Dù kịch bản Nga có dùng biện pháp đáp trả quân sự trực tiếp hay không vẫn chưa được xác định, nhưng rõ ràng nó sẽ là "đòn thù" xứng đáng đến từ một siêu cường.
Các bên đang "bày binh, bố trận"
Với tình hình hiện tại, rất có thể Mỹ sẽ sử dụng cái cớ Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta để khơi mào cuộc tập kích đường không nhằm vào Syria. Các tàu khu trục Mỹ triển khai tại phía Đông Địa Trung Hải chính là nhằm mục đích khơi mào đợt tấn công bằng đòn phủ đầu với tên lửa hành trình Tomahawk.
Hai tàu khu trục USS Donald Cook và USS Porter có thể mang theo 56 tới 96 tên lửa Tomahawk mỗi chiếc. Với tầm bắn tới trên 2.500km, hỏa lực của chiến hạm Mỹ đã bao trùm toàn bộ lãnh thổ Syria.
Bố trí lực lượng Nga đối đấu với liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Syria.
Hiệu quả của đòn tấn công bằng tên lửa Tomahawk sẽ quyết định Mỹ và liên quân có leo thang chiến tranh hay không với việc đưa các đơn vị máy bay chiến đấu phong tỏa và tấn công các vị trí bên trong lãnh thổ Syria.
Ở kịch bản Syria bị tấn công, lực lượng quân sự Nga tại Syria có quyền đáp trả. Điều này đã được khẳng định qua tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, tướng Valery Gerasimov vào tháng 3-2018.
"Tại Damascus có sự hiện diện của các cố vấn quân sự, văn phòng của Trung tâm hòa giải quân sự và lực lượng quân cảnh Nga. Trong trường hợp sinh mạng của binh sĩ Nga bị đe dọa, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả thích hợp nhằm vào tên lửa và các bệ phóng chúng", tướng Valery Gerasimov tuyên bố.
Khả năng Nga tung đòn đáp trả cứng rắn nếu Mỹ và liên quân tấn công được Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc Vasily Nebenzia một lần nữa nhấn mạnh trong phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ mới đây.
Với việc leo thang căng thẳng, Mỹ và đồng minh đang đưa Nga vào tình huống buộc phải có biện pháp đáp trả nếu Syria bị tấn công. Nếu Moscow không có động thái gì sẽ là tổn thất danh dự rất lớn dành cho Nga trên trường quốc tế vì không thể bảo vệ được đồng minh.
"Chọc mù và triệt hạ"
Hiện tại, việc đáp trả có giới hạn và khả thi nhất của Nga là nhằm vào hai tàu khu trục USS Donald Cook và USS Porter nếu kịch bản Syria bị tấn công xảy ra.
Ở tình huống này, lực lượng quân sự Nga có đủ khả năng sử dụng hệ thống chế áp điện tử vô hiệu hóa hoạt động của tàu chiến Mỹ, thậm chí dừng toàn bộ hoạt động trên tàu.
Điều này từng có tiền lệ vào năm 2014, khi khu trục hạm USS Donald Cook tiến vào Biển Đen và bị máy bay tiêm kích-bom Su-24 trang bị hệ thống đối kháng điện tử Khibiny làm nhiễu loạn toàn bộ hệ thống điện tử trên khoang.
Máy bay tiêm kích bom Su-24 Nga "trêu ngươi" tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ năm 2014.
Còn tại Hmeymin, Syria Nga đang triển khai lực lượng đối kháng điện tử quy mô và hiện đại hơn nhiều, gồm: Máy bay đối kháng điện tử EB-22 Porubshchik,vhệ thống tác chiến điện tử 1RL257, Krasuha-4 và trực thăng chiến đấu mang hệ thống Lever-AVM. Chúng có đủ khả năng biến các tàu khu trục Mỹ thành cục sắt trên biển đúng theo nghĩa đen.
Ngoài biện pháp chế áp điện tử, Nga có thể dùng đòn tấn công quân sự trực tiếp. Các máy bay chiến đấu Su-30SM, Su-35S, Su-34 và Su-24M đều có khả năng mang tên lửa diệt hạm X-31D, X-35 để tung đòn tấn công triệt hạ tàu chiến Mỹ.
Đối với các tàu khu trục như USS Donald Cook và USS Porter, chỉ cần trúng 2 đạn tên lửa diệt hạm là đủ mất khả năng chiến đấu, thậm chí là bị đánh chìm.
Cùng với đó, Nga có thể sử dụng các tổ hợp tên lửa bờ đối hải Bastion với tầm bắn 300km để tấn công, như trong tình huống chiếc USS Donald Cook tiếp cận khu vực biển cách căn cứ Tartus 100km ngày 10-4.
Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp quân sự trực tiếp đang được Moscow cân nhắc vì nó có thể dẫn tới leo thang xung đột, thậm chí là một chiến tranh quy mô lớn.
Với sự chuẩn bị hiện tại, rõ ràng nếu Syria bị tấn công, Nga chắc chắn sẽ có phản ứng quyết liệt vì Syria không chỉ lợi ích cốt lõi, mà còn là danh dự của nước Nga.
CNN đưa tin Su-24 Nga áp sát tàu khu trục Mỹ.