Ngày 15/6 vừa qua, tỉ giá tham chiếu giữa đồng nhân dân tệ (NDT) và đồng USD đã rớt xuống dưới ngưỡng 6,6 NDT/USD, là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Trong một bài viết đăng trên tài khoản của mình ở trang sina.com ( Trung Quốc ), chuyên gia phân tích tài chính Dương Quốc Anh cho biết sau khoảng 5 tháng miễn cưỡng duy trì, cuối cùng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải thoái lui, khiến đồng NDT thất thủ ở ngưỡng 6,6 NDT/USD.
Bước thoái lui của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát đi tín hiệu quan trọng rằng đồng NDT một lần nữa sẽ bước vào xu thế phá giá với dự đoán bảo thủ là trong 3 năm, đồng NDT sẽ phá giá ít nhất là 16%, rồi bước vào “thời đại 8.0”, nghĩa là 8 NDT đổi 1 USD.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là tới cuối tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã bỏ ra 2.370 tỷ NDT để mua các tài sản ngoại tệ (vì không phải là thị trường tiền tệ tự do, cho nên, tất cả nguồn vốn nước ngoài sau khi vào Trung Quốc đều phải đổi ra NDT), giảm 11% so với mức 2.670 tỷ NDT của cùng kỳ năm 2015.
Đây là mức sụt giảm tương đối đáng lo ngại, càng làm rõ hơn tình trạng suy giảm của kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc.
Thống kê cho thấy trong tháng 5/2016, kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ còn 3.100 tỷ USD, giảm 900 tỷ USD so với mức 4.000 tỷ USD của hai năm trước, tương đương mức giảm là 23%.
Nếu tốc độ sụt giảm như vậy tiếp tục, trong 3 năm nữa, kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ còn 1.000 tỷ USD, nghĩa là trong 3 năm giảm từ mức tương đương 50% GDP trước đây xuống còn 10% GDP.
Theo chuyên gia Dương Quốc Anh, là một nước lớn mới nổi lại tạo dựng quá nhiều kẻ địch, một khi dự trữ ngoại tệ giảm xuống chỉ còn tương đương 10% GDP, Trung Quốc chỉ còn 2 con đường.
Một là trở thành “thuộc địa mới” của các nước phát triển, mất hoàn toàn quyền tự chủ về kinh tế.
Hai là trở lại với tình trạng bế quan tỏa cảng của 200 năm trước, giống như Triều Tiên ngày nay.
Bởi vì dự trữ ngoại tệ tiếp tục giảm mạnh trong khi kinh tế trong nước không ổn định, một khi dính đòn tấn công tài chính từ các nước phát triển, các “tử huyệt” của Trung Quốc sẽ bộc lộ hoàn toàn.
Tới khi đó, đừng nói tới việc rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, kinh tế Trung Quốc thậm chí sẽ quay về với thời điểm 20 năm về trước.
Các nước như Malaysia, Thái Lan đều rơi vào tình trạng như vậy khi khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 bùng nổ.