Lùm xùm tại PVTex và câu hỏi về ứng viên TGĐ PVN

Vi Anh |

Việc ông Lê Mạnh Hùng được giới thiệu vào chức danh Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang đặt ra nhiều dấu hỏi, khi một số dự án ngành dầu khí do ông Hùng phụ trách thua lỗ nặng.

Ông Lê Mạnh Hùng (sinh năm 1973) - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa được giới thiệu giữ chức vụ Tổng giám đốc doanh nghiệp Nhà nước lớn bậc nhất này. Nếu được bổ nhiệm, ông Hùng sẽ thay thế ông Nguyễn Vũ Trường Sơn vừa từ chức.

Ông Hùng là một trong 4 Phó tổng giám đốc của PVN, được giới thiệu có 12 năm kinh nghiệm trong ngành dầu khí, từng công tác tại Văn phòng Chính phủ, Trưởng ban dự án cụm Khí - điện - đạm Cà Mau…

Trong 5 năm làm Phó tổng gián đốc tập đoàn này ông phụ trách các lĩnh vực như công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, nhiên liệu sinh học…

Tuy nhiên, cũng chính từ những lĩnh vực mà ông được phân công trực tiếp phụ trách mà việc giới thiệu trên đang vấp phải các ý kiến trái chiều.

Dự án thua lỗ nghìn tỷ

Một trong những đại dự án với những sai phạm nghiêm trọng gây lỗ tới hơn 1.700 tỷ đồng do ông Hùng trực tiếp phụ trách từ năm 2013 đến nay. Đó chính là Dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVTex (ở Hải Phòng).

Dự án này nằm trong chủ trương thực hiện quyết định 386 của Thủ tướng về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2025.

Ngày 15/7/2007, PVN ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Vinatex và thành lập PVTex để quản lý, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ.

Lùm xùm tại PVTex và câu hỏi về ứng viên TGĐ PVN - Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ có diện tích 15ha nằm tại Khu Công nghiệp Đình Vũ. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Theo Kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vụ của Thanh tra Chính phủ số 3130 ngày 24/11/2016, thì dù Dự án khả thi đã được lập và phê duyệt, với thời gian thu hồi vốn cho toàn bộ dự án là 8 năm 8 tháng, dự án đi vào sản xuất kinh doanh là có lãi.

Tuy nhiên, thực tế kết quả sản xuất kinh doanh liên tục lỗ từ năm 2012 đến 31/12/2014 là hơn 1.700 tỷ đồng. Đồng thời, qua báo cáo của chính PVTex, trên cơ sở dự kiến giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh từ 324 triệu USD lên 359 triệu USD và rà soát, kiểm tra, cập nhật các định mức vật tư, tiện ích tiêu hao, nhân công, lãi vay theo thực tế, cũng như cập nhật giá nguyên liệu và sản phẩm bình quân theo thống kê của tổ chức tư vấn thị trường hóa chất từ 2008-2012.

Thời gian thu hồi vốn cho toàn bộ dự án là 22 năm 10 tháng, cao hơn tuổi thọ của dự án là 22 năm (gồm 2 năm xây dựng và 20 năm vận hành) dự án không có hiệu quả về kinh tế.

Theo kết luận thanh tra, việc để xảy ra thua lỗ lớn như trên, có nhiều nguyên nhân cụ thể và trách nhiệm được cho thuộc về HĐQT, Tổng giám đốc PVTex: Quá trình thực hiện các đơn vị đã không thực hiện hết trách nhiệm được giao, để dự án có hiệu quả kém.

Cụ thể, Vinatex là Tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may, đã thiếu trách nhiệm trong việc góp vốn điều lệ, không thực hiện trách nhiệm của cổ đông mà ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án.

Trong khi đó, PVN là tập đoàn có vốn chi phối tại Pvtex, trong quá trình chỉ đạo điều hành còn nhiều thiết sót, vi phạm, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát người đại diện vốn của PVN tại PVtext để đảm bảo việc thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, nhận chuyển nhượng vốn từ Vinatex và Tổng công ty cổ phần Phong Phú không đúng quy định, dẫn đến phải chịu toàn bộ lỗi của dự án là hơn 1.700 tỷ đồng.

Dấu hỏi về đại dự án thu lỗ 

Kết quả thanh tra cho thấy, quá trình thực hiện đầu tư Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ đã có dấu hiệu cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãnh phí lớn vốn đầu tư. Vì vậy, kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

PVtex sau đó bị xác định là một trong những "đại án" được Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng yêu cầu phải xử lý quyệt liệt. Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVtex) bị đưa ra xét xử cuối năm 2018 với mức án, cụ thể:

Trần Trung Chí Hiếu (55 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị PVTex) nhận án 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 15 năm tội Nhận hối lộ. Tổng hợp, bị cáo phải nhận 28 năm tù.

Đỗ Văn Hồng (nguyên chủ tịch HĐQT PVC.KBC) nhận án 13 năm, Đào Ngọ Hoàng (nguyên trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTex) 9 năm, Vũ Phương Nam (39 tuổi, nguyên kế toán trưởng PVTex) 8 năm tù cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ở vụ án này, một trong những nghi can chính là Vũ Đình Duy trốn nã.

Các đối tượng bị kết án nêu trên chủ yếu là do những sai phạm liên quan đến trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên tại PVtex. Nhưng, vẫn còn hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc triển khai thực hiện mua sắm, xây dựng, lắp đặt và chạy thử và nghiệm thu Nhà máy xơ sợi Đình Vũ gây thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng mà kết luận Thanh tra Chính phủ số 3130/TB-TTCP công bố ngày 24/11/2016 đã chỉ ra, thì đến nay vẫn chưa truy được địa chỉ trách nhiệm.

Theo nội dung kết luận thanh tra này, hàng loạt sai phạm của PVTex được nêu chi tiết: Những sai phạm của dự án như vi phạm trong việc mời thầu nghiệm thu tăng sai, trùng lắp khối lượng so với hồ sơ hoàn công một số hạng mục công trình với giá trị 23.046,6 USD và hơn 8 tỷ đồng; thay đổi dây chuyền thiết bị kéo sợi dún từ Đức sang Trung Quốc, hệ thống máy chủ máy in từ Đức sang Châu Âu; quá trình chạy thử từ tháng 11.2011 đến 6.2013 lỗ gần 818 tỉ đồng; tăng sai một số khoản chi phí trị giá gần 39 triệu USD.

Do đó, PVtex mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và gánh trên mình khoản nợ khoảng 6.000 tỉ đồng.

Để PVtex bị thua lỗ, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ trách nhiệm thuộc về HĐQT, TGĐ các đơn vị liên quan gồm PVN, Vinatex và PVTex. Cũng tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc dự án thua lỗ có nguyên nhân chủ quan từ khó khăn của thị trường, song cũng có sai phạm, thiếu sót trong chỉ đạo, giám sát của PetroVietnam, Vinatex và Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, từ kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, đến phiên tòa xử các cá nhân là lãnh đạo cũ của PVTex khép lại, dư luận đặt câu hỏi lớn, trong việc xử lý cá nhân, tập thể liên quan, trách nhiệm của ông Lê Mạnh Hùng như thế nào? Ông và việc thua lỗ hơn 1.700 tỷ ở PVTex có mối liên hệ ra sao?

Theo tài liệu thu thập, trong quá trình triển khai dự án xơ sợi Đình Vũ, ông Lê Mạnh Hùng được biết đến là Phó tổng giám đốc PVN phụ trách dự án. Ông Hùng cũng là người đã có ý kiến và chủ trương đồng thuận, là cơ sở để Hội đồng thành viên PVN ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương nghiệm thu có điều kiện dự án xơ sợi Đình Vũ kết thúc quá trình chạy thử và nhận bàn giao nhà máy để tiếp tục tự tổ chức chạy thử dưới hình thức vận hành thương mại. Kết quả, khi vận hành thương mại PVTEX lỗ hơn 1.000 tỉ đồng.

Chính PVtex từng báo cáo PVN, quá trình chạy thử, chạy nghiệm thu của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ từ 19/11/2011 - 1/6/2013, có 4 lần chạy thử này lần nào cũng gặp sự số. Chi phí chạy thử, theo dự án khả thi chỉ 5,2 triệu USD. Hợp đồng quy định chủ đầu tư (PVtex) chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu. Kết quả số tiền chi phí vận hành giai đoạn chạy thử tăng vọt từ 5,2 triệu USD lên 41,438 triệu USD, nghĩa là phát sinh con số khổng lồ 36,233 triệu USD.

Theo kết luận thanh tra, dự án đưa vào vận hành sản xuất từ 19/8/2013 nhưng do phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư (PVtex) và nhà thầu nên các khoản thanh thoán vượt giá trị tổng mức đầu tư, trong đó có khoản lỗ trên 41 triệu USD chi phí thời gian chạy thử vẫn chưa được quyết toán ở thời điểm công bố kết luận Thanh tra tháng 11/2016.

Cũng theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ công bố cuối năm 2016, dù còn đang tranh chấp với nhà thầu (trong đó có việc chuyển công nghệ Đức sang Trung Quốc trị giá trên 11 triệu USD) và hàng loạt sự cố kỹ thuật chưa được giải quyết triệt để thì PVtex vẫn có công văn do Tổng giám đốc Vũ Đình Duy (đang bị lệnh truy nã đặc biệt) đề nghị PVN cho phép nghiệm thu, hoàn thành hợp đồng EPC để đi vào chạy thương mại.

Đề nghị của Vũ Đình Duy lại nhận được sự đồng thuận của Phó TGĐ PVN Lê Mạnh Hùng - người được giao phụ trách dự án PVtex. Dù trong một cuộc họp cuối năm 2013, khi đó Chủ tịch HĐTV PVN khi đó là ông Phùng Đình Thực đặt câu hỏi nghi vấn về nghiệm thu có điều kiện, ông Lê Mạnh Hùng vẫn khẳng định việc nghiệm thu của PVTex là hợp lý, có thể đưa vào vận hành thương mại.

Những sai phạm xảy ra ở chính PVN vẫn còn đang tiếp tục được điều tra mở rộng. 

Trao đổi với báo Thanh Niên về trường hợp ông Lê Mạnh Hùng, một lãnh đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho biết cơ quan này đang xin ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, sau đó mới báo cáo trình Thủ tướng quyết định bổ nhiệm.

"Đối với các chức danh chủ chốt của Tập đoàn PVN cần phải có ý kiến của nhiều cơ quan T.Ư như ý kiến của Đảng ủy khối các cơ quan T.Ư, khối doanh nghiệp T.Ư, nói chung là còn phải qua nhiều quy trình thủ tục nữa", vị này nói.

Về việc xử lý trách nhiệm tập thể liên quan các dự án thua lỗ ngàn tỉ, vị lãnh đạo này cho biết PVN đã có báo cáo giải trình. "Về vấn đề nhân sự chủ chốt của tập đoàn dầu khí thì chúng tôi đã phải sàng lọc rất kỹ. Cả tập đoàn hiện chỉ có vài người nằm trong quy hoạch.

Mặt khác dầu khí có 3 khâu quan trọng là khai thác, chế biến và tiêu thụ, thì về nguyên tắc tổng giám đốc phải có chuyên môn về khai thác và chế biến, và trường hợp anh Hùng thì đáp ứng được những nguyên tắc về chuyên môn này", vị này nói và cho rằng dầu khí có những vấn đề lịch sử, nếu để chờ đợi cho xong thì không biết bao giờ mới xong. Do đó, cơ quan hữu trách sẽ xem xét thận trọng, kỹ lưỡng mọi yếu tố.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: "Với một số phản ánh về trường hợp của anh Hùng, chúng tôi rất lắng nghe và sẽ trao đổi với anh em để thẩm định kỹ hơn. Vấn đề này thì yên tâm bởi quy trình nhân sự càng ngày chúng ta thực hiện càng chặt hơn, chưa kể nhân sự của PVN lâu nay vốn có vấn đề nên càng phải thận trọng hơn", ông Thừa khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại