Được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng TP.Đà Lạt, nhà dân tộc học Đinh Thị Nga và nhà thiết kế Minh Hạnh đã cho phục dựng ngôi nhà dài của người Mạ với kho lúa bên hồ Xuân Hương.
Đây vốn là căn nhà của già làng Điểu K’Banh và gia đình em rể Điểu K’Rư làm từ năm 1976 ở Buôn Go (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) mà chị Nga đã mua lại để gìn giữ suốt hàng chục năm qua.
Đích thân già làng Điểu K’Banh và mười mấy người dân ở Buôn Go (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) đã lên Đà Lạt phục dựng ngôi nhà dài này để đón năm mới.
Cột nhà là những cây gỗ mun gần như đã hóa thạch có độ bền hàng trăm năm; kèo nhà làm bằng tre già, vách thưng bằng mây, mái lợp tranh… Điều đặc biệt là suốt quá trình làm nhà dài, người dân không hề sử dụng bất kỳ một cây đinh nào và không cần dùng thước để đo cắt cây.
Khi ngôi nhà được dựng xong, già làng tổ chức cúng nhà mới, giết gà để lấy máu bôi lên cây nêu và bàn thờ để cúng tế thần mặt trời, thần mặt trăng…; sau đó mời bà con thân tộc, những người đã giúp mình dựng nhà và khách khứa uống rượu cần, thức uống truyền thống ưa thích do người Mạ làm ra.
Uống rượu cần mừng nhà mới.
Tại không gian ngôi nhà dài truyền thống còn trưng bày những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động độc đáo, lạ mắt... của đồng bào các dân tộc Mạ, K'Ho, Chu Ru, những tộc người bản địa cùng sinh sống ở Nam Tây Nguyên. Ngoài ra còn có bộ đàn đá lâu niên, những chiếc chuông gió hình chim muông.
Dệt thổ cẩm cạnh nhà sàn.
Ngôi nhà vừa xuất hiện đã thu hút rất đông người dân địa phương cùng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
Du khách hào hứng học giã gạo..
Các nghệ nhân người Mạ đã trình diễn các tiết mục cồng chiêng phục vụ du khách, quảng bá nét văn hoá và một số hoạt động, sinh hoạt trong đời sống hàng ngày như đan gùi, dệt thổ cẩm, giã gạo chày đôi...
Nghệ nhân chươt nan, đan gùi..
Trước đó, chị Nga đã đưa nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoài Linh đến tận Buôn Go và một số buôn làng xa xôi khác để chụp những bức ảnh chân dung và sinh hoạt hàng ngày của bà con dân tộc thiếu số.
Hiện những bức ảnh này được trưng bày bên cạnh ngôi nhà dài để du khách vừa giao lưu với bà con dân tộc thiểu số vừa ngắm những bức ảnh nghệ thuật mà chính họ là “diễn viên”, qua đó mang đến cho du khách sự ngạc nhiên thú vị.
Bức ảnh bà Ka Lang được triển lãm bên hồ Xuân Hương..
Bà Ka Lang uống rượu cần trong ngôi nhà bên hồ Xuân Hương.