Trong tuyên bố ngày 14/4 sau cuộc không kích của liên quân Anh-Pháp-Mỹ nhằm vào Syria, Thượng tướng Sergei Rudskoi - Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết, Moskva sẽ cân nhắc khả năng cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Damascus.
Theo tờ Ynet News (Israel), tổ hợp S-300 được đánh giá là hiệu quả và tiên tiến hơn bất cứ hệ thống phòng không nào mà Syria đang có. Nó không chỉ đánh chặn được máy bay mà còn cả tên lửa đạn đạo và thậm chí tên lửa hành trình cách xa hơn 150km, ở độ cao lớn.
Trong một thời gian dài, Syria đã tìm cách mua các hệ thống tên lửa S-300 từ Nga, thậm chí Iran sẵn sàng tài trợ cho thỏa thuận này nhưng không thành công do Israel và Mỹ gây áp lực cho Moskva.
Ngoài ra, cho tới 3 năm trước đây, Nga vẫn né tránh việc chuyển giao cho Iran hệ thống phòng không S-300, dù Tehran đã ký thỏa thuận mua hệ thống tên lửa này 10 năm trước. Hợp đồng giữa 2 phía chỉ được xúc tiến sau khi Iran đồng ý ký thỏa thuận hạt nhân.
Bộ khí tài radar của tổ hợp S-300 xuất hiện trong cuộc duyệt binh của Iran năm 2016. Ảnh: FAR News
Tuy nhiên, theo Ynet News, qua nhiều năm, hệ thống phòng không dành cho Iran đã trở nên lỗi thời.
S-300 đã được Nga bán sang hơn 20 quốc gia trên khắp thế giới. Các thành phần công nghệ, cũng như tần số hoạt động của nó không còn nhiều tính bí mật.
Ngoài ra, một hệ thống lớn như vậy không dễ di chuyển hoặc cất giấu. Vì thế, mặc dù Nga đã nâng cấp S-300 vài lần trong những năm gần đây nhưng nó không còn được xem là một mối đe dọa “không thể vượt qua được” như 10 năm về trước.
Ynet News cho rằng, người Mỹ đã nắm được nhiều tính năng của hệ thống này và có thể cả Israel cũng vậy. Điều đó cho phép các nước phương Tây phát triển được phương thức phá vỡ và vô hiệu hóa năng lực của S-300.
Thế nhưng, nếu thực sự được cung cấp cho Syria thì S-300 vẫn là một nhân tố không thể xem nhẹ, bởi nó có thể đe dọa hoạt động hàng không dân sự và quân sự tại Israel, cũng như Jordan.
Việc S-300 có trong tay hệ thống này sẽ đòi hỏi Israel phải có những biện pháp đề phòng và ngăn chặn mà trước nay họ hầu như không phải triển khai.
Tờ báo của Israel dự đoán, có khả năng Syria sẽ lại đề nghị Iran tài trợ cho thỏa thuận mua S-300. Hiện Hy Lạp và Síp đều đã có phiên bản cũ hơn của hệ thống này. Đây là một tổ hợp vũ khí đắt đỏ và Nga có thể thu được lợi nhuận đáng kể nếu bán cho Syria.
Song, quá trình huấn luyện kíp vận hành sẽ mất một thời gian dài và người Nga có thể sẽ phát hiện ra họ đã phạm một sai lầm. Chẳng hạn, nếu Syria sử dụng S-300 để chống lại các máy bay chiến đấu của Không quân Israel và Israel quyết định phá hủy hệ thống này để trả đũa.
Điều đó sẽ làm tổn hại đến danh tiếng ngành công nghiệp vũ khí Nga - đây là điều Moskva không hề mong muốn. Họ tất nhiên cũng chẳng muốn thay người Syria vận hành hệ thống này theo hợp đồng phụ giữa 2 phía bởi như vậy quá rủi ro.
Nói chung, theo Ynet News, có lẽ Nga sẽ tìm cách bán S-300 cho Syria nhưng họ sẽ không vội vã làm điều đó và sẽ không cung cấp cho Syria phiên bản mới nhất.
Dù là tình huống nào thì trong bối cảnh Tổng thống Bashar Assad không có đủ nguồn tài chính, Nga và Iran sẽ phải chia sẻ gánh nặng để Damascus mua hệ thống trị giá hàng trăm triệu USD này. Còn Israel sẽ phải chuẩn bị và đảm bảo rằng họ đã có đủ mọi phương tiện để vô hiệu hóa mối đe dọa ấy.
Xuất hiện hình ảnh Iran lần đầu tiên bắn thử S-300 PMU-2