Xin giới thiệu tới độc giả bài viết của nhà văn người Anh Thomas Bird hiện đang sống và làm việc tại Bắc Kinh, Trung Quốc được đăng tải trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) tháng 8/2017. Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Tuyến đường sắt mới Nairobi-Mombasa (Kenya) được khai trương thu hút dư luận vào tháng 5 vừa qua, điều đó cũng có nghĩa đây là cơ hội cuối cùng để đi trên tuyến đường sắt từ thời đại Nữ hoàng Victoria một cách thong thả ung dung.
Những biển hiệu với dòng chữ “Vành đai và Con đường: Hợp tác để cùng có lợi” được treo dọc theo con đường vành đai 2 đông đúc của Bắc Kinh.
Trung Quốc đang đầu tư một cách ồ ạt vào kế hoạch tái hiện lại hình ảnh những Con đường Tơ lụa của mình ở thế kỷ 21, dù cho lượng ngân sách không đủ. Việc làm sống lại một lần nữa những con đường thương mại xưa cũ là một dự án mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Một loạt các thỏa thuận, dự án được thực hiện từ Vientiane (Lào) đến Vilnius (Lithuania), khiến giới phê bình phải thốt lên “Đế chế!” và những người ủng hộ thì hoan nghênh việc cải thiện cơ sở hạ tầng cho các quốc gia đang cần nguồn vốn đầu tư.
Nhưng trước hết, hãy nhìn lại lịch sử…
Một nhà ga của tuyến đường sắt Lunatic Express những năm 80. Ảnh: Strategic Depth
Kenya mang dấu ấn thế kỷ 19
Tôi đến thành phố Mombasa đầy nắng và gió bụi sau mùa mưa quá ngắn ở nơi đây gây ra hạn hán tại nhiều nơi trên cả nước. Vài con quạ đen bay là là trên những con đường ngoằn ngoèo của thị trấn cổ xưa đã hoang tàn.
Dòng chảy thời gian của thành phố hòa cùng với cát trắng của Đông Phi qua nhiều thế kỷ. Nếu so sánh với thành phố Nairobi hiện đại, Mombasa là vùng đất với sự pha trộn nhiều văn hóa. Những ngôi đền thờ thần Shiva và Jain nói lên sự ảnh hưởng của Ấn Độ; những đền thờ Basheikh, Bohra và Mandhry gợi đến Đế quốc Osman; trong khi những dấu vết của Đế quốc Anh vẫn còn sót lại ở Cảng Dhow, những tòa nhà từ thời thuộc địa quanh Quảng trường Chính phủ: Bưu điện cũ và Câu lạc bộ Mombasa hấp dẫn bên trong.
Nhưng kiến trúc theo kiểu Bồ Đào Nha của pháo đài Fort Jesus là nổi bật hơn cả. Được thiết kế bởi một người Ý dưới triều vua Philip của Bồ Đào Nha và hoàn thành năm 1596. Giá trị của pháo đài ở chỗ nó là ranh giới giữa sự giàu có của phần châu Phi phía bên trong và thị trường thương mại Ấn Độ Dương bên ngoài.
Pháo đài bây giờ là một bảo tàng và những cái đập vào mắt người xem không phải là pháo của người Scotland hay súng của người Bồ Đào Nha mà là đồ sứ: những ấm trà, đĩa, cốc của Trung Quốc với họa tiết hình rồng, hình phượng hoàng hay sư tử.
Ngày nay tất nhiên những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc lại tràn vào đây một lần nữa. Kenya vẫn là một đất nước còn thuộc vào việc nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa đã thành phẩm, bao gồm cả xe máy nhãn hiệu Trung Quốc vẫn thường gây tiếng nổ lớn trên những con đường tại Mombasa.
Như bao nhà văn du lịch lãng mạn, tôi muốn đi tàu hỏa nhưng họ cho biết những tuyến đường sắt người Anh xây dựng trước đây đã không còn hoạt động và tuyến đường sắt thay thế của Trung Quốc thì vẫn đang xây dựng.
George Gasston, người có ông cố là Robert Coryndon, quan chức chính phủ Kenya từ 1922-1925, nói: “Chúng tôi từng đi tàu khi còn nhỏ. Chúng tôi còn trèo lên nóc khi qua Công viên quốc gia Tsavo và ngắm nhìn những con vật chạy qua dưới ánh trăng. Nếu bạn không vội, bên nên đi tàu.”
Tuyến xe lửa vẫn còn hoạt động ít nhất là đến Nairobi. Phần đường ray đến Kisumu bị đóng cửa năm 2012. Alexandra Rhs, một người với phong cách hippie, kể lại cách “những chiếc quạt trên mui xe rung lên, cố chống lại cái nóng khủng khiếp tại Tsavo và những chiếc giường trên toa tàu rung lắc, đẩy anh ta vào giấc ngủ” như thế nào. Và “thức ăn vẫn không có gì thay đổi, vẫn ngon tuyệt, đặc biệt là món súp.”
Tuyến tàu Lanutic Express hòa mình vào thiên nhiên. Ảnh: Strategic Depth
Mặc cho những cảnh báo của Alexandra về những sự xuống cấp không thể tránh khỏi và những phàn nàn của Gasston về nạn tham nhũng làm tàn phá đường ray, tuyến đường sắt Uganda hàng trăm tuổi với tình trạng bất ổn là một lựa chọn thay thế khả thi cho những con đường tồi tệ.
Vài ngày sau, dưới cái nắng nóng, tôi cố gắng băng qua đường để vào trạm xe lửa Mombasa cũ.
“Bạn đi đâu vậy?”, một người đàn ông hỏi tôi, trong khi tôi đang bị vây chặt bởi những chiếc xe tuk-tuk xung quanh như bầy ong.
“Bắt xe lửa”, tôi trả lời, chỉ về tấm biển đường sắt Kenya cũ kỹ phía trước.
“Vẫn còn xe lửa sao?” anh ta hỏi lại, nhìn tôi như thể tôi bị điên.
Khoang hạng nhất của con tàu đúng như những gì Alexandra miêu tả, như một di tích còn sót lại từ thời hoàng kim của ngành đường sắt, với bồn rửa mặt, giá treo mũ và chỗ để hành lý cá nhân. Những ghế ngồi được bọc da màu be, bên ngoài nhà vệ sinh treo tấm biển phòng rửa mặt” và người phục vụ - anh Odinga sử dụng ngôn ngữ như được dẫn ra từ cuốn sách dạy nghi thức thời Victoria: “Xin chào, ngài Thomas, chào mừng đến với Tuyến xe lửa Kenya. Chúng tôi sẽ dọn giường cho ngài. Bữa tối sẽ được phục vụ lúc 7h tối trong khoang ăn. Bữa sáng lúc 7h30 sáng”.
Chúng tôi rời trạm ga Mombasa và bắt đầu khám phá bên trong Kenya. Tuyến đường của chúng tôi dọc theo Tudor Creek. Cuộc sống bên bờ Mombasa, cũng giống như nhiều thành phố châu Phi khác, rất nghèo. Mặc dù là nền kinh tế lớn nhất Đông Phi, 42% người dân Kenya vẫn sống dưới mức nghèo khổ. Nhưng những người lao động nghèo nơi đây vẫn xuất hiện với khuôn mặt vui vẻ vẫy tay với con tàu và hét lên “Jambo!” (Xin chào) khi chúng tôi đi qua.
Cuối cùng, thế giới hiện đại của con người khuất dần, nhường chỗ cho cảnh quan hùng vĩ bạt ngàn cây keo thấp thoáng những mái nhà tranh lợp lá.
