Động đất nhẹ, thiệt hại lớn: Nguyên nhân do đâu?

Hà Anh |

Động đất thường xuyên xảy ra ở Indonesia do đất nước nằm trên vòng cung núi lửa và đường đứt gãy ở lòng chảo Thái Bình Dương được gọi là “Vành đai lửa”. Tuy nhiên các trận động đất mạnh 6 hoặc 7 độ Richter chưa bao giờ gây chết người nhiều như thảm họa xảy ra hôm 21/11.

Động đất nhẹ, thiệt hại lớn: Nguyên nhân do đâu? - Ảnh 1.

Trận động đất xảy ra hôm 21/11 ở Indonesia đã khiến 268 người thiệt mạng và 22.000 ngôi nhà bị hư hại. Ảnh: AP.

Thiệt hại chưa dừng lại

Trận động đất mạnh 5,6 độ Richter xảy ra ở tỉnh Tây Java của Indonesia đã khiến ít nhất 268 người tử vong, trong đó có nhiều trẻ em, với 151 người vẫn mất tích trong khi lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm trong những đống đổ nát từ các tòa nhà bị phá hủy để tìm những người sống sót. Ít nhất một ngôi làng biến mất. Hơn 1.000 người đã bị thương, 58.000 người phải di dời và 22.000 ngôi nhà bị hư hại.

Ngày 22/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên bố, chính phủ nước này sẽ bồi thường cho các nạn nhân và gia đình những người tử vong trong trận động đất. Ông Widodo, đã tới thăm thành phố Cianjur, tâm chấn của trận động đất và chỉ thị cho các đội cứu hộ ưu tiên cứu người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và khẩn cấp tiếp cận các khu vực bị lở đất cô lập.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, lãnh đạo Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ quốc gia (Basarnas) Henri Alfiandi cho biết, một trong những thách thức hiện nay là ảnh hưởng của động đất vẫn tiếp tục lan rộng, trong đó phải kể đến những tuyến đường tại các làng mạc đã bị hư hỏng.

Theo quan chức này, phần lớn trường hợp thiệt mạng là trẻ em vì động đất xảy ra vào khoảng 13h khi các em vẫn đang ở trường học. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp thiệt mạng là những người bị mắc kẹt bên trong những tòa nhà đổ nát.

Có ít nhất 118 dư chấn nhỏ hơn với cường độ từ 1,5 đến 4,2 sau trận động đất này. Chính quyền địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày tới. BNPB đã kêu gọi cư dân Cianjur và các quận lân cận rời khỏi nhà nếu thấy không an toàn và tiếp tục cảnh giác với các dư chấn tiếp theo.

Tại Indonesia thường xuyên xảy ra động đất do nước này nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi có nhiều vết đứt gãy ở vỏ Trái Đất do hoạt động của các mảng kiến tạo. Vào tháng 1 năm ngoái, trận động đất có độ lớn 6,2 làm rung chuyển đảo Sulawesi đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người, đồng thời đẩy hàng nghìn người vào cảnh mất nhà cửa.

Cũng trong ngày 22/11, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này dự định cung cấp 500.000 USD cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân trận động đất tại Indonesia. Phía Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục cung cấp cứu trợ nhân đạo cho những quốc gia và người dân chịu ảnh hưởng của các thảm họa thiên nhiên đồng thời hy vọng khoản hỗ trợ sẽ phần nào giúp đỡ các nạn nhân động đất ở Indonesia.

Tương tự, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định, nước này sẵn sàng hỗ trợ Indonesia.

Đi tìm nguyên nhân

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ xác định, trận động đất hôm 21/11 tại Indonesia có cường độ 5,6 độ Richter và xảy ra ở độ sâu 10 km (6,2 dặm). Các trận động đất ở quy mô này thường không gây thiệt hại trên diện rộng đối với cơ sở hạ tầng được xây dựng tốt. Nhưng cơ quan này chỉ ra rằng, không có mức thiệt hại nào lớn hơn mức đó. Nó phụ thuộc vào các yếu tố khác, chẳng hạn như khoảng cách từ trận động đất, loại đất bạn đang ở, công trình xây dựng và các yếu tố khác.

Mặc dù cường độ thường được cho là sẽ chỉ gây ra thiệt hại nhẹ cho các tòa nhà và các công trình khác, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc nằm gần với các đường đứt gãy cộng với độ nông của trận động đất và cơ sở hạ tầng không được xây dựng bằng phương pháp chống động đất đều góp phần gây ra thiệt hại nặng nề.

Bà Gayatri Marliyani, trợ lý giáo sư địa chất tại Đại học Gadjah Mada, ở Yogyakarta, Indonesia, cho biết: “Mặc dù trận động đất có quy mô trung bình nhưng nó ở gần bề mặt và nằm trong đất liền, gần nơi con người sinh sống. Vì vậy, năng lượng vẫn đủ lớn để gây ra rung lắc đáng kể dẫn đến thiệt hại”.

Bà Marliyani cho biết thêm, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nằm gần một số đường đứt gãy đã biết. Đường đứt gãy là một nơi có một vết nứt dài trong đá tạo thành bề mặt trái đất. Khi một trận động đất xảy ra trên một trong những đường đứt gãy này, đá ở một bên của đường đứt gãy sẽ trượt so với bên kia.

“Khu vực này có lẽ có nhiều đường đứt gãy nội địa nhất so với các khu vực khác của tỉnh Tây Java” – bà Marliyani nói.

Ông Danny Hilman Natawidjaja - chuyên gia địa chất động đất tại Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Địa chất thuộc Viện Khoa học Indonesia - cho biết, nhiều tòa nhà trong khu vực cũng không được xây dựng với thiết kế chống động đất, điều này càng góp phần gây ra thiệt hại. “Điều này làm cho một trận động đất có cường độ và độ sâu như thế này thậm chí còn có sức tàn phá lớn hơn” – ông Natawidjaja nói.

Đất nước có hơn 270 triệu dân này thường xuyên phải hứng chịu động đất, núi lửa phun trào và sóng thần do nằm trên vòng cung núi lửa và đường đứt gãy ở lòng chảo Thái Bình Dương được gọi là “Vành đai lửa”. Khu vực này trải dài khoảng 40.000 km và là nơi xảy ra phần lớn các trận động đất trên thế giới.

Nhiều trận động đất ở Indonesia là nhỏ và gây ra ít hoặc không có thiệt hại. Nhưng cũng đã có những trận động đất chết người. Vào tháng 2 năm nay, một trận động đất mạnh 6,2 độ Richter đã làm ít nhất 25 người tử vong và làm hơn 460 người khác bị thương ở tỉnh Tây Sumatra. Trước đó vào tháng 1/2021, một trận động đất mạnh 6,2 độ Richter đã giết chết hơn 100 người và làm gần 6.500 người ở tỉnh Tây Sulawesi bị thương. Trong khi đó, trận động đất mạnh và sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 cũng đã giết chết 230.000 người ở hàng chục quốc gia, phần lớn là ở Indonesia.

Theo các chuyên gia, trong khi các trận động đất mạnh 6 hoặc 7 độ Richter tương đối phổ biến ở Indonesia và thường xảy ra ở ngoài khơi, nơi có các đường đứt gãy chạy qua, thì trận động đất có cường độ thấp hôm 21/11 gây ra hậu quả chết người nặng nề vì nó xảy ra trên đất liền và ở độ sâu tương đối nông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại