Đồng minh Mỹ "phá cấm vận" để mua dầu Nga giá cao: Hoàn cảnh éo le đến mức Mỹ cũng phải nhượng bộ

Tất Đạt |

Mỹ đã vận động các đồng minh châu Âu ủng hộ mức giá trần 60 USD/thùng khi mua dầu thô của Nga, nhưng một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington ở châu Á đang mua dầu Nga với giá cao hơn mức trần.

Ngoại lệ với lời kêu gọi của Mỹ

Theo Wall Street Journal, Nhật Bản đã khiến Mỹ đồng ý để đưa ra ngoại lệ với nước này, cho biết họ cần mua dầu thô Nga với mức giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng để đảm bảo quyền tiếp cận nguồn năng lượng Nga.

Sự nhượng bộ này cho thấy phần nào sự phụ thuộc của Nhật Bản đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga, điều mà các nhà phân tích cho rằng đã góp phần khiến Tokyo do dự trong việc thể hiện sự ủng hộ toàn diện đối với Ukraine.

Trong khi nhiều nước châu Âu đã giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga thì Nhật Bản đã tăng cường mua khí đốt tự nhiên của Nga trong năm qua. Nhật Bản là quốc gia G7 duy nhất không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine và Thủ tướng Fumio Kishida là nhà lãnh đạo G7 cuối cùng đến thăm Ukraine sau khi xung đột bùng nổ.

Đồng minh Mỹ phá cấm vận để mua dầu Nga giá cao: Hoàn cảnh éo le đến mức Mỹ cũng phải nhượng bộ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp nhau vào tháng trước tại Kiev, Ukraine.

Việc Nhật Bản mua dầu thô - mặc dù rất nhỏ và được ủy quyền bởi Mỹ - cũng đã phá vỡ sự thống nhất trong các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt mức trần 60 USD/thùng trên toàn cầu đối với việc mua dầu thô của Nga.

Mức áp giá trần có hiệu quả vì các quốc gia mua dầu - ngay cả khi không liên quan tới Mỹ - thường cần sử dụng bảo hiểm và các dịch vụ khác từ các công ty có trụ sở tại Mỹ hoặc một trong những đồng minh của Mỹ. G7, Liên minh châu Âu và Australia đã đồng ý với các quy tắc cấm các công ty này cung cấp dịch vụ nêu trên nếu người mua dầu của Nga trả hơn 60 USD/thùng.

Năm ngoái, các quốc gia đã tạo một ngoại lệ đối với việc áp giá trần cho đến ngày 30/9 đối với dầu mà Nhật Bản mua từ dự án Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga.

Phụ thuộc vào năng lượng Nga

Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết Tokyo muốn đảm bảo khả năng tiếp cận sản phẩm chính của Sakhalin-2 là khí đốt tự nhiên, được hóa lỏng và vận chuyển đến Nhật Bản.

"Chúng tôi đã làm điều này với mục đích hướng tới việc cung cấp năng lượng ổn định cho Nhật Bản," quan chức này nói.

Nga chiếm gần 1/10 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Nhật Bản, phần lớn là từ Sakhalin-2, và lượng mà Nhật Bản mua năm ngoái cao hơn 4,6% so với năm trước.

Hoạt động này tương phản với Đức - nước nhập khẩu 55% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga trước xung đột và đã cắt đứt hoàn toàn nguồn năng lượng này sau khi thay đổi nhanh chóng cơ sở hạ tầng nhập khẩu. Năm ngoái, nền kinh tế Đức tăng trưởng nhanh hơn so với Nhật Bản, trái với dự báo về suy thoái kinh tế của Đức do việc cắt khí đốt của Nga.

Trong hai tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã mua khoảng 748.000 thùng dầu của Nga với tổng trị giá 6,9 tỷ Yên, theo thống kê thương mại chính thức. Theo tỷ giá hối đoái hiện tại, con số đó có nghĩa là 52 triệu USD, hoặc gần 70 USD/thùng. Nga xuất khẩu hàng triệu thùng dầu mỗi ngày, tức là lượng mua của Nhật Bản chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng sản lượng của Nga.

Nhật Bản hầu như không có nhiên liệu hóa thạch trong nước và phải phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và than đá nhập khẩu để sản xuất phần lớn điện năng. Các quan chức nước này cho biết Nhật Bản sẽ gặp khó khăn nếu từ bỏ quyền tiếp cận khí tự nhiên hóa lỏng của Nga vì Nga có thể chuyển hướng bán sản phẩm cho nước khác.

Ngoài áp giá trần, Mỹ và các đồng minh đã cấm phần lớn việc nhập khẩu dầu của Nga. Các quan chức Mỹ trong nhiều tháng qua tuyên bố rằng mức trần nhìn chung đã thành công trong việc giảm doanh thu dầu mỏ của Nga trong khi ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Ngân sách của Nga đã bị ảnh hưởng trong năm nay do giá dầu thô giảm, trong khi các tiêu chuẩn dầu mỏ toàn cầu đã ổn định do sản lượng của Nga chỉ giảm một cách khiêm tốn. Mỹ và các đồng minh của cũng đã áp đặt thêm hai mức giá trần đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại