Nếu hoàn thiện, đây sẽ tòa nhà cao thứ hai Hà Nội (sau Keangnam). Theo đánh giá của ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Vietinbank, đây là dự án đầu tư xây dựng quan trọng nhất.
Sau khi hoàn thành thì Vietinbank sẽ là nhà băng có cơ sở vật chất hiện đại nhất tại Việt Nam cũng như trong khu vực ASEAN.
Ông Thọ cho biết sẽ cân đối nguồn lực phù hợp để hoàn thiện dự án này một cách sớm nhất. Theo đó, thời gian dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2017 và muộn nhất vào đầu năm 2018.
"Bên cạnh đó, đơn vị đã tính toán rất kỹ lưỡng cũng như kiểm soát chặt chẽ các chi phí trong quá trình hoàn thiện. Hy vọng các chi phí nằm trong mức đã được phê duyệt trước đây.
Chất lượng tòa nhà sẽ đảm bảo và phản ánh được vị thế cũng như chiến lược phát triển của Vietinbank", ông Thọ cho hay.
Với số vốn đầu tư lên đến 400 triệu USD, dự án tòa tháp VietinBank tại khu đô thị Ciputra tại quận Tây Hồ (Hà Nội) được cho là tổ hợp tài chính ngân hàng, khách sạn đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Ngân hàng Công thương chính là chủ đầu tư dự án.
Công trình bắt đầu khởi công từ tháng 5/2010 trên nền diện tích sử dụng 300.000 m2. Hiện đang trong quá trình xây dựng.
Tổ hợp công trình nói trên có 2 thòa tháp. Tòa thứ nhất cao 68 tầng, là trụ sở chính của ngân hàng Công thương (VietinBank).
Tòa thứ hai cao 48 tầng và là khu tổ hợp của khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp cho thuê.
Điểm nhấn của công trình này là quán bar kim cương trên nóc tòa nhà và thiết kế các tầng phía trên theo hình chữ V - biểu trưng của VietinBank.
Trước đó, VietinBank Tower dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014 và trở thành tòa nhà cao thứ hai Hà Nội, sau Keangnam. Tuy nhiên, sau 6 năm, công trình vẫn đang trong quá trình thi công.
Vietinbank Tower được biết đến là dự án triệu đô "siêu đình đám" ở Việt Nam với thông tin nhà băng này có nguy cơ mất trắng gần 1.000 tỷ đồng.
Năm 2007, ông Phạm Huy Hùng, Tổng giám đốc Vietinbank đã ký biên bản ghi nhớ với đối tác PAP (Singapore) thực hiện dự án xây dựng tòa nhà tại Ciputra.
Theo đó, tỷ lệ vốn của Vietinbank là 28% (bằng quyền sử dụng đất) và Pap là 72%.
Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo, mặt bằng giá thị trường lên cao kéo theo giá trị quyền sử dụng đất thuê mà Vietinbank dự định góp vốn vào liên doanh tăng lên 50% tổng giá trị dự án.
Nhà băng này đã có văn bản trình lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được chấp thuận mức góp vốn 50%.
Ngày 7/2/2008, đối tác Singapore quyết định ngừng liên doanh Vietinbank vì chưa thống nhất được quan điểm.
Tuy nhiên, trước đó 5 ngày, Vietinbank đã ký hợp đồng thuê đất với Ciputra với tổng số tiền thuê đất là 849 tỷ đồng.
Cuối tháng 2008, HĐQT Vietinbank kiến nghị tìm kiếm đối tác liên doanh. Tuy nhiên, sau một năm không chọn được đối tác, nhà băng này quyết định thực hiện dự án theo hướng tự bỏ vốn đầu tư 100%.
Trong văn bản trước đó Vietinbank gửi Thống đốc NHNNVN, dự án hình V được báo cáo dự định là một tổ hợp thương mại bao gồm tháp văn phòng, khu khách sạn cao cấp, căn hộ cho thuê và khu siêu thị thương mại.
Những điều này làm dấy lên nghi ngờ nhà băng này và cá nhân TGĐ Phạm Huy Hùng kinh doanh bất động sản, gây thiệt hại lớn cho đơn vị này.
Với hơn 2 năm lô đất lại bị bỏ hoang, số lãi từ khoản tiền thanh toán cho Ciputra gần 200 tỷ đồng cùng với số tiền thuê đất 849 tỷ, nhiều thông tin cho biết Vietinbank mất trắng hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại diện nhà băng này đã lên tiếng phản bác thông tin trên và cho biết, đơn vị mới trả cho Ciputra 102,1 tỷ đồng, còn phần lớn số tiền thuê đất vẫn đang được giữ tại tài khoản phong tỏa ở Vietinbank - Chi nhánh Hà Nội.
Bên cạnh đó, Vietinbank khẳng định không chủ trương đầu tư kinh doanh bất động sản và quyết tâm sử dụng mảnh đất này để xây dựng trụ sở chính.