“Dòng chảy phương Bắc” là công cụ lợi hại để Nga gây sức ép với EU

Trung Hiếu |

Với hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc, Nga dễ dàng chi phối an ninh năng lượng tại châu Âu, từ đó có khả năng tác động vào tâm lý xã hội và chính trị, chính sách của các nước này.

Đường ống dẫn khí đốt. Ảnh: The Hill.

Đường ống dẫn khí đốt. Ảnh: The Hill.

Cột trụ an ninh năng lượng châu Âu và chiến thuật của Nga

Cho đến tháng 6/2014, đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream-1) xứng đáng với danh xưng là nguồn cung khí đốt an toàn cho châu Âu. Hệ thống đường ống dẫn khí kép này có thể cung ứng hơn một nửa nhu cầu khí đốt của nước Đức. Hệ thống đó đã làm vậy trong gần một thập kỷ bất chấp việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và hứng chịu các lệnh trừng phạt sau đó, cũng như bất chấp 110 ngày chiến sự đầu tiên của xung đột giữa Nga và Ukraine (bắt đầu từ cuối tháng 2/2022).

Nhưng sau đó, Nga khóa đường ống dẫn khí này vào tháng 6 với cái cớ là hệ thống đó cần một turbine nén đang được sửa ở Canada trước khi bị thu giữ do các quan ngại của một vài nước phương Tây về nghĩa vụ thực hiện lệnh trừng phạt đối với Nga.

Hành động đóng van đó đã mở ra một mặt trận mới cho việc gây sức ép bằng năng lượng. Hãng khí đốt Gazprom của Nga đã làm dấy lên hy vọng ở những khách hàng khí đốt tại châu Âu về việc khôi phục dòng chảy. Gazprom tạo ra hình ảnh mình là một nhà cung cấp khí đốt tận tụy, trong khi trên thực tế họ có thể tạo áp lực rất lớn với phương Tây.

Việc giảm cung khí tự nhiên vào tháng 6 vừa qua đã tạo ra những tuần tranh cãi ngoại giao giữa các đồng minh NATO và Ukraine. Cuối cùng phương Tây đã phải vội vã đưa turbine nói trên trở về Đức rồi từ Đức được vận chuyển sang Phần Lan trước khi tới nhà máy nén ở Nga.

Ấy thế nhưng mới đây Bộ kinh tế Đức tiết lộ, ngày turbine trở lại phục vụ ban đầu được xác định là vào tháng 9 tới.

Như vậy, có khả năng đây là chiến thuật của Gazprom tạo cớ về cắt nguồn cung rồi triển khai lại việc cung cấp, với mục đích gây phân tâm và chi phối các chính quyền phương Tây.

Khi Canada, Mỹ và Đức đều yêu cầu khôi phục sớm hoạt động của turbine, điều này cho thấy sức phủ quyết của Nga đối với suy nghĩ và hành động của các nước châu Âu liên quan đến Ukraine.

Dưới đây là một số “đòn” mà Nga có thể vận dụng trong thời gian tới:

Thứ nhất, có thể sẽ có sự thao túng dòng chảy, với những tăng giảm bất chợt về lưu lượng (kèm lý do bất khả kháng) khiến cho giá khí đốt ở châu Âu tăng cao và buộc một số cơ sở công nghiệp ở đây phải đóng cửa. Khi ấy, Gazprom có thể tạm thời nâng lưu lượng dòng chảy khí đốt vì lý do nhân đạo nếu những người dân tiêu thụ khí đốt ở châu Âu đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt. Tuy nhiên, trình trạng bất định có thể lấy đi sự tự tin của các doanh nghiệp châu Âu và gây khó cho việc xây dựng kế hoạch của họ.

Khống chế năng lực công nghiệp của châu Âu sẽ làm trầm trọng thêm hậu quả chính trị từ suy giảm kinh tế và gây chia rẽ trong công luận về lợi ích quốc gia khi đối mặt với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Ngoài ra, tình trạng đó còn cản trở khả năng của các nước châu Âu trong việc sản xuất kịp thời và đủ vũ khí khí tài và đạn dược mà phương Tây định cung cấp cho Ukraine cũng như để tăng cường phòng ngự trước Nga ở Đông Âu lẫn Trung Âu.

Thứ hai, khi các dự án cung cấp khí đốt thay thế tiến gần điểm quyết định đầu tư, Gazprom có thể mời chào các thỏa thuận cung ứng với giá cả được định ở các mức có khả năng bơm thêm tâm lý bất định vào đầu óc những người phát triển các dự án khí hóa lỏng và các nhà tài trợ của họ.

Ngoài ra, Nga cũng có thể sẽ nâng cao các khích lệ đối với Iran để họ đóng vai trò làm giảm niềm tin vào mức độ an toàn của nguồn cung khí đốt từ Qatar.

Moscow cũng có thể nuôi dưỡng các hoạt động “nổi dậy” hơn nữa gần dự án khí hóa lỏng Rovuma ở Mozambique và ở các khu vực giàu khí đốt khác trên thế giới có tiềm năng cung cấp khí hóa lỏng cho châu Âu và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Mặc dù việc Dòng chảy phương Bắc-1 cắt giảm nguồn cung vào tháng 6 đã khiến lợi ích thương mại của Gazprom bị tổn thương do đánh mất niềm tin của khách hàng, động thái đó lại thúc đẩy mục tiêu chiến lược của điện Kremlin.

Duy trì dòng chảy khí đốt một cách thất thường sẽ vừa tạo ra thu thập vừa tạo ra bất hòa giữa các nước EU và trong từng xã hội mỗi nước EU (như mâu thuẫn giữa các công ty, giữa các nhóm dân cư…).

Trong bối cảnh hiện nay, các bất ổn đó đều phục vụ lợi ích của Nga. Nếu như công thức bán khí đốt của Nga trước năm 2021 là 99% thương mại, 1% địa chính trị thì nay, công thức mới của họ là 50-50. Việc duy trì kiểm soát thông qua khí đốt sẽ là mục tiêu tối thượng đối với Nga./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại