Điện Kremlin chỉ trích báo cáo rẻ tiền
Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, ngày 9/10 chỉ trích: "Những ấn phẩm như vậy được xếp vào hạng mục 'tiểu thuyết rẻ tiền', tiểu thuyết rẻ tiền bằng tiếng Anh."
Ông Peskov nhấn mạnh tổng thống Vladimir Putin nhiều lần khẳng định Moskva "muốn xây dựng quan hệ tốt với toàn thể châu Âu và quan hệ song phương với các nước châu Âu".
Trước đó, báo cáo của NYT đề cập sự tồn tại của một đơn vị bí mật trong Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU), với nhiệm vụ gây bất ổn tại châu Âu. Bài báo khẳng định bộ phận này hoạt động bí mật tới mức chính các quan chức GRU khác cũng không nắm được sự tồn tại của nó.
Báo cáo về "đơn vị tuyệt mật" của tình báo Nga
Theo NYT, đơn vị tuyệt mật dưới tên gọi Đơn vị 29155 thuộc GRU đã tổ chức các vụ lật đổ và ám sát tại châu Âu. Đơn vị này có trụ sở chính ở Moscow, dưới quyền chỉ huy của tướng Andrei Averyanov, với quân số bao gồm các cựu chiến binh Nga và chịu trách nhiệm cho các hoạt động gây bất ổn ở Moldova, đảo chính ở Montenegro hay các vụ ám sát ở Bulgaria và Anh.
Mặc dù các vụ việc liên quan có dấu vết của tình báo Nga, nhưng các cơ quan chức năng bản địa ban đầu chỉ coi chúng là các vụ tấn công đơn lẻ và không có mối liên hệ giữa chúng.
Báo cáo nêu, Đơn vị 29155 đã tiến hành các hoạt động của mình trong ít nhất 10 năm qua, nhưng các quan chức phương Tây chỉ vừa mới phát hiện ra nó. Các quan chức tình báo của bốn nước phương Tây nói rằng hiện chưa rõ đơn vị này được điều động như thế nào và cảnh báo sẽ không thể biết được các chiến dịch của nó sẽ được triển khai ở đâu và vào thời điểm nào.
Mục đích của Đơn vị 29155, vốn chưa từng được ghi nhận trước đây, được NYT nhận xét là "chủ động đối đầu với phương Tây" theo chiến thuật "chiến tranh hỗn hợp" - kết hợp giữa tuyên tuyền, tấn công mạng và phát tán thông tin giả - cùng với đối đầu quân sự trên thực địa.
Peter Zwack, cựu sỹ quan tình báo từng làm tùy viên quân sự tại đại sứ quán Mỹ ở Moscow, nói rằng mình không biết về sự tồn tại của đơn vị kể trên.
Đơn vị 29155 được cho là đang đóng tại trụ sở của Trung tâm Huấn luyện Chuyên gia Đặc biệt ở phía Đông Moscow và nằm trong biên chế của lực lượng tình báo Bộ Tổng tham mưu của Nga, thường được biết đến dưới cái tên GRU.
Mặc dù phần lớn các chiến dịch của GRU hiện vẫn nằm trong vòng bí mật, các cơ quan tình báo phương Tây bắt đầu nhận ra bức tranh toàn cảnh hơn về cách tổ chức các chiến dịch này.
NYT cho hay, vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, các quan chức Mỹ cho biết hai đơn vị tác chiến mạng của GRU với mã hiệu 26165 và 74455 đã tìm cách đột nhập vào các máy chủ thuộc Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC) và các máy chủ phục vụ cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, sau đó tung ra những trao đổi "đáng xấu hổ" trong nội bộ đảng này.
Năm ngoái, Robert S. Mueller III, công tố viên đặc biệt giám sát cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 ở Mỹ, đã buộc tội hàng chục quan chức thuộc các đơn vị tác chiến mạng của Nga nói trên. Các đội tác chiến mạng chủ yếu hoạt động tại Moscow, cách xa các mục tiêu của mình hàng ngàn dặm.
Thủ tướng Montenegro Milo Djukanovic kiêm lãnh đạo Đảng Dân chủ của những người xã hội (DPS) ăn mừng sau cuộc bầu cử quốc hội nước này, ngày 17/10/2016 (Ảnh: AP)
Những cựu binh dày dạn kinh nghiệm của Nga?
Ngược lại với các đơn vị tác chiến mạng, NYT nêu, các quan chức trong Đơn vị 29155 thường di chuyển tới và trong nội bộ các quốc gia châu Âu. Một số thành viên của đơn vị là những cựu chiến binh "dày dạn kinh nghiệm" qua những cuộc chiến đẫm máu nhất mà Nga từng tham dự, bao gồm Afghanistan, Chechnya và Ukraine.
Theo đánh giá của các cơ quan tình báo phương Tây, hoạt động của đơn vị này được bảo mật đến mức ngay cả các đặc vụ GRU cũng hầu như không biết về nó.
Thành viên của đơn vị luôn có quan hệ gắn bó với nhau. Trong một bức ảnh năm 2017, chỉ huy đơn vị - thiếu tướng Andrei V. Averyanov - chụp cùng cùng với một trong hai sỹ quan GRU bị Anh buộc tội đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal.
Các cơ quan tình báo phương Tây lần đầu tiên nhận ra dấu vết của Đơn vị 29155 sau cuộc đảo chính bất thành ở Montenegro năm 2016, trong đó hai sỹ quan thuộc đơn vị bị nghi là âm mưu ám sát thủ tướng và chiếm tòa nhà quốc hội nước này.
Ngày 20/2/2017, ông Dmitry Peskov, gọi cáo buộc của phía Montenegro rằng Moskva đứng đằng sau âm mưu đảo chính tại nước này hồi tháng 10/2016 là vô lý và vô trách nhiệm.
"Nga thậm chí chưa từng bàn đến chuyện can thiệp vào công việc nội bộ của Montenegro. Nga không và sẽ không can thiệp vào nội bộ của bất kỳ nước nào, đặc biệt là Montenegro - quốc gia mà chúng tôi có quan hệ rất tốt," ông Peskov nói.
Nhưng các quan chức châu Âu chỉ thực sự nhận ra các chiến dịch đặc biệt nhằm gây bất ổn của đơn vị này từ sau vụ đầu độc tháng 3/2018 nhằm vào Skripal.
Vụ đầu độc đã làm leo thang khủng hoảng ngoại giao khi hơn 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, đã tiến hành trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga để thể hiện sự đoàn kết với Anh.
Chính quyền Anh tiết lộ hai nghi phạm đến Anh bằng tên giả nhưng sau đó được xác định là đại tá Chepiga và người kia là Alexander Mishkin. Sáu tháng sau vụ đầu độc, các công tố viên Anh buộc tội cả hai người vì đã vận chuyển chất độc thần kinh đến Anh và bôi chất độc lên cửa trước nhà Skripal ở Salisbury.
Nhưng các quan chức châu Âu cho biết chiến dịch này còn phức tạp hơn nhiều.
Phương Tây nghi ngờ "chuỗi chiến dịch" gây bất ổn của Moskva
Báo cáo của NYT nêu, 1 năm trước vụ đầu độc Skripal, ba đặc vụ trong Đơn vị 29155 đã tới Anh, nhiều khả năng để thử nghiệm phương án tiến hành vụ việc. Một người là Alexander Mishkin, người thứ hai sử dụng biệt danh Sergei Pavlov, và người thứ ba, chịu trách nhiệm giám sát chiến dịch, sử dụng tên giả Sergei Fedotov.
Không lâu sau đó, các quan chức EU xác định được hai người này, Sergei Pavlov và Sergei Fedotov, là thành viên của nhóm đã tiến hành đầu độc nhà buôn vũ khí người Bulgaria Emilian Gebrev năm 2015.
Ngày 12/10/2018, đại sứ Nga tại London Alexander Yakovenko bác bỏ cáo buộc rằng các mật vụ từ GRU đứng sau vụ cố ý sát hại Skripal.
Vị đại sứ này cũng phản bác cáo buộc từ Anh, Mỹ, và Hà Lan, rằng GRU đã tấn công các máy tính của nhiều tổ chức trên khắp thế giới để làm suy yếu nền dân chủ phương Tây.
Nhóm này đã tiến hành ám sát ông Gebrev hai lần, một lần ở thủ đô Sofia, Bulgaria và một lần nữa ở nhà ông này trên bờ biển Đen, cách lần thứ nhất một tháng.
Phát biểu với các phóng viên tại Hội nghị An ninh Munich tháng 2/2019, Alex Younger, Giám đốc cơ quan tình báo Anh MI6 nhắc tới "mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Nga" và chỉ rõ đây là một loạt các chiến dịch hành động được lên kế hoạch chi tiết với cùng một đội ngũ nhân viên tham gia, đặc biệt là trong vụ đầu độc Skripal và vụ đảo chính ở Montenegro.
Ông nói thêm rằng MI6 đánh giá luôn có một "mối đe dọa thường trực" từ phía GRU nói riêng và các cơ quan tình báo Nga nói chung, và các mối đe dọa này "gần như không có giới hạn".
Dù thông tin về Đơn vị 29155 rất hạn chế, nhưng vẫn có một vài bản tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Nga hé lộ phần nào liên hệ giữa đơn vị này với chiến lược của Kremlin.
Cảnh sát Anh đeo mặt nạ làm việc gần hiện trường vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal, tháng 3/2018 (Ảnh: Jack Taylor/Getty Images)
Mặc dù là một lực lượng tinh nhuệ, nhưng đơn vị này chỉ được cấp một ngân sách khá hạn hẹp. Theo truyền thông Nga, tướng Averyanov sống trong trong một tòa nhà khiêm tốn được xây từ thời Liên Xô cũ, cách không xa trụ sở chính của đơn vị và sử dụng một chiếc sedan Nga đời 1996.
Các đặc vụ thường sống trong những chỗ trọ bình dân để tiết kiệm chi phí khi đang trên đường làm nhiệm vụ. Các nhà điều tra Anh tiết lộ các nghi phạm trong vụ đầu độc Skripal đã ở trong một khách sạn giá rẻ ở Bow, khu ngoại ô nghèo phía Đông London.
Nhưng các quan chức an ninh châu Âu cũng cảm thấy ngạc nhiên vì sự thiếu hiệu quả khá rõ ràng trong các chiến dịch của đơn vị này. Skripal đã sống sót qua vụ ám sát, cũng giống như nhà buôn vũ khí Bulgaria Gebrev. Nỗ lực tiến hành đảo chính ở Montenegro thu hút rất nhiều sự chú ý, nhưng cuối cùng cũng thất bại. Một năm sau đó, quốc gia này gia nhập NATO.
Tuy nhiên, các quan chức an ninh cũng lưu ý có thể những chiến dịch thành công của đơn vị này vẫn chưa được hé lộ.
Khó có thể biết rắc rối sau các vụ việc nói trên có làm điện Kremin phải bận tâm hay không. Theo lời Eerik-Niiles Kross, cựu giám đốc cơ quan tình báo Estonia thì những hoạt động tình báo kiểu này đã trở thành một phần trong chiến lược chiến tranh tâm lý, không phải vì Nga trở nên hung hăng hơn, mà chỉ để mọi người không thể không nhắc đến họ, đó cũng là một phần trong trò chơi tình báo.