Quán ăn Nhật tại Paris của người Trung Quốc
Tôi làm việc ở một tiệm bán đồ ăn Nhật. Tiệm nằm ở một khu du lịch sầm uất của Paris, ngay đằng sau trung tâm thương mại Lafayette và Printemps, điểm đến yêu thích để shopping "hàng hiệu" của khách châu Á.
Tuy là tiệm bán đồ Nhật nhưng nếu có khách Nhật vào tuôn một tràng thì nhân viên chỉ có đứng nhìn nhau cười: Chủ tiệm thì người Hoa, còn nhân viên hầu hết người Việt, số còn lại là người Hoa, người Lào, người Thái… Tuyệt nhiên không có ai người Nhật.
Hồi ấy đồ ăn Nhật đang là trào lưu ở Paris: những xâu thịt nướng hay những hộp sushi, maki với cá sống bắt đầu được biết đến rộng rãi và được ưa chuộng ở Pháp. Nhưng những cửa hàng Nhật xịn với cách làm việc thủ công, cầu kỳ thì không đủ sức đáp ứng nhu cầu của thị trường, chưa kể là giá rất đắt.
Lão chủ người Hoa của tôi là một người nhạy bén, lập tức thiết lập ra một hệ thống cửa hàng theo kiểu công nghiệp: Một dãy các cửa hàng nằm ở những vị trí du lịch hay khu công sở sầm uất, một cái bếp khổng lồ cung cấp hàng hóa cho tất cả những cửa hàng này và mọi thứ được sản xuất theo kiểu dây chuyền nhằm cung cấp đủ lượng hàng với giá cạnh tranh nhất có thể.
Tôi đã từng làm việc trong cái bếp ấy, mọi thứ đều công nghiệp, mọi thứ đều dây chuyền. Trong một căn hầm to quanh năm được giữ lạnh ở mức khoảng 4 độ C, những con cá ngừ, cá hồi hàng chục ký được qua một dây chuyền ba bốn đầu bếp chuyền tay nhau lọc xương, lột da, cắt thành miếng nhỏ.
Một cái máy mà một đầu, hai phụ bếp nấu cơm kiểu Nhật đổ vào, đầu kia, máy dập ra những miếng cơm nhỏ, hai người khác đứng xếp những miếng cá lên trên thành những miếng sushi hoặc quấn lá rong biển để làm maki…rồi xếp vào hộp. Những hộp nhỏ tám miếng, 12 miếng được xếp vào thùng carton to và được chuyển đi.
Cứ thế, ngày 14 tiếng, không ngừng tay, ai cắt cá cứ cắt cá, ai nấu cơm, xếp cá cứ thay nhau nấu cơm, xếp cá và đóng hộp.
Các xâu thịt nướng cũng được sản xuất kiểu dây chuyền như thế. Có một thời gian, tôi làm thợ cắt cá, ngày 12 tiếng, nghỉ hai tiếng ăn cơm trưa và tối. 10 tiếng đứng trong căn hầm ẩm thấp và lạnh lẽo, hai tay lúc nào cũng buốt đến nhức nhối vì cắt cá ướp lạnh.
Tôi ho sáu tháng liền, uống thuốc gì cũng không khỏi. Hôm nào về đến nhà cũng kiệt sức, nghĩ mình phải ngủ ngay, nhưng đêm nằm xuống giường, nghĩ đến hôm sau sáu giờ sáng đã phải bước xuống cái hầm lạnh ấy là không cách nào ngủ nổi, chỉ thiếp đi khi trời mờ sáng và đã quá mệt.
May mà một thời gian sau, lão chủ thấy tôi nhanh nhẹn và tiếng Pháp đã khá hơn, đưa tôi lên bán hàng.
Bán hàng thì cũng mệt chẳng kém, vì tiệm nằm tại khu du lịch, giá thuê mặt bằng đắt đỏ nên diện tích nhỏ xíu, chỉ có thể xếp tối đa ba người làm: vừa bán hàng, thu tiền, vừa phục vụ khách, thu dọn bát đĩa, rửa bát, lau nhà, nhận hàng… kiêm tất cả mọi việc.
Những thằng "lính mới" như tôi, lại là sinh viên, đi làm kiểu thời vụ thì bao giờ cũng bị "đì", làm nhiều nhất và những việc nặng nhất có thể. Nhưng tôi đã quen rồi, tôi không ngại. Tôi đang sức trẻ phơi phới, tôi lại đang yêu.
Người yêu tôi ở xa, tận London, và chúng tôi chẳng có điều kiện gặp nhau nhiều, mỗi tháng chỉ một, hai ngày ngắn ngủi, còn lại chỉ là trao đổi qua e-mail, điện thoại. Nhưng cũng có thể vì thế mà cuộc tình thêm lãng mạn, nhớ nhung thêm chồng chất và yêu thương nhau nhiều hơn.
Ngày nào tôi cũng chỉ mong chờ đến tối, xong việc là chạy ra cabin điện thoại để gọi điện cho em, cả ngày chỉ có lúc ấy là vui vẻ, là có ý nghĩa, còn thì tôi nghiến răng mà làm như cái máy.
Nói như thế không có nghĩa là tôi không vui vẻ, yêu đời và quan tâm đến mọi người khi làm việc. Đó cũng là những liều thuốc khiến công việc trở nên nhẹ nhàng hơn và thời gian qua nhanh hơn.
Trong quán, làm cùng tôi có hai anh lớn tuổi hơn, thời gian đầu cũng ma cũ bắt nạt ma mới, cũng đùn việc nặng cho tôi ra mặt, nhưng sau thấy tôi lúc nào cũng vui vẻ, tự nhận lấy việc nặng mà làm thì các anh đổi thái độ, cư xử dễ chịu hơn. Chỉ có buổi tối là nặng nề, lúc lão chủ đến, kiểm tiền và kiểm tra hàng thừa, thiếu.
Những hộp sushi ế
Bếp công nghiệp bắt đầu ngày làm việc từ rất sớm nên cũng đóng cửa sớm, khoảng sáu giờ tối là ngừng ra hàng để dọn dẹp, làm vệ sinh, trong khi các tiệm thì mở cửa đến chín, mười giờ tối.
Bởi thế mà đầu giờ chiều chúng tôi đã phải tùy theo tình hình thời tiết, lượng khách qua đường, dựa vào kinh nghiệm để ước lượng và đặt hàng số hộp sushi hay thịt nướng cho buổi tối. Đơn đặt hàng được gửi đi bằng Fax, và hàng chuyển đến theo đúng yêu cầu, không thay đổi được.
Nhưng việc buôn bán không dễ đoán trước, có hôm mưa gió, đường vắng tanh mà không hiểu khách ở đâu ra cứ kéo đến ùn ùn, chỉ tám giờ tối là chúng tôi hết hàng bán.
Lại có hôm trời đẹp, phố đầy người, các cửa hàng cũng đông đúc, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi chẳng có mấy khách, tám rưỡi tối là giờ gã chủ đến mà đồ ăn chất đầy khắp nơi. Mấy anh em tôi lo méo mặt.
Ít khi lão chủ vừa lòng, kiểu gì lão cũng không vừa lòng, bởi tiền đối với lão không bao giờ là đủ. Hết hàng sớm lão nhăn nhó, vì nghĩ lẽ ra có thể bán thêm vài chục hộp sushi. Hàng còn nhiều thì lão xót xa, chửi bới chúng tôi đặt hàng lãng phí, lát nữa lại phải mang vứt.
Ở Pháp, những quy định về vệ sinh thực phẩm hết sức nghiêm ngặt, đặc biệt với những đồ tươi sống.
Cá tươi còn nguyên con hay nguyên miếng lớn có thể được bảo quản lạnh để giữ đến hôm sau chứ cá đã cắt ra và đặt lên miếng cơm rồi thì vài tiếng sau, nếu không bán được cũng phải bỏ đi. Xót của lắm cũng phải vứt bỏ, nếu giữ lại mà bị kiểm tra thì chỉ có đường đóng cửa tiệm.
Mà hầu như tối nào cũng còn thừa. Bởi chúng tôi bao giờ cũng đặt dư một chút, trước giờ lão chủ đến nếu thấy nhiều quá thì giấu bớt vào một góc để lão không biết, chứ lão đến mà chúng tôi hết hàng, đứng đực mặt ra đấy thì lão chửi cho vuốt mặt không kịp.
Vả lại nếu có hàng, chỉ cần bán được một hộp thì phần lãi đã có thể bù cho nhiều hộp. Bởi thế mà tối nào cũng thừa hàng và phải vứt đi.
Có lần, gần cuối giờ, hàng còn chất đống. Có người đến mua, thấy còn nhiều hàng, gạ lão chủ bán rẻ đi một chút thì họ sẽ mua rất nhiều. Thế mà lão chủ nhất định không hạ giá lấy một xu. Tôi ngạc nhiên lắm, hỏi tại sao.
Lão chủ bảo nếu bán một lần như thế, lần sau khách cứ đợi đến cuối giờ mới đến mua, rồi đòi hạ giá thì còn buôn bán thế nào. Nghe cũng đúng thật. Buôn bán không đơn giản là vì thế.
Tôi lại hỏi: Đồ còn thừa, thay vì vứt đi, sao không làm từ thiện. Chả đâu xa, cuối phố, chỗ cửa sau của mấy cửa hàng lớn, buổi tối lúc nào cũng có cả đám vô gia cư đứng vật vờ, chết đói.
Lão chủ lại cười phá lên: "Mày ngố thật. Mày muốn làm người tốt bụng hả. Nói cho mày nghe, trong xã hội này, muốn làm người tốt bụng cũng khó lắm đó.
Đi bố thí cũng không đơn giản. Tao cho nó thì tao được cái gì? Mày chưa biết những thằng cùng đường đó đâu, mày mà cho nó chút cơ hội thì nó không dừng ở đó. Tao mà cho nó một lần, lần sau chưa đến giờ đóng cửa nó kéo cả họ nhà nó ra đứng chờ trước tiệm, khách nào dám vào?
Ấy là tao chưa nói mày cho chúng nó đồ, nó ăn mà bị đau bụng, dù trước đó nó ăn cái gì ai biết, nó kiện lên công an thì mày không sập tiệm cũng bị đóng cửa vài ngày để lấy mẫu đi kiểm tra, có phải là mày ngu không?"
Tôi chợt hiểu ra tại sao mỗi lần tôi đem đồ ra vứt vào mấy thùng rác lớn trước cửa tiệm xong, ông anh quản lý làm cùng lại chạy ra đổ lên trên thứ nước gì đó, chắc hẳn là để làm hỏng chỗ thức ăn, những người ăn xin muốn lấy cũng không ăn được.
(*) Nội dung tham khảo cuốn: Tôi và Paris- Câu chuyện một dòng sông. Tác giả: Hoàng Long.