Đòn “ăn miếng, trả miếng” của Mỹ đối với Nga tại châu Âu

Tuấn Sơn |

NATO tiến hành tập trận liên tục tại các quốc gia thành viên Đông Âu; máy bay chiến đấu của khối liên minh quân sự này triển khai áp sát biên giới Nga; quân số thường trực của NATO tại các vùng giáp biên giới Nga liên tục tăng là chưa đủ với Mỹ và Washington hiện muốn tái triển khai các tổ hợp tên lửa có thể trang bị đầu đạn hạt nhân tới châu Âu.

Trung tâm đánh giá Chiến lược và Chính sách quốc phòng Mỹ (CSBA) đã vừa đưa ra khuyến nghị với Lầu Năm góc về khả năng triển khai các tổ hợp tên lửa lưỡng dụng có thể mang đầu đạn thông thường và hạt nhân tới Ba Lan. Mục đích chính của hành động này là để đối phó với lực lượng quân sự Nga đang đóng tại vùng Kaliningrad, đặc biệt là các đơn vị tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

“Câu trả lời” cho Iskander

Mặc dù, việc triển khai các tổ hợp tên lửa lưỡng dụng tại Ba Lan của Mỹ mới dừng lại ở mức ý tưởng của một số chuyên gia quân sự, nhưng rõ ràng khi được CSBA khuyến nghị nó có thể gây ảnh hưởng lớn tới các quyết sách tương lai của Lầu Năm góc.

Đối với Washington, kiến nghị của CSBA sẽ là phương thức giải quyết vấn đề Nga đang giám sát lực lượng NATO từ biển Baltic tới các khu vực khác của Đông Âu. Với các tổ hợp tên lửa Iskander, S-400 và Bastion đặt tại Kaliningrad, Nga hoàn toàn có thể tung đòn đáp trả vượt quá sức chịu đựng của NATO, nếu xung đột xảy ra.

Đòn “ăn miếng, trả miếng” của Mỹ đối với Nga tại châu Âu - Ảnh 1.

Tổ hợp Iskander triển khai tại Kaliningrad đưa toàn bộ căn cứ quân sự Mỹ và đồng minh tại châu Âu trong tầm ngắm.

CSBA đánh giá: “Mỹ cần các tổ hợp vũ khí mặt đất có thể sử dụng cả vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân tại Ba Lan”.

Động thái như vậy sẽ giúp tăng khả năng chủ động tình hình của lực lượng quân sự NATO trong khu vực và giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân chiến thuật triển khai bằng đường hàng không. Việc triển khai vũ khí hạt nhân tại Ba Lan sẽ làm vô hiệu hóa các tổ hợp Iskander của Nga tại Kaliningrad.

Cần nhấn mạnh rằng, Nga và Mỹ đang bị ràng buộc bởi Hiệp ước Không triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) ký năm 1987 quy định cấm các bên được phát triển và sở hữu các dòng tên lửa đạn đạo, hành trình có tầm bắn từ 500 tới 5.500km. Trong khi đó, Iskander hoàn toàn không vi phạm INF khi chỉ có tầm bắn khoảng 450km.

Liên quan tới vấn đề này, Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm INF khi phát triển và triển khai tổ hợp tên lửa Iskander. Về phần mình, Moscow cáo buộc Washington đang lợi dụng việc triển khai các thành phần phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại châu Âu, để bố trí các đơn vị tên lửa tấn công áp sát biên giới Nga.

Quyết định của Lầu Năm góc

Căn cứ vào tình hình thực tế, nếu Lầu Năm góc nghe theo khuyến nghị của CSBA, thì trong vài năm tới, sẽ không có tổ hợp tên lửa lưỡng dụng nào được triển khai tại Ba Lan. Điều này được giải thích đơn giản là vì Mỹ không sở hữu loại vũ khí nào có tính năng như vậy.

“Theo quan điểm của tôi, khuyến nghị của CSBA đơn giản chỉ là lý thuyết. Mỹ hiện không sở hữu dòng tên lửa chiến thuật lưỡng dụng. Trong quá khứ, Không quân Mỹ từng sở hữu tên lửa Tomahawk phiên bản hàng không trang bị đầu đạn hạt nhân, nhưng nó đã bị loại biên từ lâu.

Một loại vũ khí chiến thuật khác của Mỹ là tên lửa đạn đạo ATACMS thì lại chỉ có thể mang đầu đạn thông thường. Năng lực răn đe hạt nhân cấp chiến thuật của Mỹ hiện là bom B61.

Vài ngày gần đây, có thông tin về việc Mỹ khôi phục tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị máy bay ném bom chiến lược B-52, nhưng rõ ràng đó không phải nhằm vào Nga, mà là để răn đe Triều Tiên. Với hệ thống phòng không hiện tại, máy bay ném bom Mỹ khó có thể tấn công Nga”, chuyên gia Victor Murakhovsky, Tổng biên tập Tạp chí Sức mạnh tổ quốc, đánh giá.

Đòn “ăn miếng, trả miếng” của Mỹ đối với Nga tại châu Âu - Ảnh 2.

Các biến thể tên lửa hành trình Tomohawk dành cho nhiệm vụ răn đe hạt nhân của Mỹ đều đã bị loại biên theo các thỏa thuận cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược với Nga.

Đòn “ăn miếng, trả miếng” của Mỹ đối với Nga tại châu Âu - Ảnh 3.

Tên lửa đạn đạo ATACMS - đối trọng của Iskander hiện tại của Mỹ.

Đối trọng với tổ hợp Iskander trang bị đầu đạn hạt nhân chính là các biến thể của tên lửa hành trình Tomahawk.

Tuy nhiên, biến thể Tomahawk hàng không BGM-109A TLAM-N với đầu đạn nhiệt hạch W-80, sức công phá 150 Kiloton, đã bị loại bỏ theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược START-1 năm 1991. Trong khi đó, biến thể trên bộ BGM-109G GLCM với đầu đạn nhiệt hạch W-84 cũng đã bị loại biên theo INF.

Mới đây, năm 2014, Mỹ cho biết đang phát triển dòng tên lửa hành trình hàng không mang đầu đạn hạt nhân mới LRSO. Tuy nhiên, LRSO phải tới năm 2025 mới được trang bị rộng rãi. Trong tháng 9-2017, Lầu Năm góc đã công bố kế hoạch phát triển tên lửa hành trình mới dành cho Lục quân với khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Mối đe dọa đối với Nga

Hiện tại, vũ khí chiến thuật duy nhất của Mỹ có thể coi là đối trọng với tổ hợp Iskander là tên lửa ATACMS trang bị đầu đạn thông thường với tầm bắn khoảng 300km.

Được trang bị cho quân đội Mỹ từ những năm 1980, ATACMS liên tục được nâng cấp từ thời điểm đó tới nay. Hiện tại, Lục quân Mỹ đang thử nghiệm phiên bản tên lửa ATACMS mới với tầm bắn 400-500km. Tuy nhiên, không rõ trong các gói nâng cấp, Mỹ có tính tới khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân cho ATACMS hay không?

Đòn “ăn miếng, trả miếng” của Mỹ đối với Nga tại châu Âu - Ảnh 4.

Nga sở hữu hệ thống phòng không hàng đầu thế giới, nhưng thế là chưa đủ để phòng thủ trước NATO.

“Mỹ hiện cáo buộc Nga vi phạm INF với lý do tên lửa hành trình Kalibr có tầm bắn lớn hơn so với quy định. Trong khi đó, họ lại cố tình lờ đi việc đang nâng cấp và thử nghiệm các dòng tên lửa tầm ngắn và tầm trung mới, trong đó có ATACMS.

Ngoài ra, các công nghệ thực nghiệm về thuốc phóng và động cơ đẩy cũng giúp Mỹ có thể dễ dàng nâng cấp tầm bắn của các đơn vị tên lửa hiện có”, Giáo sư Học viện Khoa học quân sự Nga, chuyên gia về trang bị quân sự Mỹ, Sergey Sudakov đánh giá.

Theo đánh giá của ông S. Sudakov, cách tốt nhất để đối phó với mối nguy cơ của các dòng tên lửa tương lai của Mỹ là Nga cần củng cố năng lực của hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa.

Nga sẽ phải tăng gấp đôi số lượng đạn tên lửa phòng không hiện có để đảm bảo khả năng phòng thủ trước NATO. Với năng lực hiện tại, các đợt tấn công của NATO kể cả bằng tên lửa mang đầu đạn thông thường cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nước Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại