"Đu dây" giữa Mỹ - Trung, người phụ nữ này là bậc thầy của ông Duterte

Thủy Thu |

Không ồn ào như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, những động thái âm thầm của nữ chính trị gia này mới khiến Mỹ và Trung Quốc đều phải dè chừng.

Khi Tổng thống siêu cường muốn "bắt tay"

Ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế kéo dài gần hai thập kỷ qua đối với Myanmar bằng hình thức ký sắc lệnh hủy bỏ đạo luật tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Đây là lệnh trừng phạt áp đặt lên Myanmar dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton từ năm 1997 khi chính phủ Mỹ coi các chính sách của chính quyền quân sự trước đây ở Myanmar là mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Washington.

Theo giới phân tích, động thái của Mỹ nhằm cải thiện quan hệ và giành thiện cảm từ quốc gia Đông Nam Á đã bị cô lập kinh tế nhiều năm nay là nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, qua đó củng cố chiến lược "tái cân bằng châu Á", khẳng định vị thế lãnh đạo của Washington.

Đu dây giữa Mỹ - Trung, người phụ nữ này là bậc thầy của ông Duterte - Ảnh 1.

Mỹ đang muốn giành thiện cảm với Myanmar nhằm kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. (Ảnh: latitudenews.com)

Một số ý kiến cho rằng, qua chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8 của Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng ngoại giao Aung San Suu Kyi, quan hệ Myanmar với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực đã được cải thiện đáng kể.

Trung Quốc hiện đang đứng đầu danh sách những nước đầu tư vào Myanmar với các dự án trị giá 18 tỷ USD, trong khi đó đầu tư của Mỹ trong khoảng 20 năm qua chỉ ở mức 248 triệu USD.

Chính điều này đã khiến chính quyền Obama lo lắng, chính sách ngoại giao của Myanamar sẽ gây tổn hại đến lợi ích chiến lược của Mỹ ở châu Á.

""Myanmar đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm củng cố hệ thống dân chủ. Nước Mỹ quyết định sẽ dùng nhiều phương pháp khác nhau để giúp đỡ chính phủ và người dân Myanmar giải quyết những khó khăn này", Tổng thống Obama khẳng định trong một bức thư gửi tới Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Giới phân tích nhận định, trước sự nổi lên mạnh mẽ của Bắc Kinh, Washington đang đối mặt với áp lực nặng nề nhất từ trước tới nay.

Mỹ hiện không chỉ thắt chặt quan hệ với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Singapore mà vị trí của Myanmar đối với Mỹ cũng trở nên vô cùng quan trọng trong ván cờ cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quý bà Myanmar khéo léo trung lập

Ngày 8/10, truyền thông Myanmar cho biết, gần đây "siêu Bộ trưởng" Aung San Suu Kyi đang hối hả kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành đầu tư vào đất nước Đông Nam Á này nhằm thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa.

Hãng thông Mỹ Associated Press nhận định, với lệnh trừng phạt mới được dỡ bỏ từ Washington, lãnh đạo Myanmar thực chất muốn các doanh nghiệp Mỹ đầu tư một cách có trách nhiệm và cho thấy, thành công kinh tế sẽ là con đường hoàn hảo nhất giúp người dân và giới quân sự nước này tin vào chế độ dân chủ.

Đu dây giữa Mỹ - Trung, người phụ nữ này là bậc thầy của ông Duterte - Ảnh 2.

Trung Quốc cũng muốn giành ủng hộ của Myanmar để mở rộng, tăng cường vị thế trong khu vực. (Ảnh: rand.org)

Tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) phân tích, "siêu Bộ trưởng" Myanmar đã đưa ra chính sách ngoại giao vô cùng hoàn hảo. Trước đó vào tháng 8, bà đã có chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc - một quốc gia nằm ngoài khối ASEAN, nhằm kêu gọi sự ủng hộ của chính quyền Tập Cận Bình.

Đến tháng này, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Obama tuyên bố, từ nay về sau Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ lập trường của chính phủ mới tại Myanmar, cũng như ám chỉ hạn chế Naypyidaw ngả theo Bắc Kinh.

Một mặt, nền kinh tế trước đây của Myanmar gắn liền với lợi ích của chính phủ quân sự cũ và đa phần những chính sách kinh tế này đều nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ.

Trong khi đó, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi lại chủ trương phát triển kinh tế và thỏa mãn yêu cầu mở cửa đầu tư của giới doanh nhân trong nước.

Do đó, trong những cuộc đối thoại với quân đội nhằm sửa đối hiến pháp phù hợp với điều kiện mới, chính phủ của bà rất cần sự ủng hộ của nước Mỹ.

Mặt khác, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar và là nhân tố quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn trong cuộc xung đột giữa lực lượng vũ trang các dân tộc thiểu số với chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi.

Giới truyền thông Myanmar nhận định, Aung San Suu Kyi hy vọng duy trì trạng thái cân bằng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung.

Myanmar - Phillippines: Mục đích giống nhau, thể hiện khác nhau

Đu dây giữa Mỹ - Trung, người phụ nữ này là bậc thầy của ông Duterte - Ảnh 3.

Một mềm mỏng, một cứng rắn, ai mới là người khiến Mỹ và Trung Quốc phải "bối rối", dè chừng? (Ảnh: politics.com.ph)

Theo giới quan sát, trên thực tế phương thức ngoại giao của bà Aung San Suu Kyi và ông Rodrigo Duterte rất giống nhau. Dù là hoan nghênh hay "mắng nhiếc" nước Mỹ đều vì bảo vệ lợi ích quốc gia.

Trung Quốc đương nhiên là sự hậu thuẫn lớn nhất bảo đảm lợi ích kinh tế cho Myanmar và bây giờ, đến lượt Philippines cũng mong muốn điều tương tự. Do đó, hai nước này tuyệt đối không thể vì ủng hộ chiến lược "tái cân bằng châu Á" của Washington mà "đắc tội" với Bắc Kinh.

Với Myanmar, Aung San Suu Kyi tiến hành chuyến thăm tới Mỹ và Trung Quốc nhằm chứng tỏ, chính phủ mới của nước này sẽ tiếp tục đường lối "ngoại giao cân bằng, mềm mỏng" dưới thời cựu Tổng thống Thein Sein.

Trong tiến trình dân chủ hóa, Myanmar sẽ không quá "thân mật" với Mỹ mà chống đối lại Bắc Kinh. Bởi về hợp tác kinh tế, Trung Quốc rõ ràng đang chiếm lợi thế và có vai trò không thể thay thế, nhất là khi Myanmar tập trung phát triển cơ sở hạ tầng.

Ở vấn đề này, chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ khó thích nghi, Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á lại không đảm bảo nên bắt buộc Myanmar phải bắt tay với Trung Quốc, lợi dụng vai trò đầu tư của Bắc Kinh ở châu Á để cải thiện mặt bằng kinh tế tại Myanmar.

Đây là sự lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển kinh tế Myanmar trong tình hình hiện nay.

Với Philippines, mặc dù Tổng thống Duterte luôn đưa ra những phát ngôn gây sốc chọc giận Mỹ và thân thiện với Trung Quốc nhưng Manila sẽ không bao giờ đoạn tuyệt ngoại giao với Washington mà ngả hoàn toàn theo Bắc Kinh.

Đây là chiến lược ngoại giao cân bằng thông minh nhằm tồn tại giữa hai ông lớn Mỹ - Trung của chính phủ Duterte.

Dù cho tuyên bố mong muốn sẽ mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc nhưng vũ khí quân sự hiện nay của quân đội Philippines đều do Washington cung cấp.

Đây chỉ là chiêu bài "lườm rau gắp thịt" nhằm gây áp lực lên Mỹ để Philippines đạt được những điều khoản có lợi nhất trong hợp đồng mua bán vũ khí giữa Manila - Washington.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại