ESA ra quyết định: Chỉ trong 1 tháng cắt đứt 2 chương trình lớn

Trang Ly |

Châu Âu ra một loạt quyết định quan trọng liên quan đến chương trình không gian.

Tổng giám đốc của ESA, Josef Aschbacher. Ảnh: EPA-EFE/CLEMENS BILAN

Tổng giám đốc của ESA, Josef Aschbacher. Ảnh: EPA-EFE/CLEMENS BILAN


Ngày 13/4, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thông báo quyết định ngừng hợp tác với Nga trong loạt các sứ mệnh đổ bộ lên Mặt Trăng bằng tàu đổ bộ Luna của Nga trong tương lai. 

Các quan chức ESA cho biết, họ sẽ không còn hợp tác với Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos cụ thể trong các sứ mệnh khoa học Luna 25, 26 và 27 liên quan đến những căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, Space thông tin.

Quyết định của ESA có hiệu lực ngay lập tức. Đơn cử, ESA đã yêu cầu hệ thống camera điều hướng hạ cánh Pilot D của họ phải được tháo dỡ và đưa ra khỏi sứ mệnh Luna 25 của Nga, dự kiến ​​ra mắt vào cuối năm 2022.

"Tôi đã thông báo quyết định này với người đứng đầu Roscosmos và yêu cầu Pilot D được đưa vào kho an toàn cho đến khi nó có thể được trả lại cho ESA" - Tổng giám đốc của ESA, Josef Aschbacher, cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 13/4.

Giám đốc thăm dò con người và robot của ESA, David Parker, nói thêm rằng việc loại bỏ thiết bị camera hạ cánh Pilot D sẽ không ảnh hưởng đến khả năng thực hiện sứ mệnh của Nga.

Thông báo mới nhất này được đưa ra gần một tháng sau khi Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) tiết lộ rằng họ đã chính thức đình chỉ sứ mệnh chung trên sao Hỏa ExoMars với Nga. Sứ mệnh phóng dự kiến ​​sẽ thực hiện trên Hành tinh Đỏ vào tháng 9/2022, nhưng vụ phóng đó hiện đang bị hoãn vô thời hạn, vì lý do tương tự liên quan đến Ukraine.

ESA ra quyết định: Chỉ trong 1 tháng cắt đứt 2 chương trình lớn - Ảnh 1.

Mô hình tàu đổ bộ Luna-27 của Nga. Ảnh: Wikipedia

ESA cho biết: 'Sau hành động quân sự của Nga đối với Ukraine, Tổng giám đốc ESA đã bắt đầu đánh giá toàn diện tất cả các hoạt động hiện đang được thực hiện với sự hợp tác của Nga và Ukraine', ESA cho biết trong một tuyên bố.

Tuyên bố của ESA cho biết thêm: Mục tiêu là xác định những hậu quả có thể xảy ra trong bối cảnh địa chính trị mới này đối với các chương trình và hoạt động không gian của ESA, đồng thời tạo ra một cơ sở hạ tầng không gian linh hoạt và mạnh mẽ hơn cho châu Âu.

Cũng như với ExoMars, những căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng các lệnh trừng phạt được đưa ra thể hiện sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh và khiến ESA không thể thực hiện việc hợp tác với Nga trong các sứ mệnh Mặt Trăng đã được lên kế hoạch trước đó.

"Với tư cách là một tổ chức liên chính phủ được giao nhiệm vụ phát triển và thực hiện các chương trình không gian tôn trọng đầy đủ các giá trị của châu Âu, chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về thương vong của con người tại Ukraine. Dù phải thừa nhận tác động đối với hoạt động khám phá không gian của mình, ESA nhận thấy rằng các lệnh trừng phạt mà các Quốc gia Thành viên ESA áp đặt đối với Nga là hoàn toàn phù hợp" - ESA cho biết trong bản thông báo cắt đứt quan hệ với Nga trong chương trình sao Hỏa ngày 17/3/2022.

SỐ PHẬN CÁC SỨ MỆNH ESA ĐI VỀ ĐÂU?

ESA cho biết, khoa học và công nghệ của ESA cho các sứ mệnh sao Hỏa và Mặt Trăng vẫn có tầm quan trọng sống còn. ESA đang làm việc để tìm ra các giải pháp thay thế để tiếp tục các sứ mệnh bằng cách sử dụng công nghệ khác.

Trước đó, ESA đã dự định đưa các công nghệ quan trọng trong ba sứ mệnh Luna 25, 26 và 27 lên Mặt Trăng, bắt đầu bằng việc phóng Luna 25 theo lịch trình vào tháng 8/2022. 

ESA ra quyết định: Chỉ trong 1 tháng cắt đứt 2 chương trình lớn - Ảnh 2.

Ảnh: Roscosmos

Tàu thám hiểm Luna 27, được lên kế hoạch cho năm 2025, dự kiến ​​sẽ có hệ thống định vị quang học do châu Âu xây dựng dựa trên phân tích hình ảnh thông minh nhân tạo; cùng một mũi khoan dưới bề mặt được thiết kế để lấy mẫu đất Mặt Trăng từ độ sâu lên đến 1 mét.

Tổng giám đốc của ESA, Josef Aschbacher cho biết, ESA đã đang đàm phán về các lựa chọn thay thế để đưa những công nghệ này lên Mặt Trăng.

Ông Josef Aschbacher cho biết, mũi khoan do ESA chế tạo sẽ bay lên Mặt Trăng cùng NASA trong khuôn khổ chương trình Dịch vụ tải trọng Mặt Trăng thương mại của cơ quan Mỹ.

Cũng tại cuộc họp báo, ESA cũng thảo luận về tương lai của tên lửa Vega nhỏ của họ. Điều đặc biệt, tên lửa Vega có sự hợp tác chế tạo của Ukraine. Cụ thể là động cơ tầng trên của tên lửa Vega. Động cơ này được sản xuất bởi công ty Yuzhmash của Ukraine, có trụ sở tại thành phố công nghệ Dnipro. 

ESA ra quyết định: Chỉ trong 1 tháng cắt đứt 2 chương trình lớn - Ảnh 4.

Tên lửa Vega của ESA. Ảnh: ESA

Một ví dụ khác về cách ESA đang cố gắng tìm kiếm các đối tác mới bên ngoài Nga (bên cạnh NASA) là thỏa thuận được ký gần đây với Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), liên quan đến việc đưa một máy quang phổ khối lên Mặt Trăng trong Sứ mệnh Khám phá Địa cực Mặt Trăng (LUPEX) của Nhật Bản và Ấn Độ dự kiến thực hiện ​​vào năm 2024.

Sứ mệnh Khám phá Địa cực Mặt Trăng (LUPEX) là một sứ mệnh chung của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) và Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) nhằm khám phá vùng Địa cực của Mặt Trăng.

Nguồn: Space, DM, Independent

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại