Sau 3 ngày xét xử, chiều 24/12, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa, đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Một số bị cáo được xem xét giảm nhẹ hình phạt
Theo đại diện Viện Kiểm sát, từ lời khai nhận tội của Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) tại toà, cùng Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai), Hoàng Thị Thúy Nga (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty IAC) và các bị cáo thuộc Công ty AIC, có đủ căn cứ xác định, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Thành đã 6 lần nhận tổng số tiền 14,5 tỷ đồng từ Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn để chỉ đạo, tác động đến Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), Bồ Ngọc Thu (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai), Phan Huy Anh Vũ, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế theo yêu cầu của Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Hành vi của bị cáo Thành gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 148,5 tỷ đồng, phạm vào tội “Nhận hối lộ”.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Trần Đình Thành khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình và người khác; ăn năn hối lỗi và tác động để gia đình nộp lại toàn bộ số tiền bị cáo đã nhận hối lộ.
Trước khi phạm tội, bị cáo có quá trình cống hiến và nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng. Hiện tại, bị cáo cao tuổi, sức khỏe yếu nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt quy định.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Trần Tâm).
Đối với bị cáo Đinh Quốc Thái, Viện kiểm sát nhận định, với cương vị là Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo công trình xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bị cáo nhiều lần nhận từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng, để ký quyết định phê duyệt, điều chỉnh dự án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án trái quy định của pháp luật, tác động Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu 16 gói thầu trái quy định của pháp luật.
Hành vi của Đinh Quốc Thái gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 148,5 tỷ đồng, phạm vào tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, là người cao tuổi, sức khỏe yếu. Trước khi phạm tội, bị cáo có quá trình cống hiến và có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng nên được xem xét hưởng các tình tiết giảm nhẹ.
Cũng theo Viện kiểm sát, với vai trò là Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, đại diện chủ đầu tư, Phan Huy Anh Vũ được giao trách nhiệm quản lý dự án nhưng Vũ đã nhiều lần nhận từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà với tổng số tiền 14,8 tỷ đồng.
Bị cáo này đã làm theo chỉ đạo của Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, trực tiếp thực hiện và chỉ đạo Phan Minh Trí thực hiện hành vi thông thầu giúp cho AIC trúng 16 gói thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nướchơn 152 tỷ đồng.
Hành vi của Phan Huy Anh Vũ phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình và người khác, ăn năn hối lỗi và tác động để gia đình nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ. Trước khi phạm tội, bị cáo có quá trình cống hiến và có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.
Lập Ban nội bộ để chi tiền "ngoại giao"
Theo bản luận tội, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) đã bỏ trốn, hành vi phạm tội của bị cáo được chứng minh bằng các tài liệu, chứng cứ như lời khai của Đinh Quốc Thái, Trần Đình Thành, Phan Anh Huy Vũ, Bồ Ngọc Thu, Lê Thị Hương (kế toán Công ty AIC), Đặng Minh Tâm (bộ phận quỹ Ban Thư ký tài chính Công ty AIC)...
Ngoài ra, dựa trên kết luận giám định chữ ký của Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên các báo cáo tài chính từ năm 2010-2013 và căn cứ kết quả nhận dạng của Vũ, Hương, kết quả thực nghiệm điều tra, có đủ cơ sở kết luận bị cáo Nhàn đã chỉ đạo lãnh đạo cùng các nhân viên làm quy trình 70 bước thực hiện dự án, trong đó có nhiều nội dung thực hiện thông thầu và gian lận trong đấu thầu để giúp Công ty AIC trúng thầu, thu lợi bất chính.
Bị cáo Nhàn còn thành lập Ban nội bộ để chi tiền cho các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ đầu tư. Cựu Chủ tịch AIC đã tác động, chi tiền cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Bồ Ngọc Thu, Phan Huy Anh Vũ để các bị cáo này giúp đỡ AIC xuyên suốt từ giai đoạn bố trí nguồn vốn mua sắm trang thiết bị y tế tại dự án Bệnh viện Đồng Nai đến việc được tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế cho Dự án Bệnh viện Đồng Nai.
Bị cáo này còn được xác định là thành lập, liên kết với các công ty "quân xanh" và các lãnh đạo nhân viên Công ty AIC thực hiện hành vi thông thầu để giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu với giá trang thiết bị đã được nâng khống từ 1,3 đến 2 lần, thu lợi bất chính đặc biệt lớn.
Cựu Chủ tịch AIC chỉ đạo Đỗ Văn Sơn, Lê Thị Hương sửa đổi báo cáo tài chính để Công ty AIC đủ điều kiện tham gia đấu thầu các gói thầu của Bệnh viện Đồng Nai, thuộc trường hợp gian lận trong đấu thầu...
Hành vi của Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 152 tỷ đồng, phạm vào tội “Đưa hối lộ” và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong phần tranh luận, luật sư Dương Văn Nghị, người được chỉ định bào chữa cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cho rằng, bị cáo này đã xuất cảnh từ giữa năm 2021, trước khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nhàn. Vì vậy, cơ quan điều tra chưa thể lấy lời khai của bị cáo trong quá trình truy tố hay xét xử. Chủ tịch AIC cũng không thể trình bày ý kiến của bản thân trước cáo buộc của cơ quan tố tụng.
Luật sư nói, Công ty AIC hoạt động đa ngành nghề, có tới hơn 100 danh mục kinh doanh. Vì vậy, bà Nhàn sẽ có rất nhiều việc phải quán xuyến, xử lý. Đối với những đầu việc, nhiệm vụ liên quan mua sắm thiết bị cho dự án xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn đã ủy quyền cho Phó Tổng giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga thực hiện. Theo luật sư, việc ủy quyền được thể hiện trong giấy ủy quyền, đảm bảo tính pháp lý.
Luật sư Nghị đề nghị HĐXX cân nhắc, đánh giá vai trò, vị trí của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án. Dẫn chứng cho quan điểm này, luật sư bào chữa cho Chủ tịch AIC trích dẫn 4 bút lục, lời khai của các cựu nhân viên AIC, thể hiện việc trong dự án, người chỉ đạo họ là bà Nga chứ không phải bà Nhàn.
Luật sư trình bày, thân chủ có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho xã hội trong quá khứ và được trao tặng nhiều bằng khen, đề nghị HĐXX xem xét các yếu tố trên để giảm nhẹ hình phạt cho bà Nhàn.
Trong phiên xét xử sáng 24/12, đại diện Viện kiểm sát nói, căn cứ lời khai của các bị cáo, tài liệu có trong hồ sơ, có thể khẳng định, hành vi phạm tội của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được chứng minh bằng lời khai của những người liên quan và các tài liệu khác.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã yêu cầu nhân viên Công ty AIC phải thực hiện quy trình 70 bước. Đây là quy trình để thực hiện việc thông thầu, gian lậu thầu, để thông đồng với chủ đầu tư, đảm bảo cho Công ty AIC dự thầu và trúng thầu, thu lợi bất chính.
Ngoài ra, bị cáo Nhàn còn chi tiền cho các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để những người này giúp đỡ Công ty AIC xuyên suốt quá trình tham gia dự thầu, trúng thầu các gói thầu trang thiết bị y tế cho dự án Bệnh viện Đồng Nai. Hành vi phạm tội của bà Nhàn đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng. Hành vi của bà Nhàn phạm vào tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hạu quả nghiêm trọng".
Hành vi đưa hơn 43 tỷ đồng cho những người có chức vụ ở tỉnh Đồng Nai của bà Nhàn đã phạm vào tội "Đưa hối lộ".
Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị mức án 30 năm tù
Chiều 24/12, sau 3 ngày xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị mức án 30 năm tù cho 2 tội danh “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) bị đề nghị mức án từ 10-11 năm tù; bị cáo Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) bị đề nghị từ 9-10 năm tù về cùng tội “Nhận hối lộ”.
Cựu Giám đốc bệnh viện Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ bị đề nghị 10-11 năm với tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 9-10 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Bị cáo Bồ Thị Ngọc Thu bị đề nghị 4-5 năm tù về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga bị đề nghị bồi thường cho UBND tỉnh Đồng Nai hơn 152 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Nhàn chịu trách nhiệm bồi thường 2/3 mức tiền trên, Hà và Nga phải khắc phục 1/3.
Đối với số tiền các bị cáo nhận hối lộ và hưởng lợi bất chính, Viện kiểm sát đề nghị tịch thu, tổng là 57 tỷ đồng.