Dù sắp hết thời, F-15 Eagle vẫn khiến đối thủ của Mỹ khiếp sợ

Hải Vy |

Đây là mẫu chiến đấu cơ từng "làm thịt" rất nhiều máy bay do Nga sản xuất.

"Vua bầu trời" một thời

Theo nhà phân tích Kyle Mizokami, F-15 là mẫu máy bay chiến đấu tối thượng để chiếm ưu thế trên không.

Trong gần 3 thập kỷ, máy bay chiến đấu F-15 Eagle được xem là vua bầu trời. Trước khi "người kế nhiệm" F-22 xuất hiện, F-15 luôn là chiến đấu cơ tiền tuyến, chiếm ưu thế trên không của Không quân Mỹ.

Thậm chí ngày nay, phiên bản hiện đại hóa của Eagle vẫn được đánh giá là đối thủ đáng gờm đối với nhiều phía. Nhà sản xuất Boeing đã đề xuất các phiên bản nâng cấp cho phép khung máy bay tiếp tục hoạt động hơn nửa thập kỷ nữa.

Chương trình phát triển F-15 đã được nhen nhóm ngay từ thời chiến tranh Việt Nam. Khi đó, các máy bay chiến đấu cỡ lớn của Mỹ được thiết kế để thực hiện cả nhiệm vụ tác chiến không-đối-không và không-đối-đất. Tuy nhiên, chúng đã có màn thể hiện kém cỏi trước các máy bay kích cỡ nhỏ hơn, yếu hơn nhưng cơ động hơn của Việt Nam.

Tỷ lệ tiêu diệt 13:1 mà các phi công Mỹ đạt được trong chiến tranh Triều Tiên đã rớt xuống tới mức thảm hại "1,5:1" ở Việt Nam.

Không quân Mỹ quyết định rằng họ cần một mẫu máy bay chiến đấu chuyên chiếm ưu thế trên không. Đó sẽ là loại máy bay kết hợp 2 động cơ uy lực, 1 radar mạnh, mang theo lượng lớn tên lửa và một khẩu pháo. Quan trọng hơn cả là nó phải có đủ khả năng cơ động để chiến thắng trong không chiến.

Không quân Mỹ đã đệ trình đề xuất phát triển máy bay chiến đấu FX mới vào năm 1966 và có tới 6 công ty tung ra các mẫu vẽ thiết kế cạnh tranh.

Cuối cùng, Không quân Mỹ đã lựa chọn McDonnell Douglas (hiện giờ thuộc Boeing) vào năm 1969 và đặt hàng 107 chiếc máy bay được phát triển hoàn chỉnh.

Dù sắp hết thời, F-15 Eagle vẫn khiến đối thủ của Mỹ khiếp sợ - Ảnh 1.

Một số mô hình của McDonnell đưa ra cho chương trình F-X

F-15 là mẫu máy bay đáng gờm. Các phiên bản đầu tiên được trang bị 2 động cơ đốt sau F100-PW-100 của Pratt & Whitney, cho phép nó trở thành mẫu chiến đấu cơ đầu tiên vượt qua tốc độ âm thanh khi bay thẳng đứng.

F-15 có thể đạt trần bay tới 19.800m trong vòng 122 giây. Khi bay ngang, nó thể đạt đến tốc độ tối đa Mach 2.5 và hành trình ở tốc độ Mach 0.9.

Radar AN/APG-63 gắn trên mũi máy bay là loại radar tiên tiến nhất vào thời đó, có phạm vi quét lên tới hơn 300km. Điều này cho phép F-15 phát hiện các mục tiêu bay thấp của đối phương bằng radar bất chấp các biện pháp gây nhiễu trên mặt đất.

Đây cũng là mẫu radar đầu tiên tích hợp bộ xử lý được lập trình, cho phép tiến hành những nâng cấp ở mức độ vừa phải thông qua phần mềm.

Dù sắp hết thời, F-15 Eagle vẫn khiến đối thủ của Mỹ khiếp sợ - Ảnh 2.

Đội hình 2 máy bay F-15A thuộc Không đoàn máy bay chiến đấu chiến thuật số 33 của Không quân Mỹ trong chiến dịch Ocean Venture

Các chiến đấu cơ F-15 ban đầu được được trang bị 4 tên lửa dẫn đường bằng radar AIM-7 Sparrow để tấn công tầm xa và 4 tên lửa dẫn đường hồng ngoại AIM-9 Sidewinder để tấn công tầm ngắn.

Trước đây, các máy bay F-4C Phantoms, do không được trang bị pháo chuyên dụng nên đã bỏ lỡ một số cơ hội bắn hạ máy bay đối phương. Đến F-15, điều này đã được khắc phục. Mỗi máy bay được trang bị 1 khẩu pháo nòng xoay 20mm M61 Vulcan.

F-15 còn được lên ý tưởng thiết kế để tác chiến tầm xa. Mang theo 3 thùng nhiên liệu với sức chứa gần 300kg mỗi thùng, F-15 có tầm hoạt động tới gần 5.000km. Nó có thể bay từ lục địa Mỹ tới châu Âu mà không cần phải dừng lại hoặc tiếp dầu giữa chừng.

Điều này cho phép F-15 nhanh chóng củng cố mạng lưới phòng thủ của NATO trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở châu Âu và sau đó cho phép lực lượng Không quân Mỹ nhanh chóng điều động F-15 tới Saudi Arabia trong Chiến dịch Bão táp sa mạc.

Nguyên mẫu F-15 đầu tiên cất cánh vào năm 1972 và bắt đầu được đưa vào sản xuất loạt trong năm 1973. Nó nhanh chóng có mặt trong biên chế Không quân Mỹ và các lực lượng không quân đồng minh như Israel, Nhật Bản và Saudi Arabia.

Từng bắn hạ nhiều máy bay Nga

F-15 lập chiến tích không-đối-không đầu tiên vào ngày 27/61979, khi phi công Moshe Melnik của Không quân Israel điều khiển chiếc F-15A bắn hạ tiêm kích MiG-21 của Không quân Syria. Trong tổng số 11 máy bay mà Melnik đã bắn hạ trong sự nghiệp của mình, có tới 4 chiếc máy bay bị tiêu diệt bằng F-15A và F-15C.

Video tái hiện tiêm kích MiG-21 bị chiếc F-15 của phi công Melnik bắn hạ.

Chiến tích của Melnik mở màn cho chuỗi 104 chiến thắng không-đối-không liên tiếp của F-15, trong khi không có chiếc F-15 nào bị thiệt hại. Israel, Saudi và Mỹ đã tạo nên thành tích ấn tượng cho mẫu máy bay này.

Thành tích của Israel được ghi nhận trong giai đoạn 1979 - 1982, trong đó họ đã tiêu diệt các máy bay đánh chặn MiG-25 Foxbat, tiêm kích MiG-21, MiG-23 và một số cường kích của Syria.

Dù sắp hết thời, F-15 Eagle vẫn khiến đối thủ của Mỹ khiếp sợ - Ảnh 4.

Một chiếc MiG-29 của Iraq bị bắn hạ trong chiến dịch bão táp sa mạc năm 1991.

Trong suốt Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, quân Mỹ và Saudi đã bắn hạ các máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum, Mirage F-1 và thậm chí là máy bay vận tải cỡ trung Il-76 "Candid" của Iraq. Một chiếc F-15E Strike Eagle còn bắn rơi trực thăng tấn công Mi-24 của Iraq bằng bom dẫn đường laser.

F-15 vẫn khiến đối thủ của Mỹ khiếp sợ

Phiên bản F-15A dần được thay thế bằng phiên bản F-15C với radar khẩu độ tổng hợp AN/APG-70 tiên tiến hơn và động cơ F100-PW-220. Tới cuối những năm 1980, phiên bản F-15E được phát triển để bổ sung và sau đó thay thế cho các máy bay ném bom F-111.

F-15E được bổ sung thêm thùng dầu phụ để tăng tầm hoạt động và khả năng mang bom. Sau khi F-111 bị loại biên, F-15E Strike Eagle trở thành tiêm kích-bom chiến thuật chủ lực của Không quân Mỹ.

Không quân Mỹ đặt mua chiếc F-15 cuối cùng vào năm 2001, tuy nhiên Boeing vẫn duy trì dây chuyển sản xuất do nhu cầu trên thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây, Boeing đã 2 lần tìm cách thu hút sự quan tâm trở lại của Không quân Mỹ, đầu tiên là với phiên bản bán tàng hình Silent Eagle năm 2010.

Tới năm 2016, Boeing tiếp tục giới thiệu phiên bản F-15 mới, gọi là Eagle 2040C.

Dù sắp hết thời, F-15 Eagle vẫn khiến đối thủ của Mỹ khiếp sợ - Ảnh 5.

Đồ họa mô phỏng phiên bản Eagle 2040C.

Eagle 2040C được thiết kế để mang tới 16 tên lửa dẫn đường bằng radar AIM-120D AMRAAM, gấp 4 lần so với số lượng tên lửa ở các phiên bản cũ.

Hệ thống liên kết dữ liệu Talon HATE sẽ cho phép phiên bản nâng cấp này kết nối với tiêm kích tàng hình F-22 Raptor. Trong quá trình chiến đấu, F-15 sẽ hoạt động như một "tổ hợp tên lửa bay", tiếp nhận dữ liệu mục tiêu từ F-22 để tấn công.

Hiện nay, Không quân Mỹ vẫn còn triển khai khoảng 177 máy bay F-15C (nâng cấp) và F-15D 2 chỗ ngồi, cùng 224 chiếc F-15E Strike Eagle. F-15 được điều tới các căn cứ tiền phương ở cả châu Âu và châu Á, tiêu biểu nhất là căn cứ không quân Lakenheath tại Anh và căn cứ Kadena ở Okinawa, Nhật Bản.

Các tiêm kích F-15J của Nhật Bản cũng đóng tại căn cứ ở Okinawa. Tháng 6 vừa qua, F-15J được cho là đã có cuộc chạm trán trên không với tiêm kích Su-30 Flanker của Trung Quốc.

Phiên bản F-15E đã được Mỹ triển khai tại căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia các cuộc không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Video mô phỏng F-15 Silent Eagle bắn hạ Su-35 Nga

Theo ông Mizokami, trong thế giới mà máy bay chiến đấu thế hệ 4 vẫn còn thống trị, dù không còn "trẻ trung" nữa nhưng F-15 vẫn là mẫu máy bay chiến đấu đáng gờm.

Tình trạng thiếu hụt tiêm kích tàng hình F-22 đã trì hoãn quá trình "về hưu" của F-15 và giờ đây, chúng đang được huấn luyện để hỗ trợ F-22 trên chiến trường.

F-15 có thể sẽ duy trì hoạt động tới đầu những năm 2030, trước khi phiên bản C và E bị loại biên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại