Việc mua quà về đã trở thành thói quen không còn xa lạ gì đối với mỗi chúng ta trong mỗi chuyến du lịch. Đó có thể là những món đặc sản tại điểm đến, hoặc đơn giản chỉ là những món quá nhỏ, mang ý nghĩa về tinh thần mà người mua muốn dành tặng cho bạn bè, người thân.
Tuy nhiên, những quy định khắt khe cùng với sự nghiêm ngặt trong quá trình kiểm tra của các hệ thống cũng như nhân viên an ninh ở sân bay khiến cho một số loại hành lý gặp phải trở ngại.
Mới đây, một sự việc xảy ra ở sân bay quốc tế Jaipur, bang Rajasthan, Ấn Độ đã khiến những người có mặt phải bất ngờ vì sự đáng yêu của vị hành khách lớn tuổi.
Cụ thể, ông Arun Bothra, người bang Odisha chuẩn bị lên máy bay trở về nhà sau chuyến du lịch. Tuy nhiên, khi đến cửa kiểm tra hành lý, một trong số những chiếc vali của ông bị vướng lại và không được thông qua bởi máy quét phát hiện có vật "khả nghi".
Cửa kiểm tra hành lý tại sân bay Jaipur, Ấn Độ. (Ảnh minh họa)
Ngay lập tức, các nhân viên sân bay yêu cầu ông mở vali để kiểm tra. Khi vừa mở ra, cảnh tượng lại khiến tất cả ... bật cười. Đó là trong toàn bộ chiếc vali nặng đến 10 kg của ông Arun, chỉ toàn là ... đậu tươi.
Ông Arun giải thích rằng, lý do đơn giản khiến ông mang tới 10 kg chỉ toàn đậu tươi bay 1800km (khoảng cách giữa bang Rajasthan và bang Odisha - nhà ông) chỉ là, thứ này ở đây rẻ hơn ở nơi ông sống.
Vali nặng đến 10kg đậu tươi được khách du lịch mua mang về chỉ vì chúng rẻ hơn ở nhà. (Ảnh Twitter)
Bài đăng về trường hợp "dở khóc dở cười" này trên Twitter đã nhận được hàng chục nghìn lượt thích và hàng ngàn lượt chia sẻ của cộng đồng mạng. Đa số mọi người đều cảm thấy vô cùng cảm thông, thấu hiểu và còn thấy một phần bản thân mình ở trong câu chuyện.
Tâm lý thấy đồ rẻ là sẽ mua nhiều đặc biệt là khi đi du lịch không chỉ có ở ông Arun mà là tâm lý chung của phần đông khách du lịch. Tuy nhiên trên thực tế, không phải thứ gì cũng có thể đem cho vào hành lý để cho lên chuyến bay. Điều này còn tùy thuộc vào quy định của từng chặng cũng như từng hãng máy bay.
Những hành lý như rau củ quả tươi, hay thực phẩm tươi sống cần có chế độ bảo quản và đóng gói riêng thì mới được phép thực hiện chuyến bay. Nếu hành khách không tìm hiểu kỹ và đảm bảo chắc chắn về việc hàng của mình có được bay hay không, thì sẽ không tránh khỏi những sự cố hy hữu như ở bài viết trên.
Thêm vào đó, việc mang theo quá nhiều hành lý nặng không cần thiết còn khiến chúng ta phải bỏ ra một khoản tiền lớn, thậm chí lớn hơn cả số tiền chúng ta nghĩ là tiết kiệm được, để mua "vé" cho hành lý.
Vào năm ngoái, 4 người Trung Quốc khi đi du lịch thấy cam rẻ nên cũng đã đến 30 kg cam mang về làm quà. Kết quả là họ phải đứng ở sân bay ăn hết chỗ cam đó trong 30 phút vì tiền cước phải trả khi mang cam lên máy bay còn đắt hơn tiền mua cam.
Theo The Times of India