Tuyến đường sắt ngăn đôi công viên quốc gia thành Tsavo Tây và Tsavo Đông. Khoảng mấy dặm trong địa phận Tsavo, xe lửa dừng lại một cách khó hiểu khoảng một vài tiếng. Không điều hòa nhiệt độ, không khí nóng bức và sống động với những con côn trùng xung quanh. Tôi có thể ngắm nhìn những con thú lớn dưới ánh hoàng hôn, và thậm chí tôi còn định trèo lên nóc toa tàu như Gasston từng làm.
Trong bữa ăn tối với món súp, cà ri và bia Tusker rất riêng của người Kenya, tôi gặp một vài người bạn: một nhà báo tư do người Ailen, một giáo viên tình nguyện người Bỉ và Jane Reid người Canada – tư vấn viên tại Nairobi của UN-Habitat, chương trình của Liên Hiệp quốc về các vấn đề định cư con người.
Reid nói: “Bất cứ đâu ở Nairobi, bạn đều phải đi taxi, đó là thất bại trong phát triển đô thị. Người nước ngoài thường bay sang những vùng biển để nghỉ dưỡng, nhưng tôi thích du lịch theo cách này hơn, rất thú vị”.
Người dân Kenya bắt chuyến tàu Lunatic Express tới Nairobi trước khi tuyến này bị đóng cửa. Ảnh: Thomas Bird
Đến buổi sáng, chúng tôi tiếp tục di chuyển, cảnh quan hùng vĩ và bầu trời rộng lớn của châu Phi kỳ bí hiện ra ngoài cửa sổ. Cứ mỗi 50km, chúng tôi dừng lại tại một trạm ga cũ do người Anh xây dựng trước đây, những nơi tưởng như bị lãng quên như Kima, Kalembwani, Kiu. Không có trưởng ga hay sân ga, những hành khác phải băng qua những đám cỏ đến lên tàu.
Suốt dọc chuyến đi, chúng tôi cũng quan sát tuyến đường sắt thay thế. Không giống đường sắt của người Anh vòng quanh vùng đất ở một mức độ nào đó, công trình mới xuyên thẳng qua cảnh quan, như những đường sắt ở Trung Quốc vậy.
Niềm hoài nghi về "Giấc mơ 100 năm"
Những tấm poster với khẩu hiệu bằng tiếng Trung và tiếng Anh như “Hãy giữ vững kỷ luật hơn là phải khóc than sau đó”, vẽ lên một bối cảnh mà người địa phương lao động dưới cái thời tiết nóng nực nơi đây. Tại một điểm, một nhân viên quản lý Trung Quốc đeo kính râm đen miệng hút thuốc lá đang quan sát những công nhân. Trong tất cả những điểm xây dựng của Trung Quốc, đất đá và gạch vữa ngổn ngang, mà Gasston miểu tả là “một mớ lộn xộn”.
Tuyến đường sắt đang được xây dựng cũng gây lên sự tranh cãi. Sự có mặt của người Trung Quốc bị cáo buộc gây nên tệ nạn buôn bán sừng tê giác, ngà voi sang các thị trường Đông Á. Năm nay, Trung Quốc đã chính thức cấm buốn bán ngà voi, nhưng với nhiều người Kenya chỉ sống với mức thu nhập 1USD/ngày và nhu cầu lớn các sản phẩm từ động vật hoang dã, không ai nghi ngờ về việc tiếp diễn nạn săn bắt trái phép tại đây.
Và một loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Kenya khi nhà thầu được cho phép xây dựng đường sắt xuyên qua Công viên quốc gia Nairobi, khu bảo tồn lâu đời nhất quốc gia.
Ngày 31/5, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta khánh thành tuyến đường sắt tiêu chuẩn do Trung Quốc xây dựng tại trạm ga Mombasa mới và hiện đại.
Tuyến đường sắt mới Nairobi-Mombasa do Chính phủ Trung Quốc đầu tư xây dựng mới đi vào sử dụng hồi tháng 5 vừa qua tại Kenya. Ảnh: AP
Một góc của hành lang sân ga treo tác phẩm điêu khắc của Trịnh Hòa, một thái giám theo đạo Hồi người tỉnh Vân Nam. Trong thế kỷ 15, ông hai lần đến Đông Phi, nơi mà ông đang mang những cống phẩm và quà tặng về cho Hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh.
Ông được kể lại đã quay trở về Trung Quốc với một con hươu cao cổ. Với những nhà Hán học, tính biểu tượng trong đó rất rõ ràng và nhiều người Kenya biết Trịnh là ai và hình ảnh của ông tượng trưng cho điều gì.
Tuyến đường sắt Nairobi-Mombasa dài 470km – dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Kenya kể từ khi nước này giành được độc lập năm 1963, được hoàn thành sớm trước 18 tháng so với kế hoạch. Tàu Madaraka Express, được đặt theo ngày Kenya dành được quyền tự trị, mất khoảng 5 tiếng để đi giữa hai thành phố - chỉ bằng một nửa thời gian nếu đi bằng ô tô, kéo 17 toa tàu trong đó có 1200 chỗ ngồi. Nó được thiết kế có thể kéo được 22 triệu tấn hàng một năm.
Chính trị gia người Kenya Kenyatta phát biểu trong cuộc bầu cử gần đây: “Hôm nay, sau 122 năm, mặc cho những chỉ trích, bây giờ cái chúng ta tôn vinh không phải tuyến đường sắt Lunatic Express mà là tuyến đường Madaraka Express, công trình sẽ bắt đầu thay đổi hình ảnh của đất nước Kenya của 100 năm tiếp theo. Tôi tự hào vì là một phần của viễn cảnh đó”.
Những lời chỉ trích mà ông Kenyatta nhắc tới không chỉ là những vấn đề về môi trường mà còn là vấn đề kinh tế, mà tác gia Howard French đã nhắc đến trong cuốn sách Lục địa thứ hai của Trung Quốc (2014), miêu tả là “một kiểu trao đổi thời hiện đại”.
Ngân hàng Eximbank của Trung Quốc cho Kenya vay 90% tiền vốn của dự án được xây dựng bởi chính Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc. Thật ngạc nhiên khi giá của đường ray là 3.2 tỷ USD, cao hơn 50% so với những dự án tương tự của các quốc gia láng giềng. Năm 2016, nợ nước ngoài của Kenya cao gấp 7 lần ngân sách hàng năm, trong đó Trung Quốc chiếm 60% tổng số nợ.
Nhà văn Thomas Bird
Chính phủ Kenya nói rằng tuyến đường sắt sẽ giúp tổng sản phẩm quốc nội tăng thêm 1.5% và khoản nợ đó có thể trả được sau 4 năm. Nhưng nhiều người nghi ngờ vào điều đó. Kenya đang phải vật lộn với nạn tham nhũng đang lan rộng. Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Kenya xếp hạng 145 trong tổng 176 quốc gia, trong khi Trung Quốc đứng thứ 79.
Tất cả làm dấy lên những hoài nghi về một "xã hội có xuất xứ từ Trung Quốc", theo kiểu Trung Quốc sẽ như thế nào. Liệu Bắc Kinh có thực sự làm lên chuyện tại những đất nước nghèo hay đơn giản Trung Quốc chỉ đang “xuất khẩu” sang những đất nước này sự xuống cấp về môi trường?
Vào ngày 26/6, một cây cầu của Trung Quốc với kinh phí 13 triệu USD tại miền tây Kenya đã sập trước khi nó được hoàn thành.
Còn với tuyến đường sắt Lunatic Express, nhìn bên ngoài nó đã ngừng chạy ngày 28/4, nhưng ai chắc chắn về điều đó? Bước vào nhà ga cũ ở Mombasa, bạn có thể vẫn thấy những chú gà lang thang trên sân ga, các nhân viên đường sắt đang dọn dẹp dưới những hàng cây và xe lửa Jambo Kenya Deluxe vẫn luôn sẵn sàng cho một hành trình cuối cùng.