Saudi Arabia đàm phán mua S-400, Su-35
Saudi Arabia đang đàm phán mua hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 với Nga, ba năm sau khi hai nước ký thỏa thuận hợp tác quân sự .
"Cho đến khi ký hợp đồng, chúng tôi sẽ không nói về vấn đề này... Quá trình đàm phán đang được tiến hành", Sergei Chemezov, Giám đốc điều hành Rostec cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RT.
Ngành công nghiệp quân sự của Saudi Arabia đang có mục tiêu đầy tham vọng là tự sản xuất 50% thiết bị quốc phòng vào năm 2030.
Quan hệ đối tác với Nga trong lĩnh vực này bao gồm chuyển giao công nghệ sản xuất hệ thống tên lửa S-400, hệ thống Kornet-EM, hệ thống súng phun lửa hạng nặng "Solntsepёk" TOS-1A, súng phóng lựu tự động AGS-30 và súng trường Kalashnikov AK-103. Biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hai nước đã được ký kết vào tháng 10/2017.
Vào tháng 2/2019, Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang cho biết Nga và Saudi Arabia đang thảo luận về các điều kiện để kích hoạt hợp đồng S-400. Hai tháng sau, một nguồn tin nói với Interfax rằng Nga đã bắt đầu cung cấp hệ thống TOS-1A cho Riyadh. Hiện hai bên đang thành lập một cơ sở sản xuất chung súng trường tấn công Kalashnikov.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua việc bán hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), đối thủ cạnh tranh của S-400, cho Saudi Arabia. Với việc chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden đóng băng việc bán vũ khí cho Saudi, nước này đang tìm kiếm các giải pháp thay thế khác, bao gồm Nga.
Mỹ đẩy Saudi Arabia về phía Nga?
Giới lãnh đạo Saudi Arabia hiện đang phải đối mặt với những thực tế mới của thời kỳ hậu Donald Trump. Tổng thống Mỹ Joe Biden được đánh giá là sẽ mang đến một cách tiếp cận khác với quốc gia Ả Rập, theo chiều hướng không còn ưu ái như trước kia.
Khi còn là ứng cử viên, ông Biden từng khẳng định sẽ đối phó với Saudi Arabia. Bằng cách tạm thời đóng băng quá trình bán vũ khí cho Riyadh và chấm dứt hỗ trợ của Mỹ cho các hoạt động quân sự ở Yemen, ở một mức độ nào đó, chính quyền Biden đang làm đúng những cam kết chiến dịch.
Đổi lại, Riyadh có thể tìm cách thúc đẩy mối quan hệ bền chặt hơn với "các cường quốc thay thế" để bù đắp rủi ro trong thời kỳ Biden. Điều này khiến nhiều người cho rằng nhiệm kỳ của ông Biden có thể thúc đẩy Saudi Arabia xích lại gần Nga, đặc biệt nếu Riyadh tìm cách đa dạng hóa hơn nữa các quan hệ đối tác toàn cầu vào thời điểm mà vương quốc này không mấy tin tưởng vào Mỹ với tư cách là người bảo đảm an ninh.
Mối quan hệ Moscow-Riyadh
Nga-Saudi Arabia có thể củng cố quan hệ trên nhiều lĩnh vực.
Chuyến thăm lịch sử của Quốc vương Salman tới Moscow vào tháng 10/2017 là bước ngoặt trong quan hệ song phương. Lãnh đạo hai nước đã ký 15 thỏa thuận, đồng ý thực hiện các khoản đầu tư trị giá hơn 1 tỷ USD cùng với việc khởi động các dự án trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng, hóa dầu, hậu cần, công nghệ và cơ sở hạ tầng giao thông.
Trong chuyến thăm của quốc vương, Saudi đã ký thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga - một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Washington, quốc gia đã kiên quyết phản đối các đồng minh và đối tác của mình trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq tìm đến Điện Kremlin để mua hệ thống phòng không này.
Thời điểm hiện tại, một tháng sau khi chính quyền mới của Mỹ đi vào hoạt động, quan hệ đối tác giữa Washington và Riyadh đang trở nên căng thẳng. Trong khi Mỹ o ép Saudi bằng vấn đề nhân quyền, Nga đã chứng minh rằng Moscow sẽ không gây bất kỳ áp lực tương tự nào đối với đối tác vùng Vịnh.
Những động lực trên tạo cơ hội cho Điện Kremlin củng cố mối quan hệ của Nga với Riyadh - một yếu tố mà chính quyền Biden đang bỏ qua.
Giới hạn của Nga
Tuy nhiên, tờ Daily Sabah cho rằng, kỳ vọng Nga nhanh chóng thay thế Mỹ trở thành đối tác quan trọng nhất của Saudi Arabia trên trường quốc tế là viễn cảnh không thực tế.
Arman Mahmoudian, một chuyên gia về Nga từ công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Gulf State Analytics có trụ sở tại Washington, giải thích: "Saudi Arabia coi Nga là đòn bẩy đối với Mỹ hơn là một cường quốc thay thế cho Mỹ".
Có hai yếu tố quan trọng sẽ ngăn cản người Riyadh xem xét một trục địa chính trị lâu dài rời khỏi Washington, thiết lập Moscow trở thành đối tác quốc tế hàng đầu của vương quốc này.
Thứ nhất, Nga kém Mỹ về lực lượng quân sự ở Trung Đông , đặc biệt là ở Bán đảo Ả Rập.
Thứ hai, Moscow có chính sách đối ngoại thân thiện với Iran, điều thúc đẩy một số sự hoài nghi về Nga từ phía lãnh đạo Saudi Arabia.
Cho đến khi những yếu tố này thay đổi, Saudi Arabia có thể sẽ vẫn nằm dưới "ảnh hưởng của Mỹ nhiều hơn so với người Nga".
Điều đáng chú ý ở đây là Tổng thống Putin sẽ tận dụng thế nào căng thẳng giữa Riyadh và phương Tây để đánh đổi lấy lợi ích có được trong quan hệ Nga-Saudi Arabia.