Apple, giống như nhiều công ty ở Mỹ, phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Trung Quốc để có thể tạo ra một số lượng lớn sản phẩm trong thời gian ngắn. Đối với công ty sản xuất iPhone, các mặt hàng "Lắp ráp tại Trung Quốc" bao gồm nhiều sản phẩm chính, từ các thiết bị hàng đầu như iPhone, iPad, Apple Watch và MacBook cho đến các phụ kiện và thiết bị ngoại vi.
Khi thuế quan mới được ông Trump áp đặt dần bao phủ một lượng lớn các sản phẩm trong danh sách kể trên, sự phụ thuộc của Apple vào việc sản xuất tại Trung Quốc đã khiến công ty rơi vào tình trạng khó khăn. Thuế quan trên AirPods, Apple Watch và HomePod sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/9 , trong khi thuế cho iPhone và iPad sẽ được áp dụng vào ngày 15/12 . Điều đó khiến Apple không có nhiều lựa chọn để xem xét.
Theo một số nhà phân tích dự đoán, Apple có thể tận dụng vị thế thị trường và khả năng nắm giữ đáng kể của mình để giảm các chi phí thuế quan. Ngoài ra, nó có thể chuyển những chi phí đó cho người tiêu dùng hoặc, theo tin đồn trong vài tháng qua , làm việc với các nhà cung cấp để chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc thông qua việc thành lập các cơ sở hoạt động ở Brazil, Ấn Độ và Việt Nam.
Nhưng theo báo cáo đánh giá về dữ liệu nhà cung cấp do Reuters biên soạn và đối chiếu, dựa trên việc phân tích 200 nhà cung cấp hàng đầu trong suốt 5 năm qua, thì có vẻ như Apple không có ý định đi chệch khỏi chiến lược kinh doanh hiện tại.
Tim Cook là CEO đã lựa chọn Trung Quốc để tạo ra một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ cho Apple và giờ chính ông cũng không thể thay đổi điều đó trong một sớm một chiều.
Theo báo cáo vừa công bố hôm qua 28/8, 3 đối tác cung ứng lớn nhất là Foxconn, Pegatron và Wistron đã liên tục mở rộng quy mô trong hơn 5 năm qua tại Trung Quốc để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của Apple. Theo ghi nhận, Foxconn đã tăng cường hoạt động từ 19 địa điểm trong năm 2015 lên 29 cơ sở vào năm 2019, trong khi Pegatron mở rộng từ 8 lên 12 địa điểm trong cùng thời gian.
Hơn nữa, các nhà cung cấp Trung Quốc chiếm một phần lớn trong việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu nhỏ và nguyên liệu thô như vỏ nhôm, dây cáp, chip, bảng mạch, thủy tinh... Tỷ lệ các mặt hàng nói trên tại Trung Quốc đã tăng từ 44,9% trong năm 2015 lên 47,6% vào năm 2019.
Tuy nhiên, các đối tác sản xuất của Apple cũng đang đầu tư vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Foxconn là công ty đầu tiên mở nhà máy lắp ráp thiết bị lớn ở Brazil vào năm 2011 , một động thái tiếp theo gần đây hơn ở Ấn Độ. Wistron cũng bắt đầu sản xuất một số mẫu iPhone ở Ấn Độ.
Nhưng như Reuters chỉ ra, các nhà máy ở Brazil và Ấn Độ nhỏ hơn đáng kể so với các đối tác Trung Quốc. Và quan trọng hơn là sản phẩm tạo ra không phục vụ nhu cầu quốc tế. Cả Brazil và Ấn Độ đều áp thuế cao và hạn chế thương mại đối với một số hàng hóa nhất định nhằm giảm sản lượng trong nước.
Apple - hay cụ thể hơn là các nhà sản xuất hợp đồng của họ - có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc để chuyển qua Brazil, Ấn Độ và thậm chí cả Việt Nam để tránh các tác động kích thích từ việc áp đặt thuế quan của tổng thống Mỹ. CEO Tim Cook cũng chia sẻ nhiều thông tin mập mờ về việc này, cũng như "kể khổ" với ông Trump về những khó khăn và Apple có thể gặp phải nếu các đợt áp thuế mới được đưa ra.
Tuy nhiên, điều đó không thay đổi được một sự thật là ngoài các ưu đãi về kinh tế, được cho là có tác động thúc đẩy quá trình sản xuất công nghệ ở Trung Quốc, thì vẫn còn một lý do tiềm tàng khác. Các thiết bị ngày càng phức tạp của Apple, sẽ không thể được tạo ra với một lực lượng lao động khác. Chính Tim Cook đã thừa nhận vấn đề này vào hai năm trước.
"Quan niệm phổ biến là các công ty đến Trung Quốc vì chi phí lao động thấp. Tôi không chắc họ đến vùng nào của Trung Quốc, nhưng sự thật là Trung Quốc đã ngừng là quốc gia có chi phí lao động thấp từ rất lâu", Cook chia sẻ trong cuộc phỏng vấn năm 2017 tại Diễn đàn toàn cầu Fortune. "Lý do để đến Trung Quốc không phải từ quan điểm nhà cung cấp, lý do là vì kỹ năng".
Ông khẳng định rằng điểm thu hút số một của Trung Quốc hiện nay chính là "chất lượng con người", ám chỉ đến các kỹ sư có tay nghề cao, có khả năng làm việc trực tiếp với các đối tác ở Mỹ để đưa sản phẩm của Apple ra thị trường. Điều mà ở thời điểm hiện tại và trong cả một thời gian không ngắn nữa, các quốc gia khác chưa thể có khả năng đáp ứng được.
Tham khảo Apple Insider