Ngành du lịch mở cửa hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình hồi phục kinh tế nói chung cũng như tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp liên quan nói riêng. Vậy đâu là những nhóm ngành hưởng lợi từ câu chuyện mở cửa trở lại ngành du lịch kể từ sau ngày 15/3?
Sẽ cần thời gian để việc mở cửa trở lại ngành du lịch phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên với đặc tính phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thường sẽ có xu hướng phản ứng trước so với diễn biến của lợi nhuận.
Du lịch được kỳ vọng sẽ "phá băng" sau ngày 15/3.
Theo khảo sát của PV trên thị trường giao dịch chứng khoán cho thấy, thực tế diễn biến trong hai phiên gần đây, ngày 15 và 16/3, không phải cổ phiếu ngành du lịch nào cũng tăng giá. Ngoại trừ TCT của Cáp treo Núi Bà (Tây Ninh) và NVT của Ninh Vân Bay, không ít cổ phiếu chưa sẵn sàng cho sự trở lại.
Theo đó, TCT tăng giá 5 phiên liên tiếp khi đóng cửa phiên 16/3 ở mức giá 45.750 đồng/cp, trong khi đó NVT đã trải qua 3 phiên tăng trần, đạt 18.050 đồng/cp.
Còn cổ phiếu VTD giảm giá hai phiên liên tiếp với mức giảm 4,7% còn 25.200 đồng/cp; cổ phiếu VNG sau phiên tăng 0,56% ngày 15/3 cũng đã quay đầu giảm giá đúng bằng mức tăng của ngày hôm trước, đạt 35.150 đồng/cp; Cổ phiếu CTC sau phiên tăng trần cũng đã quay đầu giảm nhẹ trong phiên 16/3, đóng cửa còn 10.500 đồng/cp; Cổ phiếu DAH và OCH cũng giảm giá trong phiên 15/3 và đã tăng giá trở lại trong phiên hôm sau, trong đó OCH tăng 6,6% lên 16.200 đồng/cp;
Với nhóm cổ phiếu hàng không, HVN của Vietnam Airlines giảm giá hai phiên liên tiếp, còn 25.700 đồng/cp. VJC sau hai phiên tăng giá cũng đã quay đầu giảm 0,68% còn 147.000 đồng trong phiên 16/3. Trong khi đó, ACV sau chuỗi ngày giảm giá liên tiếp cũng đã tăng giá trở lại trong phiên 16/3 với mức tăng nhẹ 0,45% lên 89.600 đồng/cp.
Theo nhóm nghiên cứu của CTCK SSI, ngành du lịch mở cửa sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như: Du lịch, lữ hành; lưu trú du lịch (khách sạn, resort,..); và vận tải du lịch.