Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu QH dự thảo Luật Công an nhân dân (CAND) (sửa đổi) đã được chỉnh lý sau kỳ họp thứ 5 của QH .
Đáng chú ý, dự thảo luật dành một điều quy định về cấp hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND. Điều luật này cũng xác định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng.
Bộ trưởng Bộ Công an có cấp hàm đại tướng
Cụ thể, bộ trưởng Bộ Công an có cấp bậc hàm cao nhất là đại tướng; thứ trưởng là thượng tướng. Trung tướng là giám đốc Công an TP Hà Nội , giám đốc Công an TP.HCM , phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương.
Trợ lý bộ trưởng Bộ Công an; giám đốc công an tỉnh, TP trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng...
UBTVQH cho rằng việc xác định vị trí chức vụ có cấp hàm cấp tướng phải gắn với yêu cầu chỉ huy, chỉ đạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tăng cường trách nhiệm, vinh danh, ghi nhận vai trò, vị trí của sĩ quan...
Việc quy định vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng trong dự thảo luật cần nghiên cứu để quy định phù hợp với đề án đổi mới tổ chức bộ máy của Bộ Công an theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Riêng đối với cục trưởng các cục thuộc lực lượng an ninh, tình báo quy định khái quát như Luật CAND hiện hành để bảo đảm yêu cầu về tính chất hoạt động của lực lượng, đồng thời bỏ quy định cục đặc biệt tại các điều khoản liên quan.
Về vị trí chức vụ cục trưởng và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, UBTVQH thống nhất chỉ đạo xác định theo bốn nguyên tắc.
Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công an vừa triển khai thực hiện nghị định của Chính phủ quy định về cơ cấu, tổ chức, bộ máy của Bộ Công an; đang tiến hành xây dựng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc.
Do đó, đến thời điểm này chưa có căn cứ để xác định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm trung tướng, thiếu tướng trong dự thảo luật.
“UBTVQH sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ, sớm xác định cụ thể các vị trí chức vụ có cấp bậc hàm trung tướng , thiếu tướng trong dự thảo để trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6” - UBTVQH cho biết.
Bộ Công an sẽ tăng thẩm quyền và thực hiện phân cấp mạnh xuống công an cấp tỉnh khi tổ chức lại bộ máy. Ảnh: HTD
Giám đốc công an tỉnh hàm gì?
Một nội dung quan trọng khác, về cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh.
Ngoại trừ một số trường hợp có cấp bậc hàm cấp tướng (như dự thảo đã quy định), giám đốc công an tỉnh; giám đốc các bệnh viện trực thuộc bộ; hiệu trưởng các trường trung cấp có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung tiêu chí xác định giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm tướng, có quy trình, điều kiện chặt chẽ.
Trong khi ý kiến khác đề nghị tất cả giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng để phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quy mô tổ chức của công an cấp tỉnh, công tác quy hoạch trong CAND.
Một số ý kiến đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với giám đốc công an cấp tỉnh, TP là đại tá, bảo đảm tương đương với quân hàm của chỉ huy quân sự địa phương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
UBTVQH thấy rằng việc xác định giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cấp tướng cần thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Hiện nay, Bộ Công an tổ chức lại bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 22, theo đó sẽ tăng thẩm quyền và thực hiện phân cấp mạnh xuống công an cấp tỉnh. Do vậy, một số tỉnh có nhu cầu cấp tướng để chỉ đạo điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, nếu giám đốc công an một số tỉnh có cấp bậc hàm thiếu tướng sẽ không bảo đảm tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh ở địa phương.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện, số lượng tỉnh, TP được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có thể sẽ tăng lên dẫn đến số lượng cấp tướng tăng.
UBTVQH cho biết sẽ tiếp tục báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền (về quy định cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an tỉnh) để quy định cho phù hợp.
Sẽ có lộ trình xây dựng công an xã chính quy Theo dự thảo luật, hệ thống tổ chức của CAND bao gồm: Bộ Công an; công an tỉnh, TP trực thuộc trung ương; công an huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; công an xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý, dự thảo luật giao Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy. UBTVQH cho rằng chủ trương xây dựng công an xã, thị trấn chính quy là đúng đắn. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, có tính chất thay đổi căn bản so với hệ thống pháp luật hiện hành, liên quan đến toàn bộ hệ thống tổ chức và hoạt động của công an cấp cơ sở. Vì vậy, cần có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc chính quy công an xã vì hiện nay đang được tổ chức và thực hiện ổn định; nếu chính quy công an xã sẽ ảnh hưởng đến quan hệ phối hợp giữa công an xã với chính quyền địa phương, với ban chỉ huy quân sự xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương. Về việc này, UBTVQH cho rằng đây là chủ trương mới nhưng trên thực tế, Bộ Công an đã tổ chức điều động công an chính quy về thực hiện nhiệm vụ công an xã trong nhiều năm qua. Tại các xã, thị trấn đã bố trí công an chính quy về thực hiện nhiệm vụ công an xã, việc phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan cũng như việc thực hiện chế độ, chính sách ổn định, không có khó khăn, vướng mắc lớn. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như dự thảo luật. |