Đối thủ của Vietjet Air, một quý lãi 64 triệu USD, sớm lên sàn chứng khoán

Dy Khoa |

Hãng hàng không này vừa công bố sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm sau. Vietjet là đối thủ "sừng sỏ" của hãng bay triệu USD.

Tờ Bangkok Post (Thái Lan) dẫn lời Tổng Giám đốc Văn phòng Chính sách Doanh nghiệp Nhà nước (Thái Lan, Sepo) Tibordee Wattanakul cho biết dự kiến Thai Airways International Plc (THAI) sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan vào năm tới.

Ông Tibordee Wattanakul đánh giá tính thanh khoản của Hãng hàng không Quốc gia Thái Lan đã được cải thiện. Theo đó, các hoạt động nhằm phục hồi doanh nghiệp đang diễn ra theo đúng kế hoạch, với mục tiêu có thể niêm yết lại trên thị trường chứng khoán vào năm 2025.

Theo quy định của thị trường chứng khoán Thái Lan, một doanh nghiệp có thể được niêm yết khi đủ điều kiện, gồm: lợi nhuận trong 12 tháng và đạt được vốn chủ sở hữu dương.

Cũng theo Bangkok Post, Bộ Tài chính Thái Lan cho biết không có kế hoạch để công ty tiếp tục hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước khi vẫn duy trì dưới 50% cổ phần trong hãng vận tải quốc gia đang yếu. Tuy nhiên, nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty.

Ông Tibordee cho biết hiệu quả tài chính của THAI đang được cải thiện nhờ chương trình phục hồi khi công ty hợp lý hóa hoạt động bằng cách cắt giảm chi phí, bao gồm giảm một nửa lực lượng lao động và giảm quy mô đội tàu khoảng 40% thông qua việc cho thuê. Ngành hàng không thiệt hại nặng nề trong trận đại dịch kéo dài hơn 2 năm, THAI nằm trong số đó.

Đối thủ của Vietjet Air, một quý lãi 64 triệu USD, sớm lên sàn chứng khoán- Ảnh 1.

Trong quý 2/2023, THAI báo lãi gần 2,3 tỷ baht (tương đương 64 triệu USD). Ảnh minh họa.

Hồi tháng 9/2020, Tòa án Phá sản Trung ương đã phê duyệt kế hoạch phục hồi cho hãng bay này, sau khi đại dịch khiến hầu hết đội bay của họ phải dừng hoạt động. Lúc đó, biên giới các quốc gia đóng cửa, khiến việc di chuyển bằng đường hàng không bị đình trệ.

Tổng nợ phải trả của THAI lên tới 200 tỷ baht tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2020.

Hãng hàng không đã đấu tranh để tồn tại bằng cách áp dụng cơ cấu lại nội bộ mạnh mẽ và thực hiện các biện pháp tồn tại bao gồm tìm thêm doanh thu từ hoạt động kinh doanh không liên quan như bán thực phẩm của THAI Catering, vận chuyển hàng hóa, bưu kiện và bưu phí cũng như bán tài sản không sử dụng. Doanh thu dự kiến sẽ phục hồi trở lại khi đại dịch lắng xuống vào giữa năm 2022.

Trong quý 2/2023, hãng này báo lãi gần 2,3 tỷ baht (tương đương 64 triệu USD), cao nhất trong 20 năm, tăng 171% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng hàng không Quốc gia của Thái Lan dự kiến sẽ chấm dứt việc phục hồi vào quý 4 năm nay.

Ngành du lịch đang phục hồi đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi của ngành hàng không. Theo thông báo của Văn phòng Chính sách tài chính ngày 24/1, lượng khách du lịch nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc và Malaysia, được dự báo sẽ đạt 33,5 triệu lượt trong năm nay, tăng từ mức 28 triệu vào năm 2023, đánh dấu mức tăng 19,6%. Doanh thu du lịch ước đạt 1,48 nghìn tỷ baht, tăng 23,6% so với năm ngoái.

Thai Vietjet là "hãng hàng không lớn" tại Thái Lan

Hiện hãng hàng không chi phí thấp của Việt Nam - Vietjet Air - có mặt tại thị trường Thái Lan với thương hiệu Thai Vietjet. Theo báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 của Vietjet Air, Thai Vietjet ra mắt thị trường “đất nước của nụ cười” vào năm 2014, tức tròn 10 năm trước.

Trong một báo cáo tổng quan thị trường hàng không Thái Lan của Ngân hàng Krungsri (Thái Lan) phát hành hồi tháng 3/2023, thị trường Thái Lan có 100 công ty cung cấp các chuyến bay chở khách vào năm 2021 (49% tổng số hãng hàng không hoạt động tại Thái Lan), trong đó 82 công ty khai thác các chuyến bay theo lịch trình.

Thai Vietjet được Krungsri gọi là “hãng hàng không lớn” khi nằm trong số 23 hãng hàng không top đầu của vương quốc: bao gồm Thai Airways, Nok Air, Thai Smile, Thai Air Asia X (Malaysian) và Thai Vietjet.

Cũng trong báo cáo của Krungsri, vào năm 2021, 18,9 triệu hành khách đã đi trên các chuyến bay nội địa theo lịch trình. Thai AirAsia có thị phần lớn nhất trong số này, vận chuyển 5,1 triệu khách hàng trong năm (26,7% tổng số khách du lịch hàng không nội địa), tiếp theo là Thai Vietjet (22,2%) và Thai Lion Air (17,5%). Như vậy, Thai Vietjet vận chuyển khách nội địa nhiều hơn hãng hàng không quốc gia.

Đối thủ của Vietjet Air, một quý lãi 64 triệu USD, sớm lên sàn chứng khoán- Ảnh 2.

Thị phần nội địa của Thai Vietjet đã tăng từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 2 vào năm 2022. Ảnh minh họa.

Hồi tháng 2/2023, mạng Aviation Week có bài viết về Thai Vietjet. Tờ này cho biết: Thai Vietjet đang có kế hoạch chuyển trọng tâm từ hoạt động nội địa sang quốc tế và tăng hơn gấp ba lần tổng số ghế có sẵn quốc tế. Theo đó, hãng này đang chuẩn bị nhận 50 máy bay Boeing 737-8 đầu tiên vào tháng 7 năm 2024 và dự kiến trở thành nhà khai thác Boeing hoàn toàn vào năm 2027.

Tại sự kiện Routes Asia 2023, Giám đốc điều hành Thai Vietjet Woranate Laprabang cho biết với nhu cầu mạnh mẽ, thị phần nội địa của Thai Vietjet đã tăng từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 2 và đạt mức tăng trưởng doanh thu gấp đôi vào năm 2022.

Giám đốc điều hành Thai Vietjet cho hay: Thai Vietjet đang khai thác 11 máy bay thuộc dòng Airbus A320 và sẽ mở rộng lên 18 máy bay.

Là một công ty liên kết của Vietjet, ông Woranate cho biết Thai Vietjet chia sẻ các nguồn lực bán hàng, tiếp thị và được hưởng lợi từ thương hiệu mạnh của Vietjet, giúp hãng dễ dàng thâm nhập các thị trường mới hơn nhưng CEO nhấn mạnh các hãng hàng không này hoạt động độc lập cả về tài chính và vận hành.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại