Đồng phục biển quảng cáo: "Dáng dấp của thời kinh tế bao cấp"

Đình Phương |

Đây là ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức khi nói về quy định màu sắc biển hiệu quảng cáo trên đường Lê Trọng Tấn.

Đồng bộ màu sắc quảng cáo là vi phạm tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp

Trao đổi với luật sư Võ Trí Hảo về vấn đề tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn – Hà Nội đồng bộ hóa biển quảng cáo, ông cho biết:

"Nhãn hiệu là dấu hiệu để đảm bảo phân biệt dịch vụ hàng hoá lẫn nhau. Theo điều 72 khoản 1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung2009, hợp nhất 2013 thì nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.

Để được bảo hộ nhãn hiệu, chủ sở hữu phải đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Nếu bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng ba màu trắng – xanh – đỏ như quy định về biển hiệu trên đường Lê Trọng Tấn sẽ đẩy doanh nghiệp vào hai tình huống.

Đồng phục biển quảng cáo: Dáng dấp của thời kinh tế bao cấp - Ảnh 1.

 Ảnh: Kênh 14.vn

 Ở tình huống thứ nhất, nếu tuân thủ quy định của chính quyền, doanh nghiệp sẽ sử dụng những màu khác với màu họ đã đăng ký ở Cục sở hữu trí tuệ và có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng. Họ có thể bị các cơ quan chức năng xử phạt.

Mặt khác, nhãn hiệu là xem là một loại tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu. Để có được nhãn hiệu này, chủ sở hữu đã phải dày công xây dựng.

Như vậy, trong trường hợp này, buộc thay đổi màu sắc kể cả trong trường hợp mà doanh nghiệp chấp nhận thay đổi để được phép kinh doanh trên phố Lê Trọng Tấn thì cũng sẽ ảnh hưởng quyền tài sản, quyền tư hữu của họ.

Đồng phục biển quảng cáo: Dáng dấp của thời kinh tế bao cấp - Ảnh 3.

Luật sư Võ Trí Hảo

Ví dụ như màu sắc chủ đạo của Thế giới di động là màu vàng giờ đây khi họ mở một shop ở trên đường Lê Trọng Tấn họ phải chuyển sang màu đỏ hoặc xanh dẫn đến khách hàng không nhận diện được.

Trường hợp thứ hai, có ý kiến nói rằng, các thương hiệu như Thế giới di động, Apple hay Trung Nguyên nếu không muốn thay đổi thì đừng tới kinh doanh trên đường Lê Trọng Tấn nữa.

Điều này cũng gây ra vấn đề vi phạm đến quyền tự do kinh doanh một cách bình đẳng của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh ở tất cả những nơi nào mà họ không bị cấm trên toàn quốc", ông nhấn mạnh.

Theo luật sư này, xuất phát từ động cơ tốt đẹp, mô hình này có nhiều điểm sáng như camera an ninh, vỉa hẻ rộng rãi…

Tuy nhiên việc lãng quên quyền tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp theo Luật Sở Hữu Trí Tuệ khiến sáng kiến thành công không trọn vẹn và quy định này là vô hình trung đã khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó.

"Tuân theo thì vi phạm ở khía cạnh sử dụng nhãn hiệu chưa được đăng ký và huỷ hoại tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, không tuân theo thì gặp khó khăn trong việc kinh doanh", luật sư Hảo nói.

 Thêm một điều kiện kinh doanh vào... 6.000 điều kiện kinh doanh

Chia sẻ về vấn đề đang nóng trong dư luận trên, luật sư Trương Thanh Đức, công ty luật BASICO cho biết việc quy định về màu sắc biển hiệu trên đường Lê Trọng Tấn đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Quyền này bao gồm quyền tự do lựa chọn bộ nhận diện thương hiệu, biển hiệu quảng cáo, mặc dù ý tưởng tốt, giúp ngăn nắp, trật tự văn minh đường phố hơn.

Đồng phục biển quảng cáo: Dáng dấp của thời kinh tế bao cấp - Ảnh 4.

 Biển quảng cáo trên phố Lê Trọng Tấn. Ảnh: Kinh tế đô thị.

"Nước nào thì cũng có quy định về quy hoạch, trật tự xây dựng và biển hiệu quảng cáo, nhưng bất luận trường hợp nào cũng không vi phạm pháp luật và quyền tự chủ của doanh nghiệp như thế.

Ví dụ như ở Trung Quốc, họ bảo đảm được việc quy hoạch xây dựng mặt phố như nhau thì cũng thuận lợi cho việc lắp đặt các biển hiệu quảng cáo tương tự, đồng bộ.

Đồng phục biển quảng cáo: Dáng dấp của thời kinh tế bao cấp - Ảnh 6.

Luật sư Trương Thanh Đức

Trong trường hợp này, chính quyền chỉ nên cụ thể hoá và yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan đến điều kiện an toàn, kiểu cách, kích thước tối đa của biển hiệu,... chứ không nên "đồng phục hoá" với chỉ  màu xanh, đỏ và trắng như đang làm ở đường Lê Trọng Tấn.

Việc đó sẽ khiến người ta liên tưởng về "dáng dấp của thời bao cấp chứ không phải nền kinh tế thị trường" gần như không có sự lựa chọn, dù là tối thiểu", luật sư Đức nói.

Mặt khác, dưới góc nhìn của một thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng quy định này là một thứ "giấy phép con thứ... 6.001" làm khó doanh nghiệp.

Vì muốn mở một cửa hàng kinh doanh, người ta lại phải bắt buộc phải thực hiện thêm một điều kiện nữa về biển hiệu.

"Đây là việc làm đi ngược lại với tinh thần Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp… được ghi rõ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại