảo thủ và dân túy nổi lên. Do hai nước Liên Triều bị kẹt giữa hai nước lớn Mỹ và Trung Quốc, nên dù họ có nói "Không" thì vẫn chưa thể tự mình quyết định vận mệnh của đất nước.

Tổng thống Moon Jae-in đã nói: "Hàn Quốc có thể nói "Không" với Mỹ, nhưng tôi vẫn là người thân Mỹ". Trên thực tế, để cuộc gặp này được diễn ra suôn sẻ, ông Moon đã luôn phải tham khảo tư vấn của phía Mỹ.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau 6 năm nói "Không" với Trung Quốc, rốt cuộc vẫn phải điều chỉnh quan hệ bằng chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 26/3 tới 28/3 vừa qua để hòa dịu.

Các cuộc thượng đỉnh liên Triều trước đây đã phản ánh điều đó, vậy thì cuộc gặp thượng đỉnh lần này cũng không ngoại lệ.

Dù thượng đỉnh thành công, bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thể tự quyết định vận mệnh của mình? - Ảnh 1.

Ảnh: Inter-Korean Summit Press Corps

Tóm tắt diễn biến cuộc gặp gỡ thượng đỉnh ngày 27/4/2018

Theo các báo Hàn Quốc, nét nổi bật đầu tiên là cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong "Nhà Hòa bình" thuộc lãnh thổ Hàn Quốc, nên đây là lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên bước qua giới tuyến trước để gặp gỡ người đồng cấp.

Lúc 09h30 (giờ địa phương) ngày 27/4/2018, lãnh đạo hai nước đã nồng nhiệt đón tiếp nhau và dắt tay nhau bước qua đường ranh giới sang đất Hàn Quốc, ngay sau đó lại nắm tay nhau đi qua ranh giới sang đất Triều Tiên.

Chánh thư ký Chính phủ Hàn Quốc Yoon Young-chan cho biết khi ông Kim Jong-un bước qua ranh giới hai miền, ông Moon Jae-in đã nói: "Ngài đã tới miền Nam rồi, khi nào tôi mới được sang miền Bắc?". Ông Kim liền đáp lời: "Bây giờ là cơ hội rất tốt, tôi có thể dắt Ngài sang đất Triều Tiên".

Ông Kim Jong-un cũng đã nói trong hội nghị rằng nếu được mời tới thăm Nhà xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc), ông sẽ rất vui mừng và sẵn sàng tới đó bất kỳ lúc nào.

Còn ông Moon Jae-in thì thổ lộ: "Hy vọng tôi được đích thân nhìn thấy dãy núi Trường Bạch."

Tiếp đó, lãnh đạo hai nước đã tới "Nhà hòa bình". Tại tầng 1, ông Kim đã ghi vào sổ lưu niệm dòng chữ: "Trang sử mới, thời đại hòa bình mới. Bước khởi đầu của lịch sử - Ngày 27/4/2018"

Sau đó hai nhà lãnh đạo lên tầng 2 và ngồi đối diện nhau tại chiếc bàn hình bầu dục có khoảng cách với nhau đúng 2018 cm, thể hiện năm 2018 diễn ra cuộc gặp gỡ thượng đỉnh.

Trong phiên họp sáng, hai nhà lãnh đạo đã hội đàm trong 100 phút với nội dung chủ yếu đi sâu vào hai vấn đề chính là: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, quan hệ phát triển hợp tác kinh tế hai miền, đồng thời thảo luận nội dung của "Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm".

Buổi chiều, hai bên tiếp tục hội đàm, ký tuyên bố chung, tiến hành họp báo cùng một số hoạt động khác như trồng cây lưu niệm. Chuyến thăm của ông Kim kết thúc bằng cuộc chiêu đãi.

Những điểm mấu chốt trong tuyên bố chung của 2 nước Hàn-Triều

"Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018" có một số nội dung sau:

- Hai bên cam kết ngừng mọi hành vi thù địch; đàm phán thương lượng tranh thủ trong năm nay tuyên bố kết thúc tình trạng chiến tranh. Hai bên tuyên bố ra sức thúc đẩy quan hệ Hàn – Triều – Mỹ hoặc Hàn – Triều – Mỹ - Trung hội đàm.

- Hai bên đồng ý xây dựng Phòng liên lạc vĩnh cửu chung tại Kaesong, thông qua định kỳ điện đàm qua đường giây nóng để có thể thương lượng bất kỳ lúc nào.

- Hai bên tuyên bố cần xây dựng Khu phi quân sự (DMZ) hai nước thành Khu vực hòa bình.

- Hai bên nhất trí xác nhận mục tiêu chung là thông qua "hoàn toàn bãi bỏ vũ khí hạt nhân", thực hiện "phi hạt nhân hóa bán đảo" .

- Hai bên đồng ý tiến hành đối thoại quân sự cấp cao vào tháng 5/2018.

- Hai bên tuyên bố ngày 15/8/2018 tiến hành hoạt động đoàn tụ các gia đình bị li tán. Bắt đầu từ 1/5/2018, trên vùng giới tuyến quân sự hai bên ngừng mọi hành vi thù địch như phát thanh tuyên truyền, rải truyền đơn chống đối nhau.

- Hai bên ấn định Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thăm Bình Nhướng vào mùa thu năm nay.

- Hai bên bày tỏ sẽ nối đường trên biển Đông Hải Triều – Hàn, đường sắt và đường bộ Kinh Nghĩa.

Nhìn chung dư luận hai nước và trên thế giới đều bày tỏ sự hoan nghênh và hy vọng những thỏa thuận trên được thực hiện và duy trì lâu dài, từ đó lập lại nền hòa bình, ổn định, và phi hạt nhân trên bán đảo này.

Bước đệm cho Thượng đỉnh Mỹ Triều

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước 65 năm qua từ sau " Hiệp định đình chiến" ký kết tại Panmunchon (27/7/1953) tới nay, lãnh đạo hai Liên Triều đã có nhiều cuộc thăm lẫn nhau và ký kết nhiều văn bản về hòa bình, như:

- Năm 1972 Trung – Mỹ bình thường hóa quan hệ, Liên Triều ký Tuyên bố chung hòa bình thống nhất.

- Năm 1991, Liên Xô tan rã, Liên Triều ký "Tuyên bố phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" và "Hiệp định tiến hành đàm phán Hiệp ước hòa bình vĩnh viễn".

- Năm 2000, khi thăm Triều Tiên, Kim Dae-chung và Kim Jong-il đã ký "Tuyên bố chung Nam - Bắc Triều Tiên", hay còn gọi là "Tuyên bố chung 15 tháng 6".

Dù thượng đỉnh thành công, bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thể tự quyết định vận mệnh của mình? - Ảnh 3.

- Năm 2007 khi thăm Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il ký "Tuyên bố chung phát triển hòa bình phồn vinh quan hệ Nam - Bắc Triều Tiên" hay còn gọi là "Tuyên bố 4 tháng 10".

Nhưng sau một thời gian, tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn không có hòa bình, thậm chí trở thành điểm nóng của Khu vực và thế giới. Bởi lẽ, hai nước Hàn-Triều tuy là đương sự, nhưng việc quyết định tình hình bán đảo này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Từ trước tới nay, các cuộc thượng đỉnh liên Triều là quân cờ trên bàn cờ chiến lược của hai nước, thậm chí có khi trở thành con bài của hai nước. Vì vậy, dư luận cho rằng cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này là một bước đệm của thượng đỉnh Mỹ - Triều, hai đương sự chủ yếu đối với tình hình bán đảo Triều Tiên./.

Cái bắt tay lịch sử của lãnh đạo hai nước Hàn-Triều

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại