Đột phá tại G7: Gỡ bỏ mọi cản trở, mâu thuẫn hạt nhân Iran sẽ được hòa giải bằng "phép màu"?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Cố gắng trung gian hòa giải của tổng thống Pháp Macron nhằm góp phần làm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đã mang lại kết quả tích cực, mặc dù mới chỉ là bước đầu.

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất gọi tắt là G-7 đã họp tại thành phố Biarritz (Pháp) từ ngày 24-26/8/2019. Hội nghị đã không đạt được thỏa thuận trong nhiều vấn đề như cuộc chiến thương mại, cải tổ Tổ chức thương mại thế giới, giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực, biến đổi khí hậu, quan hệ với Nga...

Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân Iran và quan hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo này lại trở thành tâm điểm của Hội nghị và đạt được đồng thuận giữa các nước tham gia.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA tháng 5/2018, nhóm G-7 đã thảo luận và đạt được đồng thuận về sự cần thiết phải duy trì Thỏa thuận này.

Những cố gắng hòa giải của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Đáng lưu ý, các cố gắng trung gian hòa giải của Tổng thống nước chủ nhà Pháp Emmanuel Macron nhằm góp phần làm hạ nhiệt trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đã mang lại kết quả tích cực, mặc dù mới chỉ là bước đầu.

Đây có thể được coi là một bước đột phá về ngoại giao làm tan băng trong quan hệ giữa Iran với Mỹ và châu Âu khi nước chủ nhà Pháp đã mời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, người vừa mới đây bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt đến Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp G-7 họp tại Biarritz.

Đột phá tại G7: Gỡ bỏ mọi cản trở, mâu thuẫn hạt nhân Iran sẽ được hòa giải bằng phép màu? - Ảnh 2.

Tổng thống E. Macron đã có các cuộc hội đàm sâu rộng với Ngoại trưởng J. Zarif với sự tham gia của các quan chức cao cấp Đức và Anh nhằm giải quyết các vấn đề khúc mắc, tạo điều kiện để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Iran H. Rouhani.

Đây cũng là lần đầu tiên Iran đánh giá tích cực sáng kiến của Pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.

Trong cuộc gặp gỡ này, các bên đã thảo luận một loạt các vấn đề, trong đó Pháp, Đức và Anh là các bên ký kết JCPOA cam kết thực hiện các nghĩa vụ của mình, đặc biệt là nối lại việc nhập khẩu dầu của Iran, cơ chế thanh toán ngân hàng... và Iran đồng ý quay trở lại thực hiện các cam kết của mình, từ bỏ kế hoạch làm giàu và dự trữ Uranium.

Ông E. Macron trong cuộc gặp Tổng thống D. Trump đã đề nghị Mỹ giảm các biện pháp trừng phạt đối với Iran để tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống D. Trump và Tổng thống H. Rouhani.

Những đề nghị trên đã được các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh G-7 Biarritz đồng thuận.

Một điều đáng khích lệ là mặc dù việc Ngoại trưởng Iran J. Zarif được mời đến G-7 được coi là một sự kiện bất ngờ, Tổng thống D. Trump không biết trước, nhưng ông không những đã không phản ứng gay gắt, mà ngược lại đã có những phát biểu tích cực như "sẵn sàng gặp Tổng thống H. Rouhani, không có ý định thay đổi chế độ Tehran, muốn Iran trở thành một quốc gia hùng cường và giàu có...".

Đáp lại, ngay sau đó Tổng thống H. Rouhani đã phát biểu trên truyền hình nhà nước Iran tỏ "sẵn sàng gặp bất cứ ai có thể đem lại lợi ích cho Iran."

Trong cuộc họp báo sau khi Hội nghị G-7 bế mạc, Tổng thống D. Trump nói : "Đối với Mỹ có hai điểm rất quan trọng, thứ nhất là Iran không bao giờ được có vũ khí hạt nhân, thứ nhì là Iran không bao giờ được đe dọa sự ổn định ở khu vực."

Về đòi hỏi này của Washington, Ban lãnh đạo Iran đã nhiều lần khẳng định không theo đuổi chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân, lãnh tụ tối cao, đại giáo chủ Ayatollah Khamenei đã ban hành án lệnh Fatwa cấm tuyệt đối vũ khí hạt nhân, đồng thời Iran cũng đã đề nghị ký một Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Iran với các nước Ả Rập vùng Vịnh.

Đột phá tại G7: Gỡ bỏ mọi cản trở, mâu thuẫn hạt nhân Iran sẽ được hòa giải bằng phép màu? - Ảnh 3.

Như vậy, có thể nói quan điểm của Mỹ và Iran về cơ bản đã có nhiều điểm trùng hợp với nhau. Với tất cả những gì diễn ra tại thượng đỉnh Biarritz, Tổng thống E. Macron tỏ ra rất lạc quan về khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Rouhani sẽ diễn ra sớm.

Trước đây đã có nhiều cố gắng trung gian hòa giải để đưa Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Iran đến một cuộc gặp thượng đỉnh, nhưng không thành công. Lần này có nhiều khả năng cuộc gặp sẽ diễn ra sớm bởi vì các cản trở chính cho cuộc gặp về cơ bản đã được dỡ bỏ và bầu không khí thuận lợi đã được tạo ra sau cuộc họp của "các ông lớn" tại Biarritz.

Cả Mỹ, Iran và châu Âu hiện nay đều muốn có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Iran

Tình hình hiện nay phản ánh tình trạng bế tắc của Mỹ. Washington đã đưa một lực lượng quân sự lớn khổng lồ đến khu vực, sử dụng "chiến lược gây sức ép tối đa", đe dọa tấn công Iran, nhưng vẫn không không giải quyết được vấn đề gì và không làm thay đổi được quan điểm cứng rắn của Tehran.

Đề nghị của Mỹ về việc thành lập một liên minh quốc tế để đảm bảo an ninh hàng hải ở vùng Vịnh đến nay cũng không thực hiện được.

Một cuộc chiến tranh chống Iran sẽ không được người dân Mỹ cũng như các đồng minh châu Âu của Mỹ ủng hộ. Tổng thống D. Trump nhận thấy rằng, cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran chỉ có thể giải quyết được bằng các cuộc thương lượng hòa bình.

Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ đang đến gần, ông D. Trump rất cần có một tiến bộ nào đó trong quan hệ với Iran để nói với cử tri Mỹ.

Về phần mình, Iran đang phải đối phó với các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước tới nay của Mỹ. Các biện pháp trừng phạt này đang hủy hoại nền kinh tế và gây khó khăn chưa từng có cho người dân, chính quyền Iran không thể để tình trạng này kéo dài mãi được và muốn thoát ra khỏi những khó khăn hiện nay, không có cách nào khác là phải đối thoại với Mỹ.

Đột phá tại G7: Gỡ bỏ mọi cản trở, mâu thuẫn hạt nhân Iran sẽ được hòa giải bằng phép màu? - Ảnh 5.

Các nước châu Âu không muốn căng thẳng với Iran và tìm mọi cách để giữ được Thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Các nước này cam kết thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với Iran. Như vậy, có thể nói cánh cửa đã rộng mở cho một cuộc đối thoại giữa Iran và Mỹ.

Đây là những dấu hiệu tích cực, mở ra tia hy vọng về khả năng tổ chức cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ-Iran sắp tới.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ. Tại Iran, phe theo đường lối cứng rắn không mặn mà gì với cuộc đối thoại với Mỹ. Họ vẫn kiên quyết đòi Mỹ phải đi bước đầu tiên, dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt kinh tế "sai lầm, bất hợp pháp" chống Iran.

84 trong số 290 đại biểu Quốc hội Iran phê phán thái độ mềm mỏng của Tổng thống H. Rouhani trong quan hệ với Mỹ. Theo cơ chế quyền lực ở Iran, quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Đại giáo chủ Ayatollah Khomenei.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Iran sẽ giải quyết được nhiều vấn đề không chỉ trong quan hệ giữa hai nước mà còn góp phần khôi phục lại hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực vùng Vịnh nói riêng và Trung Đông nói chung. Chưa lúc nào lại có các điều kiện thuận lợi như hiện nay để tổ chức cuộc gặp Trump-Rohani. Mỹ và Iran cần tỏ thiện chí và không nên bỏ lỡ cơ hội này.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại