Tết truyền thống từ lâu đã là dịp được mong chờ nhất trong năm của bất cứ người Việt nào. Bởi lẽ, chỉ dịp này, mọi người dù đi làm xa tới đâu, dù đang ở phương trời nào cũng cố gắng về đoàn tụ với gia đình, gặp gỡ họ hàng, bạn bè thân quen để hỏi thăm nhau một năm qua như thế nào.
Thế nhưng, càng ngày càng nhiều người không thích Tết. Họ sợ những thứ "không văn minh" trong ngày Tết làm phiền tới sự yên bình riêng tư của họ. Nhưng có lẽ, nỗi ám ảnh lớn nhất chính là sợ cảnh dọn dọn dẹp dẹp, nấu nấu nướng nướng, rửa chén bát... phục vụ các cuộc vui chơi, thăm hỏi tới bến của người thân.
Vô tình, Tết lại là dịp khiến nhiều người khốn khổ, đặc biệt là chị em phụ nữ. Xung quanh chủ đề này, ca sĩ Đồng Lan đã có những chia sẻ gan ruột đáng để mọi người cùng suy ngẫm.
"Ăn Tết văn minh không hỏi khi nào lấy chồng"
Nói đến Tết, Đồng Lan thường nghĩ tới điều gì?
Mẹ. Tuổi thơ. Lì xì. Pháo nổ đụp đoàng. Mùi thơm quần áo mới và đặc biệt là mùi nước mùi già thơm phức rửa mặt buổi sáng mồng 1 và tất nhiên là nhiều đồ ăn ngon tới mức chỉ nhìn đã no, chả buồn ăn nữa, chỉ cần ngồi ngắm hoa và lộc xanh ngoài vườn cũng đủ ấm bụng... (bé tí mà đã lãng mạn gớm lắm, cười).
Ca sĩ Đồng Lan
Tết của Đồng Lan đẹp và thơ quá. Tiếc là nhiều người lại không thích Tết. Mỗi lần Tết đến là mỗi lần thêm 1 tuổi và hàng tá những nỗi sợ hãi vô hình, chẳng hạn như: khi nào lấy chồng, sao còn chưa lấy vợ? Đồng Lan có nỗi ám ảnh đó không?
Đó là Lan chia sẻ phần yêu thích của mình thôi còn phần không yêu thích thì có thể làm thành câu chúc đùa cho vui thế này: "ăn Tết văn minh không hỏi khi nào lấy chồng".
Người Việt mình có văn hóa quan tâm đến nhau bằng những lời hỏi thăm, đôi khi chỉ là những lời xã giao và trả lời cũng có thể chỉ là xã giao nhưng vấn đề là mối quan tâm lớn nhất của mọi người là dựng vợ, gả chồng.
Cứ thử hình dung trong dịp Tết, ta sẽ phải gặp bao nhiêu người và phải nghe hỏi bao nhiêu lần câu "khi nào lấy chồng, khi nào cho ăn cỗ"... và ta như một cái máy lặp lại một câu trả lời tương tự "dạ năm sau" nhưng chưa biết là năm nào.
Dù có cố tình làm vui vẻ thêm vấn đề nhưng lại nảy sinh thêm vấn đề khác. Mọi người tiếp tục hỏi sâu thêm tình trạng yêu đương của nạn nhân. Vô hình dung, sự quan tâm hồn nhiên của mọi người lại thành nỗi ám ảnh với nhiều người.
Tết là cái tên gọi thân thương ấm cúng nhất trong năm vì nhắc tới thôi là đã lại nghe "mùi" thơm của đủ các thứ hoa trái, thức ăn... được đoàn tụ và dành thời gian nhiều cho gia đình nhưng với những người có lối sống quá độc lập khác với "lập trình" chung của xã hội thì Tết lại là một "sự đối mặt" với những vấn nạn khác.
Tết lẽ ra là được nghỉ ngơi cùng gia đình và người thân thì lại thành ra thời gian bận bịu nhất trong năm dù không đi làm và không được hưởng lương.
Có lẽ điều duy nhất khiến Đồng Lan không thấy thoải mái trong dịp Tết là, đi đâu, gặp ai, mọi người đều hỏi: bao giờ lấy chồng, khi nào thì cho ăn cỗ...
Đàn ông không giúp phụ nữ việc gia đình là đàn ông không văn minh
Đồng Lan vừa nhắc tới một chuyện là nỗi sợ hãi của nhiều phụ nữ cả khi chưa hay đã lập gia đình. Tết là dịp mọi người gặp gỡ, ăn uống, nhậu nhẹt... từ sáng tới tối nên vô tình, người phụ nữ lại bị đẩy xuống bếp, đẩy ra sân hết lau chùi, dọn dẹp lại nấu nấu nướng nướng. Đồng Lan nghĩ thế nào về điều này?
Truyền thống là những điều chúng ta rất cần duy trì và bảo tồn. Tuy nhiên, không nên bảo tồn một cách cực đoan. Lan nghĩ rất cần chọn lọc để có một cái Tết phù hợp với hiện tại. Cái tốt thì giữ lại, cái không tốt nên thay đổi.
Ngày trước phụ nữ không đi làm, chủ yếu ở nhà nấu nướng chăm sóc con cái thì dịp Tết có thể là niềm vui được trổ tài đảm đang.
Còn ngày nay, phụ nữ cũng đi ngang về dọc, làm việc và thành đạt đâu có thua kém đàn ông, tới mấy dịp nghỉ Tết vừa phải lo giải quyết xong đống việc cơ quan, vừa phải lo nội trợ nấu nướng và các thủ tục nghi lễ đối nội, đối ngoại, họ hàng, chồng con đúng kiểu con cháu Hai Bà Trưng.
Thỉnh thoảng ngồi nghĩ, Lan thấy những phụ nữ này thật vĩ đại, còn lòng thì mừng thầm vì mình vẫn... ế! Thực sự Lan nghĩ, đàn ông thời nay mà không phụ giúp phụ nữ việc gia đình là đàn ông không văn minh.
Dù vậy, Đồng Lan vẫn rất thích Tết và có sự đồng cảm sâu sắc với những người sợ Tết.
Nhiều đàn ông muốn giúp vợ việc vợ bếp núc nhưng sợ bị người khác đánh giá
Tiôi vẫn thấy trên ti vi, ngày ngày chạy những dòng chữ từ một thống kê xã hội học nào đó nói 80% đàn ông trên thế giới vẫn tin rằng, bếp núc là công việc của phụ nữ. Nếu quả thật như thế thì có vẻ thế giới này rất ít đàn ông văn minh?
Trình độ nhận thức càng cao mọi người càng nên có thái độ chia sẻ những khó khăn trong đời sống và cùng gánh vác những công việc nhà. Đôi khi chỉ là giúp vợ mớ rau thay vì cứ ngồi nhậu nhẹt sai vợ con ới ời, lấy cái này lấy cái kia, bia này chén nọ như một ông vua con là vì sao vậy?
Đây không còn là vấn đề nhận thức nữa, là vấn đề ý thức hệ, sự ích kỷ và thờ ơ với chính người phụ nữ trong gia đình - những người lẽ ra cần được nâng niu, thông cảm, chia sẻ nhiều hơn.
Không biết thống kê đó chính xác tới đâu, còn với thống kê của cá nhân Lan dựa trên những người Lan biết thì thấy rằng, vẫn còn những người đàn ông văn mình thích nấu những bữa ăn ngon cùng gia đình và họ nấu rất ngon.
Vì vậy việc đàn ông nấu ăn không liên quan tới tài năng hay khả năng. Nó là thói quen suy nghĩ khi mọi người cứ bị chạy theo cái chung.
Tại sao lại cứ chăm chăm sống theo những quy định chung trong khi mỗi con người là một thực thể vô cùng khác biệt.
Chúng ta cần sống cuộc đời của chúng ta với thái độ văn minh hơn. Tôi biết có nhiều người đàn ông muốn giúp đỡ vợ bếp núc nhưng sợ ba mẹ hoặc người nhà, họ hàng, làng xóm đánh giá nên thôi.
Tôi cũng biết những người đàn ông thích cùng vợ con xây đắp thêm không khí gia đình ấm cúng với nhiều kỷ niệm cùng nhau bằng những việc rất đời. Những đứa trẻ lớn lên sẽ học được sự chia sẻ và quan tâm tới người khác. Đó không phải là điều các bậc cha mẹ luôn mong muốn sao?
Điều gì làm những người đàn ông của chúng ta ngại ngùng? Họ có phải đã quá quen hưởng thụ? Hay những người phụ nữ Việt có quá nuông chiều và cam chịu?
Tôi quen bạn nước ngoài khá nhiều và hầu hết đàn ông nước ngoài đều không ngại làm những việc nội trợ hoặc thay vợ chăm sóc con cái. Thậm chí họ còn làm rất giỏi. Vì sao vậy?
"Phụ nữ Việt Nam từ lâu đã "cùng khổ" mỗi dịp Tết lễ về, đã đến lúc phải "cùng sướng" rồi", Đồng Lan nói.
Nói như Đồng Lan thì đàn ông Việt "hư" là do chị em phụ nữ mà ra. Có một số ít bắt đầu "chạm vào văn minh" nhưng vẫn rụt rè vì thói quen chạy theo số đông, sợ săm soi, không dám sống là chính mình?
Không ai phải có trách nhiệm với bất cứ thói xấu của ai sau khi họ đều đã là những người trưởng thành. Đàn ông cư xử thiếu văn minh là lỗi của đàn ông. Đàn bà để mình rơi vào hoàn cảnh phải chịu khổ thì là lỗi của đàn bà.
Những ai đã chạm vào văn minh mà chưa tới được văn minh thì nên... chạm mạnh hơn.
Không phải số đông lúc nào cũng đúng, thế mới nói tất cả chỉ là tham khảo, bản thân mỗi người cần tự biết nhận thức và quyết định điều gì đúng đắn nhất, phù hợp nhất với mình và cứ thế mà tự tin thực hiện.
Việc ăn theo số đông cũng là một vấn nạn nan giải. Khen theo số đông, chửi theo số đông, khổ theo số đông. Ngay cả nếu có ai "cùng khổ" thì chuyện to cũng thành nhỏ, mà tại sao mọi người lại không nghĩ tới việc "cùng sướng". Phụ nữ Việt Nam từ lâu đã "cùng khổ" mỗi dịp Tết lễ về, đã đến lúc phải "cùng sướng" rồi!
Cảm ơn Đồng Lan đã chia sẻ và chúc bạn có một cái Tết ấm áp, vui sướng bên gia đình!