Tổng thống mới đắc cử Donald Trump của Mỹ trong quá trình vận động tranh cử đã có những phát biểu khiến mọi người nghĩ, thậm chí cáo buộc vị tỷ phú này "thân Nga".
Mới đây nhất, hai tổng thống mới đắc cử ở Bulgaria, ông Rumen Radev, và Moldova, ông Igor Dodon đều được coi là những người "thân Nga".
Liệu những vị tổng thống được coi là "thân Nga" này có giúp đỡ được gì nước Nga trong thời gian sắp tới? Bài bình luận "Từ Trump đến Dodon" đăng trên Gazeta.ru của Nga mới đây sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn điều này.
Hai tổng thống mới đắc cử là ai?
Tổng thống đắc cử Bulgaria Rumen Radev nguyên là thiếu tướng không quân, được đào tạo khá bài bản ở Mỹ sau 2 khóa học.
Ông được cho là "thân Nga" một cách khá hình thức, khi là ứng viên đại diện cho 2 đảng đối lập với đảng cầm quyền cũ - đảng "Công dân vì sự phát triển châu Âu Bulgaria" có lập trường hướng tới châu Âu và NATO.
Còn tổng thống mới đắc cử của Moldova Igor Dodon nguyên là một đảng viên Cộng sản, từng giữ chức Phó Thủ tướng dưới chính quyền cựu tổng thống Vladimir Voronin.
Tổng thống Moldova Vladimir Voronin (thời kỳ 2001-2009) cũng từng được coi là "thân Nga", nhưng trên thực tế dưới sự điều hành của ông, Moldova đã thường xuyên có những cuộc "chiến tranh thương mại" với Nga, và thỏa thuận về giải pháp hòa bình cho vùng lãnh thổ ly khai Transnistria cuối cùng đã bị phá vỡ.
Một điều đáng lưu ý, trong khi Nga phản đối việc rút quân đội của mình khỏi Transnistria, và vùng lãnh thổ này đang muốn tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga, thì quan điểm của ông Dodon là quân Nga phải rút khỏi Transnistria, để đổi lấy quy chế đặc biệt cho vùng đất này.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh minh họa: Slate)
Nước Nga sẽ hưởng lợi gì?
Vậy, những vị tổng thống được coi là "thân Nga" này như dư luận đồn thổi, sẽ có những động thái gì giúp ích cho nước Nga?
Cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich từng được coi là "thân Nga". Năm 2004, thậm chí đích thân tổng thống Putin đã sang tận Kiev để vận động giúp Yanukovich nhưng bất thành.
Năm 2010, Yanukovich đắc cử tổng thống và chưa hết nhiệm kỳ đã phải trốn chạy sang Nga sau sự kiện Maidan năm 2014.
Số tiền 3 tỷ USD tín dụng Nga cấp cho chính quyền Yanukovich hiện không biết bao giờ mới đòi được. Nhưng đó mới chỉ là một phần của thảm họa. Điều đáng nói nhất là quan hệ giữa Moskva và Kiev đã hoàn toàn đổ vỡ.
Vây tổng thống mới đắc cử của Moldova sẽ "giúp" Nga những gì?
Theo như lời của Trưởng ban vận động bầu cử của ông Dodon thì Nga sẽ là điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ tới của ông, nhằm vận động để hàng hóa Moldova quay lại thị trường Nga và... vay tiền - một điều mà Nga hiện rất khó để đáp ứng.
Cũng chưa chắc Moldova sẽ công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, vì có thể dẫn đến đối đầu với Ủy ban châu Âu (EC) và gây nên làn sóng biểu tình chống đối trong nước.
Thế còn vị tổng thống mới đắc cử của xứ sở hoa hồng thì sao?
Có thể ông Radev sẽ lại tiếp tục cho phép triển khai xây dựng đường ống khí đốt "Dòng chảy phương Nam" (đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy qua lãnh thổ Bulgaria, Serbia và Hungary).
Và hiện nay, khi vẫn là thành viên Liên minh châu Âu (EU), việc Bulgaria công nhận Crimea thuộc về Nga có xác suất cực thấp, nếu không nói là không thể xảy ra.
Còn tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thì trong các ưu tiên hàng đầu của ông vẫn chưa thấy đả động gì đến Nga. Thêm nữa, ông Trump chỉ hứa hẹn đưa "sự vĩ đại trở lại" với nước Mỹ, chứ không phải là với Nga.
Báo Gazeta kết luận :
"Hiện thời, khi mà Nga chưa trở thành một nền kinh tế hấp dẫn với các quốc gia khác, khi mà từ đó vẫn tiềm ẩn nguy cơ với các nước láng giềng (ở Moldova và Gruzia có những ai đó muốn thân thiết với Nga-thì đó là do họ muốn tiêu thụ hàng hóa ở thị trường rộng lớn này và đảm bảo cho mình không bị lặp lại số phận của Nam Ossetia, Crimea và Donbass), thì chưa có một cơ hội lợi ích thực sự nào cho Nga từ các vị tổng thống 'thân Nga' này."