Dù lo ngại, phương Tây cũng không thể từ bỏ Thổ Nhĩ Kỳ

Bùi Đàm Hương Vy |

Với vị trí địa lí đặc biệt, nằm ngay tại giao lộ của phương Tây và Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong các chiến lược của phương Tây.

Sự bất ổn của Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan

Theo tờ Telegraph của Anh, Thổ Nhĩ Kỳ với quy mô quân sự lớn thứ 2 trong khối NATO chính là con át chủ bài của phương Tây trong cuộc chiến phản đòn Nga, đồng thời đây là quốc gia có vai trò thiết yếu với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, và là "chốt chặn" dòng người tị nạn Syria vào châu Âu.

Bởi vậy, nếu âm mưu đảo chính đêm 15/7 thành công, phương Tây rất có khả năng thỏa thuận hiệp ước đối với chính quyền mới của Thổ Nhĩ Kỳ, giống như họ đã từng làm đối với chính quyền quân sự Pakistan sau năm 1999 và chính quyền quân sự Ai Cập sau năm 2013.

Theo tờ báo Anh, trong lịch sử khối NATO không thiếu những chính quyền độc đoán. Dễ dàng nhận thấy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã vượt qua thử thách lớn, giúp quyền lực của ông được củng cố vững chắc hơn.

Telegraph cho rằng, thực tế chứng minh những chính sách sai lầm và có phần độc đoán của Erdogan đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào những mối quan hệ căng thẳng với các đối tác vốn có.

Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria không những thất bại trong việc lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, ngược lại khiến cộng đồng người Kurd tại Syria ngày càng phản kháng mạnh mẽ hơn.

Dưới thời Erdogan, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Israel dường như đang dần rạn nứt bởi những mâu thuẫn. Việc ông ủng hộ phong tào "Anh em hồi giáo" cũng hủy hoại quan hệ trước đây được coi là hữu hảo với Saudi Arabia và Ai Cập.

Trong nước, Tổng thống Erdogan áp dụng những chính sách nghiêm ngặt, có phần độc đoán, làm dấy lên những lo ngại từ châu Âu và NATO.

Quân đội nước này luôn bị đặt trong tình trạng báo động, đặc biệt giữa bối cảnh tình trạng bất ổn ở khu vực phía Nam giáp với Syria tiếp tục kéo dài mà chưa hề có những bước đi tiếp theo để giải quyết.

Dù lo ngại, phương Tây cũng không thể từ bỏ Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Phương Tây lo ngại cuộc "thanh lọc" quân đội sau âm mưu đảo chính sẽ khiến chính phủ Erdogan trở nên độc đoán, trong khi tình hình quốc gia này bất ổn hơn do quân đội yếu đi. (Ảnh: AP)

Vai trò hết sức quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với phương Tây

Với việc mùa thu năm ngoái Nga đã thành công trong việc can thiệp vào Syria, cùng với thông báo từ chức của thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hồi tháng 5, mở đường cho Erdogan tiếp tục kiểm soát quyền lực, chắc hẳn các chính sách của ông sẽ có những thay đổi.

Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn gác lại những bất đồng trong quá khứ và hàn gắn mối quan hệ với Israel và Nga, đồng thời cũng có những dấu hiệu bình thường hóa quan hệ với chính quyền al-Assad, từ đó cũng khiến phe đối lập tại Syria phải lo ngại.

Bên cạnh đó, Ankara tiếp tục giữ mối quan hệ nồng ấm với nhà vua mới của Saudi Arabia, hòa giải với Ai Cập, Iraq và Iran. Đây được cho là những bước đi đúng đắn của ông Erdogan, theo Telegraph.

Vậy câu hỏi được đặt ra là: "Ông Erdogan vẫn sẽ tiếp tục áp dụng những chính sách này chứ?"

Dưới sự lãnh đạo của Erdogan, phương Tây phổ biến nhận thấy một thời kì cầm quyền bất ổn. Chắc chắn sẽ có thanh trừng trong quân đội sau âm mưu đảo chính bất thành, từ đó dẫn đến sự suy yếu về sức mạnh quân sự và kéo theo hàng loạt nguy cơ mới.

Tuy nhiên đối với những đối tác lớn của Ankara thì việc duy trì sự ổn định trong chính sách của nước này sẽ có lợi cho họ.

Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn sẽ dùng mọi cách để bảo vệ thỏa thuận lịch sử về di cư mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đạt được với ông Erdogan 4 tháng trước.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov nhất trí rằng, trong cuộc chiến tại Syria nên tập trung chống lại IS chứ không phải ông al-Assad, đồng thời hai nước này cũng mong muốn duy trì những thỏa thuận hòa bình đã được thống nhất với Thổ Nhĩ Kỳ.

Có một vấn đề chắc chắn chính là Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho lực lượng người Kurd tại Syria, điều mà Ankara phản đối. Và với việc IS ngày càng chịu sức ép lớn, chắc hẳn vấn đề này sẽ ngày một nghiêm trọng.

Theo Telegraph, rất có thể thế giới sẽ chứng kiến một thời kì gia tăng chuyên chế của chính phủ Erdogan. Tuy nhiên, điều mà NATO chú ý là thái độ của Ankara đối với Moscow.

NATO rất quan tâm liệu Ankara có chuyển dịch từ chính sách "đứng bên lề" trong năm 2015 sang tiếp nhận hoàn toàn lập trường của Nga hay không. Nếu xảy ra, điều đó có thể kéo NATO vào cuộc chiến với Moscow trong vấn đề Syria.

Telegraph bình luận, việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ - trái tim ngoại giao của khu vực - xoay chuyển theo chiều hướng chuyên chế có thể là phản ứng phù hợp trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

Chính phủ al-Assad ở Syria sắp giành phần thắng, hay tại các nước thành viên EU như Ba Lan, Hungary cũng xuất hiện những tín hiệu của chế độ kém tự do hơn.

Trật tự về an ninh, kinh tế và chính trị của phương Tây đang chịu áp lực lớn. Đây chính là sức ép giúp đưa Thổ Nhĩ Kỳ cùng các đối tác phương Tây xích lại gần nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại