Nguồn lực thấp xa so với nhu cầu phát triển
Một trong những khó khăn lớn nhất trong hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội hiện nay là thiếu vốn. Ảnh minh hoạ.
Nhận định nguồn lực ngân sách Nhà nước (NSNN) của Hà Nội còn hạn hẹp, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích từ những con số thực tiễn như dự toán NSNN năm 2023, thu NSNN trên địa bàn chỉ 352,9 nghìn tỷ đồng, song thu ngân sách địa phương được hưởng chỉ có hơn 99 nghìn tỷ đồng, trong đó 36,5 nghìn tỷ đồng ngân sách địa phương được hưởng 100% còn hơn 62,6 nghìn tỷ đồng là phân chia với ngân sách Trung ương với tỷ lệ giữ lại là 32% (tỷ lệ này của thành phố Hồ Chí Minh là 21%).
Về dự toán chi cân đối ngân sách địa phương, năm 2023, thành phố Hà Nội chỉ có 99,9 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả 728,7 tỷ đồng bội chi ngân sách địa phương), trong khi dự toán chi ngân sách địa phương của thành phố Hồ Chí Minh tương đương Hà Nội, song bội chi gấp hơn 10 lần, lên đến 9.316 tỷ đồng. Dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho Hà Nội năm 2023 cũng chỉ có hơn 5.170 tỷ đồng, bằng hơn 1/3 so với con số tương ứng tới hơn 15.606 tỷ đồng của thành phố Hồ Chí Minh.
"Rõ ràng, cơ chế chính sách tài chính cũng như nguồn lực dành cho Thủ đô còn hạn chế, thấp xa so với nhu cầu phát triển Hà Nội trong điều kiện bình thường, chứ chưa nói đến thực hiện Quy hoạch Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050. Ngay cả so với những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù dành cho thành phố Hồ Chí Minh quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 thì cơ chế, chính sách dành cho Thủ đô cũng hoàn toàn chưa tương xứng", ông Vũ Đình Ánh nêu trong tham luận gửi tới Hội thảo khoa học về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vừa tổ chức tại Hà Nội.
Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các nội dung về thu hút nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô được quy định tại Chương IV, từ Điều 37 đến Điều 45, nhằm tạo nguồn lực cho việc đầu tư, phát triển hạ tầng, đô thị, nhà ở, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường của Thủ đô.
Các quy định theo hướng đẩy mạnh phân quyền trong lĩnh vực đầu tư, đơn giản hóa quy trình thủ tục đầu tư, tăng cường biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đa dạng hóa mô hình, phương thức đầu tư mới, qua đó giúp thu hút đầu tư xã hội để hỗ trợ cho nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, tài sản công nhằm thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, hiện đại.
Việc xây dựng các quy định này cũng là bước cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng phát triển Thủ đô và các chủ trương, chính sách về phát triển đô thị nói chung. Một số quy định được kế thừa, tiếp thu các quy định về cơ chế, chính sách đang được thí điểm tại Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, như việc tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công nhóm B, C; đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; thực hiện hình thức hợp đồng BT hay thu hút nhà đầu tư chiến lược…
Quyền năng hành chính phải đi liền tài chính
TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhận định, các quy định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp nêu trên nếu được thông qua sẽ có tác động rất lớn tới việc huy động, sử dụng nguồn vốn đầu tư, ngân sách Thủ đô. Điều này không gây mâu thuẫn với các quy định hiện hành, thay vào đó, sẽ tăng tính chủ động, đánh thức tiềm năng rất lớn hiện có của thành phố.
Qua nghiên cứu, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo liên quan đến nguồn lực tài chính và sử dụng nguồn lực tài chính của thành phố Hà Nội với nguyên tắc vừa đảm bảo tính đặc thù, vượt trội, vừa hài hòa với các quy định của pháp luật có liên quan.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng kiến nghị cơ chế phân cấp, phân quyền cho Hà Nội nên theo mô hình bổ trợ, tức những lĩnh vực, nội dung mà Hà Nội có thể thực hiện được thì phân quyền cho thành phố. Theo mô hình này, Hà Nội sẽ tự giải quyết một loạt nội dung công việc trong thẩm quyền của mình như phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, quy hoạch, cấp giấy phép… mà không phải xin ý kiến các cấp, tránh sự chồng chéo, tốn thời gian.
"Việc phân quyền năng hành chính phải đi liền về phân quyền tài chính. Điều này có nghĩa phải phân quyền cho Hà Nội có những nguồn thu của mình. Ngoài ra, với những nguồn phân bổ từ Trung ương, cần tăng quyền tự quản bằng cách chi tiêu như thế nào thuộc về trách nhiệm của chính quyền Hà Nội", ông Nguyễn Sĩ Dũng nêu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lưu ý, nguồn vốn ngân sách nhà nước được xác định chỉ là vốn "mồi" cho các nguồn lực ngoài ngân sách, gồm cả nguồn lực trong nước và nước ngoài. Để huy động được đa dạng các nguồn lực, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như phối hợp nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ngoài ngân sách.
"Hà Nội là địa phương duy nhất trong cả nước có Luật riêng cho mình. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi này thì cũng có điểm bất lợi là nguyên tắc trong thiết kế luật không thể đưa vào những nội dung cụ thể. Những quy định cụ thể chỉ được đề cập đến trong các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các địa phương. Do đó, để cụ thể hoá Luật Thủ đô, ít nhất cần ban hành một số nghị định cụ thể liên quan đến tài chính, các sắc thuế, hay có thể chỉ liên quan đến một nội dung cụ thể như thu và sử dụng phí thu vỉa hè…", ông Vũ Đình Ánh kiến nghị.