Nguy cơ tới môi trường
Theo các quan chức Liên Hợp Quốc, kế hoạch khai thác mỏ lớn nhất trong lịch sử Papua New Guinea có nguy cơ hủy hoại môi trường, "coi thường quyền con người" và có thể gây thiệt hại tới tính mạng người lao động.
Cụ thể, theo Guardian, 10 báo cáo viên đặc biệt của LHQ đã viết thư với "mối quan ngại đặc biệt" gửi tới các chính phủ Papua New Guinea, Australia, Trung Quốc, Canada và các nhà công ty Trung Quốc có kế hoạch khai thác các mỏ vàng, mỏ đồng và mỏ bạc ở sông Frieda thuộc miền bắc Papua New Guinea.
Hồi tháng 7, Baskut Tuncak - báo cáo viên đặc biệt của LHQ về chất thải độc hại - và 9 quan chức cấp cao khác của LHQ đã cùng gửi thư "để bày tỏ mối quan tâm nghiêm túc về các mối đe dọa tiềm tàng và thực tế đối với cuộc sống, sức khỏe, nguồn nước và nguồn thực phẩm của người dân”.
Các lá thư yêu cầu các chính phủ và công ty PanAust trả lời các câu hỏi chính, bao gồm cả cáo buộc về việc không cung cấp đủ thông tin hay nhận được sự đồng ý của người dân bản địa về quá trình khai thác mỏ.
Người dân phản đối xây mỏ ở sông Frieda. Ảnh: Guardian
Nếu được thông qua, đây sẽ là mỏ lớn nhất lịch sử Papua New Guinea và là một trong những mỏ khai thác khoáng sản lớn nhất thế giới với diện tích 16.000 héc-ta. Dự án dự định sẽ xây mỏ này trên sông Frieda - một nhánh của sông Sepik ở phía bắc Papua New Guinea - và sẽ khai thác lượng vàng, bạc và đồng với giá trị khoảng 1,5 tỉ USD/1 năm trong vòng hơn 30 năm.
Công ty PanAust - phía đầu tư 80% cho dự án - là một công ty khai thác khoáng sản Australia nhưng sau đó đã được sở hữu bởi Cơ quan Quản lý Tài sản Tăng trưởng Quảng Đông, Trung Quốc.
Khả năng vỡ đập
Nhiều người lo ngại rằng việc xây một con đập với sức chứa 1.500 tấn để chứa chất thải của mỏ có thể là nguy cơ lớn. Nếu vỡ đập, nhiều ngôi làng ở hạ lưu sông sẽ bị phá hủy.
"Chúng tôi vẫn lo ngại rằng thông tin quan trọng về đập chứa chất thải, bao gồm cả phân tích vỡ đập đã không được công bố công khai cũng như không được cung cấp cho các thành viên cộng đồng bị ảnh hưởng," ông Tuncak nói.
“Khu vực được đề xuất xây dựng đập là vùng xuất hiện nhiều hoạt động địa chấn. Nguy cơ xảy ra động đất lớn gây hư hỏng đập sẽ còn tồn tại trong hàng triệu năm. Mặc dù những người đề xuất đánh giá nguy cơ thảm họa là 'rất khó xảy ra', nhưng sự cố vỡ đập chất thải sẽ khiến các chất độc hại gây ra hậu quả thảm khốc, bao gồm thiệt hại về người và cho môi trường".
Dự án mỏ ở sông Frieda hiện đang trong giai đoạn xét duyệt cuối cùng. Nghiên cứu tác động môi trường (EIS) do PanAust trình lên sẽ được đánh giá bởi cơ quan bảo tồn và môi trường của chính phủ Papua New Guinea (CEPA).
Nhiều người sống dọc sông Sepik đã lên tiếng kiên quyết phản đối dự án xây mỏ này. Vào tháng 6, một số các đại diện của người địa phương đã thay mặt 78.000 người sống quanh khu vực sông Sepik chính thức kêu gọi dừng xây dựng khu mỏ.
Một sinh viên đại học tên Vernon Gawi nói: "Tôi lớn lên cùng dòng sông, đã uống nước sông, bắt cá và nhận được lương thực từ vùng này. Tôi lo lắng về thế hệ tương lai của mình, nếu mỏ được xây dựng, con cháu chúng tôi sẽ còn lại gì?"
Trong khi đó, trong bản đánh giá về tác động môi trường đối với mỏ ở sông Frieda, công ty PanAust nhận định rằng "dự án xây dựng mang quy mô quốc gia sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế xã hội và thương mại lớn cho Papua New Guinea".
Kế hoạch khai thác mỏ cũng bao gồm xây dựng một nhà máy thủy điện, lưới điện, nâng cấp đường xá, sân bay và cảng biển. Công ty PanAust nói sẽ "kết nối sâu rộng trong nhiều thập kỉ" với những người bị ảnh hưởng bởi khu mỏ, tạo các buổi cung cấp thông tin ở gần 140 ngôi làng với sự tham gia của hơn 18.000 người.