Dự thảo nghị quyết của Nga chống việc tôn vinh chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa tân phát xít và các thông lệ khác góp phần thúc đẩy các hình thức phân biệt, kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung.
Dự thảo nhận được sự ủng hộ của 106 nước, 51 nước bỏ phiếu chống và 15 nước bỏ phiếu trắng.
Theo truyền thống, Nga khởi xướng nghị quyết này hàng năm. Dự kiến, dự thảo này sẽ được Đại hội đồng bỏ phiếu vào tháng 12. Đồng tác giả của nghị quyết này là: Azerbaijan, Belarus, Venezuela, Việt Nam, Campuchia, Triều Tiên, Cuba, Lào, Mali, Nicaragua, Pakistan, Syria, Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Guinea Xích đạo và Nam Phi.
Dự thảo trên bày tỏ "mối quan tâm sâu sắc về sự tôn vinh, dưới mọi hình thức, đối với phong trào phát xít, chủ nghĩa tân phát xít và các thành viên cũ của tổ chức Waffen SS. Trong đó bao gồm việc dựng tượng đài và đài tưởng niệm, tổ chức các cuộc biểu tình công khai nhân danh sự tôn vinh phát xít quá khứ, phong trào phát xít và chủ nghĩa tân phát xít"
Nó cũng kêu gọi các quốc gia cấm bất kỳ lễ hội nào nhằm tôn vinh chế độ phát xít, các đồng minh và các tổ chức liên đới. Ngoài ra, nghị quyết bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về các trường hợp xúc phạm hoặc phá hủy các tượng đài những người đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến thứ 2.
Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử tại một cuộc bỏ phiếu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Italy, Áo và Đức phản đối việc thông qua nghị quyết của Nga nhằm chống lại việc tôn vinh chủ nghĩa phát xít. Điều này được Ủy viên Bộ Ngoại giao Nga về Nhân quyền, Dân chủ và Pháp quyền, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Nhân đạo và Nhân quyền Grigory Lukyantsev công bố ngày 5/11.
"Trong trí nhớ của tôi, đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử" - ông Lukyantsev nói trong cuộc trò chuyện với các phóng viên.
Nhà ngoại giao Nga kể lại rằng năm 2011, đại diện của Đức, Ý và Áo hứa với phía Nga họ sẽ không bao giờ bỏ phiếu chống lại văn kiện lên án việc tôn vinh chủ nghĩa phát xít vì những lý do cơ bản.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga cho rằng năm nay các cân nhắc chính trị đã chiếm ưu thế trong quyết định của Rome, Vienna và Berlin.
Theo TASS/IZ