Cuộc bài binh bố trận ở Venezuela
Liên quan đến triển vọng diễn biến tình hình ở Venezuela, cuộc giằng co giữa phái của tổng thống hợp pháp Nicolas Maduro và tổng thống tự phong tạm quyền Juan Guaido hiện tại không kịch tính và khó lường bằng cuộc bài binh bố trận để thủ thế giữa Mỹ cùng một vài đồng minh với Nga và Trung Quốc.
Ở một bên, Mỹ và đồng minh gia tăng áp lực đối với chính quyền của ông Maduro và sự hậu thuẫn dành cho ông Guaido, siết chặt thêm mức độ cô lập và trừng phạt ông Maduro và cộng sự, tác động từ bên ngoài để kích động người dân Venezuela chống đối ông Maduro cũng như tìm cớ và gây cớ để chuẩn bị và sẵn sàng can thiệp quân sự vào Venezuela để lật đổ ông Maduro.
Chống cánh tả ở khu vực châu Mỹ được ông Trump sử dụng ngày càng thêm nhiều làm một trong những chủ đề nội dung dân tuý hiện tại ở Mỹ và chắc chắn sẽ cả ở cuộc vận động tranh cử tổng thống sắp tới ở Mỹ.
Phe này cùng với lực lượng ủng hộ ông Guaido ở bên trong Venezuela phải chạy đua với thời gian vì nếu ông Maduro càng có thêm thời gian thì càng có thể bình ổn thành công tình hình chính trị xã hội ở Venezuela, giới quân sự ở đất nước này càng thêm khó bị lung lay sự ủng hộ dành cho ông Maduro và đặc biệt nữa là Nga và Trung Quốc càng có thêm thời gian để trợ giúp chính quyền của ông Maduro hiệu quả thiết thực hơn trong cuộc chống thì trong giặc ngoài của ông Maduro.
Ở phía bên kia, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu "song kiếm hợp bích" nhằm bảo toàn những lợi ích chiến lược lâu dài của họ ở Venezuela. Hai động thái mới đây nhất và cũng có ý nghĩa quan trọng nhất là Trung Quốc đã bắt đầu viện trợ nhân đạo cho Venezuela trong khi Nga đã tăng cường sự hiện diện quân sự trực tiếp ở Venezuela.
Máy bay Nga xuất hiện ở sân bay Simon Bolivar. Ảnh: BBC
Thiên hạ đề cập đến nhiều việc Nga đưa 100 binh lính và thiết bị quân sự mới đến Venezuela. Phía Mỹ phản đối mạnh mẽ việc này, nhưng phía Nga phản ứng giống như ở thời điểm bắt đầu can dự quân sự trực tiếp vào Syria năm 2015, cũng theo phương châm "Đường ta, ta cứ đi. Ai nói gì cũng mặc".
Một khi lợi ích chiến lược bị cọ sát và đối kháng thì làm gì có chuyện Mỹ vì bị Nga phản đối mà chùn bước và Nga vì bị Mỹ cản phá mà ngừng tay.
Những động thái như thế từ phía Nga và Trung Quốc đã tác động rất quyết định tới hai diễn biến khác nữa ở Venezuela và liên quan đến Venezuela.
Ở Venezuela, chính quyền của ông Maduro đã mạnh tay và kiên quyết hơn trong đối phó với phe đối lập khi cấm ông Guaido đảm nhận mọi trọng trách quyền lực trong thời gian 15 năm và bắt giữ chánh văn phòng của ông Guaido.
Ở bên ngoài Venezuela, chính phủ một số nước đã công nhận ông Guaido bắt đầu thận trọng để tránh bị tẽn tò và khó xử nếu rồi đây ông Maduro không bị lật đổ. Chẳng hạn như chính phủ một số nước thành viên EU đã không chấp nhận đề cử nhân sự của ông Guaido đảm trách cương vị đại sứ ở các nước ấy.
Phép thử của Nga - Trung Quốc
Số binh lính được Nga vừa đưa đến Venezuela không nhiều nhưng thông điệp của Nga từ đó rất rõ ràng và điều ấy mới là ý nghĩa quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại.
Cả Nga lẫn Mỹ, cả Trung Quốc lẫn các đồng minh khác của Mỹ, cả ông Maduro lẫn ông Guaido đều thừa biết rằng chính thể của ông Maduro không thể bị lật đổ bởi những hình thức hoạt động cho tới nay của ông Guaido ở bên trong Venezuela, mà kịch bản ấy chỉ có khả năng diễn ra khi Mỹ và đồng minh can thiệp quân sự trực tiếp vào Venezuela như Mỹ đã từng làm ở Grenada hay Panama, cũng như chỉ có Nga và Trung Quốc mới có thể ngăn cản hữu hiệu nhất kịch bản Mỹ và đồng minh can thiệp quân sự vào Venezuela.
Nga và Trung Quốc công khai thể hiện và khẳng định sự hậu thuẫn chính trị cũng như quân sự dành cho chính thể hiện tại ở Venezuela và cá nhân ông Maduro.
Họ làm phép thử để xem hình thức đối phó và mức độ phản ứng của Mỹ và đồng minh, để trấn an chính thể của ông Maduro và bộ phận dân chúng ủng hộ ông Maduro, đồng thời làm phân hoá phe chống đối ông Maduro.
Phép thử này còn được Nga và Trung Quốc sử dụng để răn đe Mỹ và đồng minh, thậm chí trong chừng mực nhất định còn răn đe cả giới quân sự ở Venezuela.
Hai nước này muốn cho thấy là không để Mỹ và đồng minh muốn làm gì thì làm ở một nơi Nga và Trung Quốc đều có lợi ích chiến lược thiết thực trước mắt và lâu dài quan trọng đối với họ đến mức họ hiện không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải bảo vệ bằng mọi giá.
Vai trò và ảnh hưởng của họ càng nổi bật thì Mỹ và đồng minh càng bớt sẵn sàng và liều lĩnh phiêu lưu quân sự ở Venezuela. Vì thế, để giữ thể diện cho nhau và bảo toàn được lợi ích riêng ở Venezuela, nhiều khả năng rồi đây Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ ngồi lại với nhau bàn về vấn đề Venezuela.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại