Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu

Mai Linh |

Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam được dự đoán sẽ có nguy cơ mất các khu định cư và cơ sở hạ tầng do nước biển dâng.

Theo thông báo mới nhất vào ngày 28/2 vừa qua, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho biết: "Với diễn biến hiện nay của sự nóng lên toàn cầu, người dân ở Nam và Đông Nam Á sẽ phải chứng kiến ​​thiệt hại gia tăng không thể tránh khỏi đối với các khu định cư ven biển và cơ sở hạ tầng gây ra bởi mực nước biển dâng, đặc biệt là các thành phố Đông Á”.

Văn bản còn cảnh báo rằng nếu sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu có thể nghiêm trọng hơn và một số sẽ không thể đảo ngược.

Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Hình ảnh các vi san hô trên đảo Mapur, Indonesia, đang cung cấp một thước đo chính xác về lịch sử mực nước biển của Singapore trong thế kỷ qua. (Ảnh: Jedrxej Majewski)

Chuyên gia về mực nước biển dâng Benjamin Horton (Singapore) cho biết, châu Á sẽ là lục địa chịu ảnh hưởng lớn nhất của mực nước biển dâng do có lượng cư dân đông đảo sinh sống ở các vùng trũng của lục địa này. 

Ví dụ, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và cả Việt Nam là những quốc gia có mật độ cư dân sinh sống lớn nhất trên các khu vực được dự báo là dưới mực nước lũ ven biển trung bình hàng năm vào năm 2050. Thậm chí theo ông, 6 quốc gia trên, bao gồm cả Việt Nam, sẽ chiếm đến 75% trong số 300 triệu người trên đất liền đối mặt với những nguy hiểm từ biến đổi khí hậu vào giữa thế kỷ này.

Mắt khác, nước biển dâng không phải là mối đe dọa duy nhất mà Đông Nam Á phải đối mặt. Nhà khoa học khí hậu Winston Chow, một trong những tác giả liên quan đến báo cáo IPCC, cho biết, châu Á đã và đang phải chịu nhiều tác động liên quan đến biến đổi khí hậu, như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng đô thị cũng như mất đa dạng sinh học và môi trường sống.

Đối diện với tình trạng đáng báo động này, IPCC nhấn mạnh rằng để giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với xã hội, việc thích ứng phải đi đôi với nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng. 

IPCC cho biết: "Muốn thích ứng thành công đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp, tham vọng hơn và tăng tốc, đồng thời cắt giảm nhanh và sâu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Lượng khí thải giảm càng nhanh, càng xa, con người và thiên nhiên càng có nhiều phạm vi thích ứng" .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại