Liên quan đến vụ việc đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đỗ tại ga Cát Linh (phường Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) bị vẽ bẩn lên thành vào tối 25/12, một lãnh đạo công an quận Đống Đa cho biết: "Hiện chúng tôi đã huy động các lực lượng truy tìm hung thủ gây ra vụ việc trên và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật".
Trong tối 26/12, BQL dự án đã có công văn hỏa tốc yêu cầu tổng thầu tăng cường bảo vệ công trình đường sắt trên cao, đồng thời có văn bản gửi Công an TP. Hà Nội và công an các quận có đường sắt chạy qua hỗ trợ bảo đảm an ninh.
Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bẩn tối 25/12.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư TP. Hà Nội), việc bôi bẩn đoàn tàu trên cao Cát Linh – Hà Đông là hành vi cố ý phá hoại tài sản, làm hư hỏng tài sản. Nếu bị truy tố, xét xử, đối tượng sẽ phải đối diện với nhiều mức án khác nhau tùy theo mức độ hư hỏng của tài sản mà cơ quan điều tra giám định kết luận.
"Vụ việc này giống như vẽ bậy sơn xịt lên ô tô đỗ trước cửa đã từng xảy ra ở Hà Nội. Thiệt hại định giá tài sản hư hỏng bao gồm chi phí khắc phục sửa chữa, sơn lại như tình trạng ban đầu.
Hành vi của đối tượng phải áp dụng theo Bộ Luật Hình sự 1999 vì thời điểm xảy ra vụ việc trước ngày 1/1/2018 (ngày áp dụng BLHS 2015). Theo đánh giá của tôi, để khắc phục vết sơn trên chi phí chắc chắn sẽ lớn hơn hai triệu nên sẽ phải xử lý hình sự", luật sư Thơm nói.
Theo Điều 143 Bộ Luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định như sau:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
A) Có tổ chức;
B) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
C) Gây hậu quả nghiêm trọng;
D) Để che giấu tội phạm khác;
Đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
E) Tái phạm nguy hiểm;
G) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
>> Xem thêm clip: Đầu máy, toa đường sắt Cát Linh – Hà Đông về đến Hải Phòng (nguồn: báo Giao thông)
Đầu máy, toa đường sắt Cát Linh – Hà Đông về đến Hải Phòng